Có quyền kiện đòi lại lối đi nhưng phải trải qua hòa giải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi cho gia đình hàng xóm sử dụng lối đi chung với gia đình tôi (đất thuộc gia đình tôi) từ năm 1993. Nay gia đình này bán nhà đất cho người khác nên gia đình tôi không cho đi chung nữa nhưng họ không chấp nhận. Xin hỏi tôi có kiện ra toà được không? Gia đình kia vẫn có lối đi khác từ trước tới nay. Nguyễn Văn Phúc (Hà Nội)
Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Gia đình bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà hàng xóm ra Tòa án nhân dân quận, huyện nơi xảy ra tranh chấp để yêu cầu Tòa án buộc họ trả lại lối đi nằm trên phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn. Tuy nhiên, trước khi nộp đơn khởi kiện, gia đình bạn phải làm thủ tục đề nghị UBND xã, phường nơi có đất tranh chấp hòa giải. Trình tự này được quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013.

Cụ thể, “Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai” quy định: “1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. 2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. 4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”.

Nếu bạn bỏ qua thủ tục này, đơn khởi kiện của bạn sẽ bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do chưa có đủ điều kiện khởi kiện, bởi lẽ theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.

Tranh chấp lấn chiếm lối đi chung có thể giải quyết tại UBND địa phương hoặc Tòa án có thẩm quyền. Ảnh minh hoạ

Tranh chấp lấn chiếm lối đi chung có thể giải quyết tại UBND địa phương hoặc Tòa án có thẩm quyền. Ảnh minh hoạ

Như vậy, với việc nhà hàng xóm đã có lối đi khác nhưng vẫn sử dụng lối đi nằm trên phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn, nếu muốn đòi lại quyền sử dụng trọn vẹn phần đất đó, gia đình bạn cần làm đơn đề nghị UBND xã, phường hòa giải tranh chấp. Trong trường hợp việc hòa giải không đạt kết quả, nhà hàng xóm vẫn không đồng ý trả lại quyền sử dụng đất cho gia đình bạn, khi đó gia đình bạn có quyền nộp đơn khởi kiện nhà hàng xóm.