Quỹ bảo trì đường bộ: Chờ các Bộ chốt lại mức thu...

ANTĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 18/2012-NĐCP về Quỹ bảo trì đường bộ, theo đó, từ 1-6-2012, Quỹ này sẽ có hiệu lực. Xung quanh vấn đề thu, chi quỹ ra sao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết:

- Trong Đề án Quỹ bảo trì đường bộ của Bộ GTVT đã nêu rõ, với   ô tô sẽ thu qua các lần kiểm định định kỳ (đăng kiểm), còn với     mô tô, xe máy sẽ giao cho chính quyền địa phương tổ chức thu để phục vụ trực tiếp quản lý bảo trì đường địa phương. Mức thu được dự kiến xe máy 100.000-150.000 đồng/năm, xe con 180.000 đồng/tháng (tương đương 2,2-2,4 triệu đồng/năm) đã được đánh giá qua nghiên cứu nhưng cần phải chờ các bộ thống nhất lại và chốt con số mức thu bao nhiêu bằng thông tư hướng dẫn. Riêng phí xe máy sẽ bàn thêm với các bộ, ngành, quy định mức, phương pháp thu thống nhất sau giữa các bộ, ngành liên quan.

- Nhiều ý kiến cho rằng, thu phí trên đầu xe máy rất phức tạp, dễ thất thoát, Tổng cục Đường bộ có định hướng gì cho các địa phương?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Về cơ bản, với mô tô, xe máy người dân chủ yếu đi trên địa bàn địa phương, cũng có số ít di chuyển sang các tỉnh lân cận. Nhưng, chúng ta cũng phải xác định, xe tỉnh này đi sang tỉnh kia thì xe tỉnh kia cũng sang tỉnh này. Hơn nữa, cái gì cũng mang tính tương đối, nếu chi ly quá sẽ không quản lý được.

- Như vậy, liệu có phải là đẩy khó khăn trong việc thu phí xe máy sang cho chính quyền địa phương?

 - Ông Nguyễn Văn Quyền: Trách nhiệm của địa phương là phải lo cho dân, phải xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đảm bảo tốt sự lưu thông đi lại cho nhân dân. Muốn đảm bảo được thì phải tuyên truyền, tổ chức để huy động được các nguồn lực xã hội. Đấy là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

- Bộ GTVT đã từng đề xuất thu qua xăng dầu để đảm bảo công bằng, đi nhiều đóng nhiều. Ông có thể lý giải vì sao phương án này không được chọn? 

-   Ông Nguyễn Văn Quyền: Đấy cũng là một trong những phương án thu được chúng tôi đưa ra trong khi xây dựng Đề án Quỹ bảo trì đường bộ. Phương án này có rất nhiều ưu việt, nhiều nước đã áp dụng. Phương thức thu này đã được sử dụng một lần trong giai đoạn trước kia, song có nhiều ý kiến cho rằng thiếu công bằng. Cụ thể, một số lĩnh vực có sử dụng xăng dầu sản xuất không liên quan đến giao thông đường bộ mà vẫn phải chịu phí, rồi liên quan tới các đối tượng sử dụng dầu diezel không cho tham gia đường bộ lên tới 70%. Đối tượng này nhiều, nên Thủ tướng đã lựa chọn phương án thu qua đầu phương tiện.

- Nhưng thu qua đầu phương tiện cũng không công bằng khi xe đi ít phải đóng nhiều?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Phương thức nào cũng có tồn tại nhất định. Thu theo đầu phương tiện không phản ánh đúng việc người sử dụng phương tiện nhiều thì đóng nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, nhìn chung các phương tiện kinh doanh đều sử dụng hết hoặc gần hết công suất của phương tiện. Còn phương tiện sử dụng cho sinh hoạt gia đình chủ yếu là xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, mức thu cũng chưa đến 2 triệu đồng/năm. Điều này cũng phải chấp nhận, có người sử dụng nhiều, có người sử dụng ít, san sẻ giữa người này và người kia, đóng góp chung cho sự nghiệp bảo trì đường bộ.

- Sau khi có Quỹ bảo trì đường bộ, ngành GTVT có cam kết gì về chất lượng đường sá trong thời gian tới?

 - Ông Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của ngành đường bộ, khi Nhà nước và người dân đã tạo điều kiện thực hiện công tác bảo trì tốt hơn, với sự tham gia đóng góp của người dân thì ngành phải có trách nhiệm làm đúng, làm tốt, công khai, minh bạch. Chúng tôi đang xây dựng Đề án về đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong phạm vi cả nước, sẽ tổ chức đặt hàng, đấu thầu công khai cho các doanh nghiệp, kể cả tư nhân và cổ phần. Nhìn chung, chúng tôi sẽ thực hiện cơ chế thị trường có sự giám sát, quản lý của xã hội, người dân một cách minh bạch.