- Đại sứ quán Pháp mở 2 Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực
- Tuần này, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ
Sáng 4-4, Chủ tịch nuớc Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tờ trình nêu: "Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian gần đây, phía Hoa Kỳ nhiều lần nêu vấn đề về chính sách thị thực của ta gây khó khăn cho việc nhập cảnh vào Việt Nam của công dân Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt Luật Nhập xuất cảnh) được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ 1-1-2015, theo đó công dân Hoa Kỳ chỉ được cấp thị thực ngắn hạn 3 tháng và không được gia hạn thời gian lưu trú. Phía Hoa Kỳ cho rằng chính sách thị thực của Việt Nam với công dân Hoa Kỳ không tương xứng với chính sách thị thực của Hoa Kỳ dành cho công dân Việt Nam và quan hệ hai nước. Phía Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam nâng thời hạn thị thực cấp cho công dân Hoa Kỳ lên thời hạn 1 năm cho mục đích du lịch, hội nghị, việc riêng và các mục đích nhập cảnh ngắn hạn khác".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Theo đó, ngày 5-11-2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ cho phép đàm phám ký kết luật quốc tế với phía Hoa Kỳ dưới dạng Công hàm trao đổi. Trên cơ sở nhất trí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 27-1-2016, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với phía Hoa Kỳ về Công hàm thỏa thuận cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngày 29-1-2016, phía Hoa Kỳ có công hàm chính thức đồng ý với Công hàm của Việt Nam.
Nội dung chính của Công hàm thỏa thuận như sau: “Chính phủ Việt Nam cấp thị thực có thời hạn đến một năm, nhiều lần cho công dân Hoa Kỳ nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, hội thảo, việc riêng hoặc làm việc với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam và đáp ứng các điều kiện khác nhập cảnh Việt Nam theo luật pháp của Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ cấp thị thực có thời hạn đến một năm, nhiều lần cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hoa Kỳ với mục đích du lịch, hội thảo, việc riêng hoặc làm việc với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và đáp ứng các điều kiện khác nhập cảnh Hoa Kỳ theo luật pháp của Hoa Kỳ. Thời gian tạm trú mỗi lần nhập cảnh phụ thuộc vào mục đích nhập cảnh, theo pháp luật và quy định hiện hành. Mỗi nước có thể rút ngắn thời hạn thị thực và số lần nhập cảnh của các trường hợp cụ thể thao luật pháp và quy định hiện hành”.
"Tuy nhiên nội dung của thỏa thuận nêu trên có điểm trái với quy định của Luật Nhập xuất cảnh 2014, đó là thỏa thuận cho phép cấp thị thực có thời hạn đến một năm với mục đích du lịch, hội thảo, việc riêng. Trong đó khoản 2 và 3, điều 9, Luật Nhập xuất cảnh 2014 quy định chỉ được cấp 3 tháng hoặc 6 tháng. Công hàm thỏa thuận này và Điều ước quốc tế cấp Chính phủ có điều khoản trái với luật của Quốc hội. Vì vậy, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình trước Quốc hội các nội dung cụ thể Công hàm nêu trên", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn Công hàm thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh tham gia thảo luận tại hội trường
Tham gia thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Công hàm thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) góp ý: "Về cơ bản tôi tán thành, vì lợi ích của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong quá trình xuất nhập cảnh cần được bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên tôi đề xuất, nếu được, tại sao chúng ta không sửa luật? Vì thực tế ở đây chúng ta mới chỉ xem xét với phía Hoa Kỳ, còn những khu vực khác, Bộ Ngoại giao cũng nên rà soát xem còn những bất cập gì. Tôi đề nghị, Quốc hội chúng ta cũng nên sẵn sàng sửa đổi những quy định làm sao cho phù hợp nhất".
Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nêu quan điểm: "Việc Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Công hàm về cấp thị thực này phù hợp với Hiến pháp 2013 và quy định của Luật Ký kết gia nhập điều ước quốc tế. Tôi tán thành việc phê chuẩn Công hàm thỏa thuận này, vì việc phê chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh Hoa Kỳ, giảm chi phí và thời gian cho người dân. Việc phê chuẩn cũng phù hợp với mối quan hệ ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên về dự thảo nghị quyết phê chuẩn, tôi đề nghị cân nhắc bổ sung điều khoản xác định rõ: Công hàm thỏa thuận này được áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần, hay cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện và nếu có thì cơ quan nào chịu trách nhiệm ban hành".
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: "Hồ sơ trình Quốc hội về phê chuẩn Công hàm thỏa thuận cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là đúng Hiến pháp. Thủ tục phù hợp với Luật Ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Về nội dung, không trái với Hiến pháp. Các nội dung Quốc hội phê chuẩn có thể áp dụng trực tiếp mà không phải sửa luật. Như vậy vẫn giữ được chủ quyền và an ninh Quốc gia. Do đó, hôm nay Quốc hội đều nhất trí cho phép cấp thị thực 1 năm cho công dân Hoa Kỳ vào Việt Nam với các nội dung yêu cầu đã được giải trình. Qua báo cáo và ý kiến thảo luận, xin phép Quốc hội cho UBTVQH tiếp thu và chuẩn bị nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công hàm, với câu chữ và nội dung theo góp ý để làm sao phù hợp với Hiến pháp và luật pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam".
Mức thời hạn cấp thị thực 1 năm là hợp lý Trao đổi với phóng viên ANTĐ bên hành lang Quốc hội sáng 4-4, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: "Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang một ngày một ấm lên. Do vậy, việc ký một Công hàm để tạo điều kiện thuận lợi cho cho doanh nghiệp, công dân hai nước đi lại, làm ăn thuận tiện là cần thiết. Trước đây, chúng ta quy định có 3 tháng thì ngắn quá, mỗi lần muốn thêm thời gian lại phải xin thị thực rất mất thời gian, hạn chế cơ hội đến hợp tác, làm ăn của doanh nghiệp hai nước. Vì vậy dự thảo cấp thị thực thời hạn một năm, theo tôi là hợp lý trong bối cảnh hiện nay". |