Quan tâm giáo dục con trẻ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông

ANTD.VN - Không hiếm gặp một số phụ huynh chở con em tới trường, hoặc các em học sinh điều khiển xe máy chở nhau không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ. Khi bị Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt, nhiều người viện đủ lý do để biện minh cho hành vi của mình.

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 1, CATP Hà Nội chia sẻ: "Nếu cha mẹ chấp hành đúng luật sẽ trở thành tấm gương cho các con học tập. Điều này tác động không nhỏ đến ý thức của con trẻ khi tham gia giao thông. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vi phạm còn cố tình biện minh đủ lý do như "quên" hay "không để ý", thậm chí còn thoải mái giao xe máy cho con điều khiển dù chưa đủ tuổi.

Phụ huynh chở con tới trường nhưng lại không cho con đội mũ bảo hiểm để bảo vệ bản thân

Và tất cả các trường hợp vi phạm chúng tôi đều xử lý nghiêm để răn đe, mặt khác cũng giải thích cho các cháu học sinh về các lỗi vi phạm cũng như hệ lụy, nguy cơ có thể xảy ra khi điều khiển phương tiện mà không tuân thủ luật lệ an toàn giao thông, hay chưa đủ tuổi mà vẫn lái xe...".

Nam sinh chưa đủ tuổi "đầu trần" điều khiển xe máy tham gia giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, không chỉ vi phạm giao thông, một số học sinh thiếu sự quan tâm dạy bảo từ gia đình đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Vụ việc điển hình xảy ra vào khoảng 16h30 ngày 23-9, Tổ công tác đặc biệt số 9, CATP Hà Nội phát hiện hai nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở nhau trên xe mô tô không biển số và chạy tốc độ cao tại phố Xã Đàn.

Hai thiếu niên bỏ học, lêu lổng, mang theo hung khí chở nhau lượn phố

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong cốp xe có một gậy ba khúc bằng kim loại và một số vỏ chai thủy tinh. Cả hai thiếu niên đều sinh năm 2008, đã bỏ học và lang thang ở Hà Nội. Hiện vụ việc đã được bàn giao cho Công an cơ sở điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Còn theo Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 9 mặt trái của internet và mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ. Trong khi đó, nhiều người trưởng thành, kể cả người nổi tiếng, có hành vi không chuẩn mực khi đăng tải các clip đua xe, "đánh võng", dễ dàng ảnh hưởng xấu đến học sinh nếu không được gia đình quản lý kịp thời.

Cảnh sát giao thông Hà Nội tăng cường tuyên truyền luật An toàn giao thông trong các nhà trường

Thực hiện chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về an toàn giao thông cho học sinh, từ ngày 5-9-2024 đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan và trường học tổ chức 18 buổi học ngoại khóa, tuyên truyền về luật giao thông cho gần 23.000 học sinh và hàng nghìn giáo viên.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT đã xử lý 785 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 427 phương tiện, và phạt tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng. Các vi phạm phổ biến là không đội mũ bảo hiểm và điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh: “Việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm giao thông liên quan đến học sinh vẫn diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi này”.

Giải pháp căn cơ để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý và xử lý từ nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, vai trò của phụ huynh vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành luật giao thông, tránh tình trạng phó mặc cho nhà trường hay cơ quan chức năng. Sự quan tâm, giáo dục kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính con em mình, cũng như cộng đồng khi tham gia giao thông.