Quản lý và sử dụng công nghệ AI an toàn, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển với tốc độ rất nhanh chóng trong những năm qua và đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng… Song cùng với đó, AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, trong đó có vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, đang khiến các quốc gia đặc biệt quan tâm nhằm quản lý và sử dụng AI an toàn, hiệu quả.
AI là chủ đề chính tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2024

AI là chủ đề chính tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2024

Bùng nổ của công nghệ AI

Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) năm 2024 - triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Las Vegas (Mỹ) từ ngày 9 đến 12-1 với sự tham gia của khoảng 3.500 công ty từ 150 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp toàn cầu. Trong đó có khoảng 550 doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm công nghệ hàng đầu, từ đồ gia dụng, thiết bị đeo và công nghệ di động cho đến xe tự lái. Tập đoàn ô tô thuần điện Vinfast của Việt Nam cũng hiện diện tại CES 2024 với những sản phẩm mới nhất, trang bị công nghệ trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI). Đó là mẫu xe bán tải điện Vinfast lần đầu ra mắt người tiêu dùng toàn cầu, cùng 2 sản phẩm mới hoàn toàn là xe ô tô điện cỡ nhỏ VF3 và xe đạp điện DrgnFly. Ngoài ra, gian trưng bày của VinFast tại CES 2024 còn có mẫu eSUV cỡ lớn VF 9 được tích hợp dịch vụ giải trí trực tuyến mới. Tại đây, người dùng sẽ được trực tiếp trải nghiệm tính năng công nghệ mới độc đáo ngay trên mẫu xe này ngay tại triển lãm.

Những sản phẩm mới nhất mà trong đó chứa đựng những ứng dụng mang tính đột phá của AI là điểm nhấn nổi bật tại CES 2024. Hiệp hội Công nghệ - Người tiêu dùng (CTA) của Mỹ, nhà tổ chức CES 2024, đã chọn AI là một trong các chủ đề chính của CES năm nay. Hiệp hội CTA trước đó đã đưa ra thông điệp về xu hướng thâm nhập bao trùm của AI trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên toàn cầu hiện nay và biểu hiện rõ nhất tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2024. CES 2024 vì thế đã phản ánh xu thế tất yếu về sự phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Viện Hàn Quốc vì sự phát triển của một xã hội thông tin và thông minh cho rằng, trong những xu hướng mang tính then chốt trong năm 2024 có việc cải tiến AI, nhằm tạo cơ sở cho niềm tin triển khai công nghệ tiên tiến này. Theo đó, “trợ lý AI” bắt đầu được triển khai đầy đủ, giúp nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động. Trong những năm tới, công nghệ này có thể hoàn toàn thay thế con người, thực hiện các công việc như tái cơ cấu hệ thống thuế và phân phối lại nguồn thu nhập...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của AI, các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới đang ưu tiên đầu tư vào AI và ứng dụng vào công việc của mình dù AI cũng đi kèm những rủi ro về kỹ thuật, xã hội, đạo đức và an ninh. Theo khảo sát mới nhất của Ernst&Young (EY), 70% số giám đốc điều hành (CEO) trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương coi AI là động lực thúc đẩy hiệu quả và đổi mới. Dự kiến, đến năm 2027, các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương sẽ đầu tư khoảng 78,4 tỷ USD/năm vào AI. Chính phủ Đức mới đây thông báo đến năm 2025 sẽ đầu tư 1,6 tỷ euro vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, trong khi Singapore có kế hoạch tăng gấp 3 số lượng nhân sự về AI lên 15.000 người. Năm 2023 đã chứng kiến mức độ “phủ sóng” nhanh chóng của công nghệ AI trên toàn cầu. Quản lý AI cũng trở thành chủ đề của hàng loạt hội nghị quốc tế, khu vực trong năm qua. Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) đã chọn AI là từ khóa của năm 2023. Thực tế hiển nhiên cho thấy, AI ngày càng tạo thuận lợi cho cuộc sống, làm thay đổi thế giới bằng những tính năng vượt trội. Các sản phẩm tiên tiến này có tiềm năng to lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và mang lại những lợi ích cho xã hội, song cũng gây ra những rủi ro với sự an toàn của thế giới nếu không được phát triển một cách có trách nhiệm.

Kiểm soát để sử dụng AI an toàn, hiệu quả

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển cùng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, đời sống, an ninh trật tự, quốc phòng… đã tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ, thậm chí đe dọa không nhỏ, trong đó có tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, AI nói riêng. Phổ biến nhất là loại tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ AI Deepfake để tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video nhằm giả mạo lực lượng chức năng hoặc thân nhân của người bị hại với mục đích trục lợi và các ý đồ xấu khác. Thông qua Deepfake, kẻ gian sẽ quét video, hình ảnh chân dung, giọng nói của cá nhân để tạo ra các nội dung giả mạo có độ chân thực cao. Sở dĩ Deepfake có thể tạo ra được nhiều nội dung đánh lừa nạn nhân vì sức mạnh của AI đến từ khả năng thu thập, xử lý dữ liệu khổng lồ và phân tích các mẫu phức tạp. Dữ liệu số đóng vai trò quan trọng đối với phát triển AI vì dữ liệu càng nhiều thì năng lực tính toán của AI càng mạnh.

Ở mức độ nguy hiểm hơn, sử dụng AI vào các hoạt động như phát tán tin giả, tin sai sự thật nhằm mưu đồ mục tiêu cá nhân hoặc áp dụng vào các hoạt động gián điệp, xâm phạm an ninh quốc gia. Thực tế ghi nhận AI đã tác động rất lớn đến các cuộc xung đột vũ trang, bất ổn chính trị diễn ra gần đây trên thế giới như xung đột tại Ukraine, xung đột giữa Hamas và Israel... Theo đó, mỗi bên đều khai thác triệt để AI vào các nhiệm vụ chiến tranh thông tin, chiến tranh phá hoại. Những nguy cơ, thách thức đặt ra cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát AI để vừa khai thác tối đa lợi ích của AI, đồng thời phòng ngừa rủi ro, nguy cơ mà công nghệ mới này tạo ra đang là vấn đề mà các quốc gia, tổ chức trên thế giới đều đang hết sức chú trọng trong xây dựng chính sách, luật pháp. Một số quốc gia, tổ chức liên chính phủ gần đây đã rất quyết liệt trong việc giới hạn sử dụng AI trong một số lĩnh vực.

Các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về AI hết sức lo ngại về rủi ro mà AI có thể gây ra cho sự an toàn cá nhân và an ninh quốc gia. Thậm chí, thư kêu gọi tạm dừng việc phát triển các hệ thống AI của tổ chức Future of Life Institute đã nhận được sự hưởng ứng của tỷ phú Elon Musk, chuyên gia AI Yoshua Bengio và Stuart Russell... Dù hưởng lợi từ các sản phẩm AI, hàng loạt công ty công nghệ cũng chung sức thúc đẩy việc xây dựng quy tắc quản lý AI. Nếu như trước đây, nhiều công ty phản đối các quy định mà họ cho rằng có thể kìm hãm sự phát triển công nghệ, thì hiện tại, các công ty đã liên tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của AI nếu không được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới cần đi trước làn sóng AI, đồng thời kêu gọi các nước phản ứng thống nhất, bền vững trước các nguy cơ từ AI. Dù còn nhiều việc phải làm phía trước nhưng những nỗ lực quản lý AI thời gian qua đã tạo nền tảng xây dựng một tương lai an toàn trong ứng dụng công nghệ này, đồng thời giúp cân bằng giữa đổi mới, sáng tạo và đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức trong phát triển AI.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển với tốc độ rất nhanh chóng trong những năm qua và đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng… Song cùng với đó, AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, trong đó có vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, đang khiến các quốc gia đặc biệt quan tâm nhằm quản lý và sử dụng AI an toàn, hiệu quả.