Quản lý thuốc lá mới: Nhiều khoảng trống pháp lý

ANTD.VN -  Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp”. Ý kiến của đại diện nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia cho thấy còn khoảng trống pháp lý lớn trong quản lý thuốc lá mới...

Phát biểu mở đầu toạ đàm, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Minh Toản cho biết, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực 11 năm. Thời gian qua, chúng ta đã làm những gì, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống ra sao; tác hại của thuốc lá như thế nào… là những câu chuyện cần bàn, đặc biệt về ảnh hưởng của thuốc lá đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.

Theo nhà báo Lê Minh Toản, với nhiều người hút thuốc lá, có nhiều loại thuốc được xác định chỉ nhập lậu mới có, nhưng bao nhiêu năm nay vẫn “không đứt đoạn”, đặt ra bài toán về hiệu quả phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Mạnh Thắng

“Chúng ta thấy rằng, đó chính là một cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có thuốc lá. Luật đã có hiệu lực hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân tình trạng này là gì. Công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá ra sao; việc lượng hoá tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người như thế nào, bởi còn nhiều quan niệm khác nhau”, nhà báo Lê Minh Toản nói.

Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng nêu hiện nay có thế hệ thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến cơ quan chức năng “gian nan” hơn trong quản lý, giới truyền thông bối rối, bởi chưa lượng hoá được, chỉ mặt đặt tên những loại thuốc lá này, tình trạng buôn lậu rất phức tạp…

Tại tọa đàm, trao đổi về việc đấu tranh với tình trạng buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, xuất hiện trên thị trường “chợ đen” hai loại thuốc lá mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới), chiều hướng ngày càng gia tăng.

Qua thống kê, kiểm soát, từ năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã xử lý trên 700 vụ liên quan thuốc lá thế hệ mới, xử lý và tiêu huỷ hàng hoá trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Số lượng này chiếm 10% tổng số vụ liên quan đến thuốc lá nói chung, nhưng giá trị hàng chiếm trên 80%.

Từ tháng 1/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 400 vụ. Gần đây, ở Hưng Yên, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an kiểm tra 1 vụ có trên 163.000 sản phẩm, gần 10 tấn phụ kiện các loại kèm theo.

Thông tin bên trên là số vụ việc cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý được, còn thực tế thị trường diễn ra có thể còn cao hơn. Hiện nay, do chưa có quy định, nên chủ yếu mặt hàng này là nhập lậu, tự pha trộn trong nước, do vậy, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khoẻ thể chất của người dùng.

Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, CATP Hà Nội cho biết, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biển. Đối với thuốc lá điện tử phổ biến với lứa tuổi thanh thiếu niên, thuốc lá nung nóng phổ biến với độ tuổi trưởng thành, thu nhập ổn định. Thuốc lá nung nóng chủ yếu đến từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc nhập lậu qua biên giới. Đây là loại hình giá trị cao, khoảng 4-5 triệu đồng/thùng.

Thuốc lá điện tử giá trị thấp hơn, hiện đang xâm nhập vào hệ thống trường học gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của thanh thiếu niên. Đặc biệt, thuốc lá điện tử dễ gây phát sinh tệ nạn xã hội, như chúng ta đã biết có cả việc tẩm tinh dầu cần sa vào loại hình này. Các đối tượng kinh doanh thuốc lá điện tử đa số kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, không gian mạng, đối tượng bán không có cửa hàng, nhà không biển. Người đến mua cũng được giao qua các ứng dụng giao hàng nên rất khó xác minh được đối tượng.

"Đây là điểm khó cho cơ quan chức năng", Trung tá Nguyễn Minh Tiến thông tin.

Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Mạnh Thắng

Trả lời câu hỏi: Chúng ta có những thuận lợi và khó khăn gì trong cuộc chiến phòng chống thuốc lá lậu? Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có một số thuận lợi. Đầu tiên là có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính… và tất cả các thành viên của Ban Chỉ đạo 389.

Thứ hai là lực lược chức năng các cấp đã quyết liệt vào cuộc triển khai nghiệp vụ trên nhiều tuyến, nhiều địa phương. Nhờ đó, có nhiều vụ việc buôn lậu, sản xuất và nhập lậu thuốc lá bị triệt phá.

Tuy nhiên, công tác của Ban Chỉ đạo 389 vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như: Trang thiết bị, phương tiện chống buôn lậu ở biên giới và nội địa còn thiếu, nhất là giữa bối cảnh thương mại điện tử phát triển, tội phạm buôn lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi; Thiếu nhân sự về nghiệp vụ thương mại điện tử, để phát hiện kịp thời các vụ việc buôn lậu; Các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa thống nhất, chưa kịp thời. Dẫn đến việc nhiều nội dung chưa rõ ràng, khiến lực lượng chức năng gặp lúng túng trong việc xử lý.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung Ban Chỉ đạo 389 và lực lượng chức năng thời gian qua đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Minh chứng là từ năm 2013 đến nay, nhiều vụ triệt phá các cơ sở sản xuất thuốc lá lậu tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, TP HCM,… đã được thực hiện. Hằng năm, lực lượng thuộc Ban 389 đã bắt giữ được hàng trăm nghìn sản phẩm thuốc lá vi phạm quy định của pháp luật.

Từ khi có công điện của Thủ tướng, các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, kiểm tra, xử lý, triệt phá nhiều vụ việc liên quan tới buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới.

Giải pháp nào cho thuốc lá mới?

Trao đổi tại tọa đàm, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - cho biết, Bộ Công Thương đã gửi dự thảo sửa đổi Nghị định 67 hai lần về thí điểm hay không thí điểm quản lý thuốc lá thế hệ mới, nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Nêu về khái niệm thuốc lá trong Luật, ông Hải cho biết, đã có định nghĩa về thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, nhưng chưa có thuật ngữ “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay thuốc lá thế hệ mới”, tuy nhiên, các nhà làm luật đã đưa cụm từ “và các dạng khác”. Điều này gây khó khăn trong quản lý thuốc lá thế hệ mới trong thời gian qua, bởi có quan niệm cho rằng, luật chỉ áp dụng cho thuốc lá truyền thống.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội - cho rằng, thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng là sản phẩm có hại cho sức khỏe. Do thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc lá đều phải có giấy phép.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào cho phép sản xuất hay nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do đó, đang có khoảng trống pháp lý đối với các sản phẩm này, cũng như biện pháp để giảm thiểu tác hại của các sản phẩm thuốc lá đối với sức khỏe con người.

Ông Ngọc đề xuất sắp tới cần có quy định làm sao thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người. Văn bản này phải dựa trên kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài.