Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí có thể phải ngồi tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam 6 đối tượng, trong đó có Nguyễn Xuân Hanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.

Cơ quan CSĐT cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; khởi tố vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài Nguyễn Xuân Hanh còn có 5 đối tượng khác cùng bị khởi tố về tội về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, 1 đối tượng bị khởi tố về tội “Buôn lậu”.

Các bị can trong vụ án

Các bị can trong vụ án

Phân tích tội danh trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 219 BLHS 2015 (sửa đổi) quy định, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100-dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3-12 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm.

Ngoài ra, nngười phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Về các dấu hiệu cấu thành tội phạm, Luật sư Thu phân tích, chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).

Về khách thể, Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.

Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị như máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.

Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi vi phạm, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản. Tuy vậy, hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng một trong các điều kiện: Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý về hành vi này mà còn vi phạm. Hậu quả của hành vi là gây thiệt hại về tài sản – Luật sư Thu nhấn mạnh.