Mạnh tay triệt nạn tin giả trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù đã giảm thiểu hơn khá nhiều so với thời gian đầu khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát trên thế giới và xuất hiện tại nước ta, song tin giả (Fake News) vẫn là một con virus độc hại có thể gây ra những tác hại khôn lường, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống dịch vốn đang rất cần sự chung sức đồng lòng của mọi lực lượng, tất cả các tầng lớp nhân dân.
Trường hợp đưa tin giả bị lực lượng chức năng xử lý

Trường hợp đưa tin giả bị lực lượng chức năng xử lý

Hệ lụy, tác hại khôn lường của tin giả

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 19-7 đã lên tiếng bác bỏ và cảnh báo về thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, liên quan tới tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, nơi dịch đang diễn biến rất phức tạp, nhanh và khó lường. Theo đó, Trung tâm này cho biết, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh xác chết được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở Đông Nam của Myanmar, nhưng một số tài khoản Facebook tung tin trên mạng xã hội rằng: “Đây là hình ảnh xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp tại TP.HCM với tổng số ca mắc lên tới trên dưới 2 nghìn người mỗi ngày và tổng số ca bệnh của thành phố đã vượt mức 30 nghìn người, thông tin trên đã gây xôn xao, khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, trong động thái nhanh chóng và kịp thời, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đã lập tức lên tiếng bác bỏ, khẳng định đó là tin giả (Fake News).

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc lan truyền thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo, người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên, đồng thời cho biết, vụ việc sẽ được Trung tâm chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu xuất hiện tin giả liên quan tới tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, trung tâm kinh tế-xã hội hàng đầu của cả nước. Những ngày qua, trong lúc TP.HCM có nhiều ca mắc Covid-19, những tin đồn, tin chưa kiểm chứng, tin thất thiệt lan đi với tốc độ chóng mặt. Một số người do thiếu thông tin, hiểu biết và tỉnh táo đã nhấn các nút “like”, thậm chí chia sẻ (share) các tin giả này với lý do “để bảo vệ nhau”, đã càng làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của không chỉ TP.HCM mà cả các địa phương miền Nam cũng như cả nước.

Trước đó, ngay sau khi TP.HCM xuất hiện thêm ca bệnh Covid-19 vào ngày 18-5 vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền với tốc độ chóng mặt thông tin giả về việc “giới nghiêm” toàn thành phố từ 22h cùng ngày. Tiếp đó, từ ngày 20-5, hãng xe công nghệ Grab đã phải đối mặt với tin giả về việc dừng các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao hàng, đồ ăn… tại TP.HCMtừ ngày 21-5 để chống dịch Covid-19. Tốc độ lan truyền nhanh trên mạng xã hội, tin thất thiệt này đã khiến nhiều khách hàng và lái xe công nghệ hoạt động trên địa bàn hoang mang, lo lắng.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thời gian qua cũng đã liên tục công bố thông tin giả vể dịch bệnh Covid-19 ở nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước. Mới đây nhất, tối ngày 18-7, có những người dân thành phố Hà Nội do thiếu thông tin cũng đã xôn xao trước việc thành phố tăng cường thêm các biện pháp phòng, chống dịch đã có xu hướng đi mua tích trữ lương thực, thực phẩm. Những tin giả về dịch bệnh qua đó có thể thấy rõ đã gây hoang mang, lo lắng thế nào cho người dân và điều này ảnh hưởng khôn lường với công tác điều hành chống dịch Covid-19, trong khi đây là thời điểm rất cần thấu hiểu, chia sẻ cũng như sự nhất trí, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, nhằm kết thành sức mạnh đoàn kết, chung sức đồng lòng trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này.

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống tin giả

Không chỉ tại nước ta, đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới thời gian qua ở một góc độ nào đó như tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng lợi dụng khai thác, “gieo trồng” lên đó những tin giả với các mục đích cá nhân khác nhau. Có thể do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin mà vô tình tung tin hay chia sẻ những tin giả về dịch bệnh, song có những đối tượng cố tình tung tin giả, thậm chí còn gia công, nhào nặn ra những thông tin thất thiệt tung lên mạng xã hội nhằm đạt được dụng ý xấu, mưu đồ cá nhân đen tối.

Hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng xã hội là chuyện đau đầu ở nhiều nước trên thế giới. Theo kênh CNBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16-7 vừa qua đã chỉ trích các mạng xã hội đang “sát nhân” khi không thể kiểm soát những thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và việc tiêm chủng. Nhà Trắng vì thế đang gia tăng áp lực đối với các công ty truyền thông xã hội, nhằm loại bỏ những thông tin sai về việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Thông tin sai lệch, thất thiệt trên mạng xã hội như “thêm dầu vào lửa”, gây khó khăn hơn nữa cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân nếu làm theo những chỉ dẫn phản khoa học. Tại quốc gia là một trong những tâm dịch lớn nhất thế giới là Ấn Độ từng lan truyền tin giả rằng “1,3 tỉ người cùng lúc vỗ tay, thổi vỏ ốc xà cừ sẽ tạo ra rất nhiều xung đột khiến virus mất hết sức mạnh”. Tin thất thiệt này lan truyền nhanh chóng, đến nỗi đội phản ứng của Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ phải lên tiếng bác bỏ. Hay như tại một quốc gia mà dịch đang hoành hành mạnh ở Đông Nam Á là Indonesia, tin giả đã trở thành một rào cản lớn khiến nước này khó kiểm soát được sự bùng phát dịch bệnh, trong đó có thông tin thất thiệt về hiệu quả của vaccine Covid-19 khiến nhiều người dân hoang mang và không muốn tiêm phòng.

Nói về tác hại của những tin giả, còn được gọi là “virus số” trong đại dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhìn nhận: “Những thông tin giả mạo giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời”. Trước thực trạng tin giả phát tán tràn lan trên mạng xã hội, nhiều nước đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn mạnh tay, như nước Nga đã thông qua dự luật cho phép phạt nặng những đối tượng truyền bá các thông tin sai lệch về dịch bệnh.

Có thể khẳng định tin giả, tin đồn sai sự thật trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhanh chóng là tội ác, vì có thể gây ra những hậu quả khôn lường, làm đảo lộn đời sống người dân, gây hoang mang, sợ hãi, lo lắng trong cộng đồng, xã hội. Bởi thấy, đây chính là một loại virus cần nhanh chóng “khoanh vùng, truy vết” và “dập dịch” - xử lý bằng sự nghiêm minh của luật pháp.

Để mạnh tay hơn trong việc xử lý thông tin độc hại, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an các địa phương tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, Zalo… đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân là một chiến sĩ. Chúng ta bên cạnh chiến đấu chống con virus SARS-CoV-2 vô cùng nguy hiểm, cũng cần tỉnh táo, có trách nhiệm hơn trước con virus quái ác tin giả để không chia sẻ những thông tin giả về dịch bệnh Covid-19, đồng thời cảnh báo hành vi bịa đặt hoặc lan truyền thông tin sai sự thật về dịch bệnh có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.