Kiên quyết ngăn chặn “virus” tin giả lây lan trong dịch bệnh Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch Covid-18, thì vẫn có những đối tượng tung lên mạng xã hội những thông tin giả, tin sai sự thật (fake news) gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch và niềm tin của quần chúng nhân dân.
Công an thành phố Cần Thơ xử lý đối tượng đưa những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội

Công an thành phố Cần Thơ xử lý đối tượng đưa những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội

Tin giả cũng nguy hiểm như virus SARS-CoV-2

Mới ngày 15-7 vừa rồi, Bộ Y tế đã phải thông báo bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một nghiên cứu của Singapore cho rằng, SARS-CoV-2 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người, và rằng có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu... Điều đáng nói, kẻ tung tin trên mạng xã hội lại khẳng định đây là thông tin do Bộ Y tế cung cấp.

Trước đó, ngày 14-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng đã phải ra thông báo khẳng định một số thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội như sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lock down) và lãnh đạo thành phố bị nhiễm Covid-19... đều là thông tin sai sự thật. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác, đồng thời cập nhật thông tin từ báo chí chính thống.

Mặc dù có khá nhiều trường hợp đưa tin giả về các vụ việc cụ thể liên quan đến Covid-19 trong các đợt dịch trước đây đã bị xử lý nhưng hiện tượng này vẫn chưa chấp dứt. Mới đây, tỉnh Bến Tre đã phải xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng Huỳnh Miên Trường (trú tại xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) về hành vi đăng thông tin sai sự thật về sự xuất hiện của ca F0 trong Khu công nghiệp An Hiệp khiến người dân hoang mang. Những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra và bị xử lý ở các tỉnh như Cần Thơ, Đắk Nông, Cà Mau…

Có thể thấy trong nhiều trường hợp, tung tin giả một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cẩn trọng khi tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông, vô tư chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc và tính chính xác của thông tin. Một số người muốn nổi tiếng hay “câu like” (thích)…trên mạng xã hội nên thích đưa những thông tin giật gân một cách thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, tác hại của những thông tin giả này thì không thể coi nhẹ chút nào, thậm chí nguy hại chẳng khác nào như những con virus SARS-CoV-2. Trước tin đồn TP.HCM sẽ đóng cửa, từ sáng sớm 14-7, rất đông người dân đã đổ về các điểm bán hàng, siêu thị để mua hàng hóa tích trữ, nhiều điểm người dân xếp hàng dài, không bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, khiến dịch bệnh có thể lan rộng hơn. Những tin đồn về các ca F0 bất ngờ thiệt mạng xuất hiện rải rác ở một số địa phương khiến dư luận người dân hoang mang, lo lắng…

Cũng không thể không cảnh giác với những tin giả xuất hiện trên mạng xã hội được tung ra từ bên ngoài Việt Nam của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí. Việc thổi phồng quy mô dịch bệnh, đưa những phân tích không đúng về tình hình dịch bệnh, chỉ trích không có cơ sở nỗ lực phòng, chống dịch của Việt Nam chính là âm mưu thâm hiểm nhằm tạo bất ổn trật tự xã hội, gây khó khăn và phá hoại các nỗ lực phòng, chống dịch Covi-19 vốn rất thành công của Đảng và Nhà nước ta. Đó chính là một kiểu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Bình tĩnh, tỉnh táo trong việc sàng lọc thông tin

Thông tin từng được so sánh có sức mạnh như một đạo quân. Chính vì thế, nếu đó là thông tin sai sự thật, thông tin nhằm mục đích phá hoại thì tác động tiêu cực, sức tàn phá của nó sẽ nguy hiểm thế nào. Thực tế cho thấy, trong thời đại dịch Covid-19, nếu những con virus SARS-CoV-2 gây phát bệnh, chết người, thì những “con virus” tin giả gây khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm xói mòn nỗ lực chống dịch ngày đêm của biết bao con người.

Hệ lụy từ tin giả là nghiêm trọng. Chính vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Trước tình trạng thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, Bộ Công an đã hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cũng đã khuyến cáo người dân cần chú ý, kiểm tra kỹ các yếu tố: xem xét nguồn tin (kiểm tra nhanh website đang theo dõi để xem thông tin liên hệ có rõ ràng không); thông tin minh họa (kiểm tra thông tin minh họa, hình ảnh, đường liên kết để xem thông tin có thực sự hữu ích hay vì mục đích nào khác); bẫy định kiến (cân nhắc xem có đang thiên vị hay định kiến với đối tượng nào không); tin tức hay trò đùa (hãy tỉnh táo phân biệt được đâu là tin thật, đâu là trò đùa của cư dân mạng); kiểm tra tác giả (kiểm tra nhanh xem tác giả bài viết có đáng tin cậy ko); kiểm tra thời gian (cẩn thận với các tin tức cũ bị đăng lại, chưa chắc chúng có liên quan đến sự việc hiện tại); đọc toàn bộ (tiêu đề có thể được giật tít để thu hút người đọc); hỏi ý kiến chuyên gia (tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các nguồn đáng tin cậy).

Luật pháp cũng đã có những quy định xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong việc chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chẳng hạn, tùy theo tính chất và mức độ, hành vi chia sẻ, phát tán thông tin sai sự thật có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Với người dân, bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cần bình tĩnh, tỉnh táo trong việc sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Điều cần thiết là phải lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội. Khi phát hiện tin giả, người dân cần thông báo về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thông qua website: http://tingia.gov.vn; email: online.abei@mic.gov.vn; số điện thoại 18008108.

Tin cùng chuyên mục