Quản lý, cảm hóa và hướng nghiệp cho phạm nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong những năm qua, song song với công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân luôn được Ban giám thị Trại giam Thanh Cẩm (Bộ Công an) quan tâm, chú trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân.

Được tái thành lập năm 2014, Trại giam Thanh Cẩm đóng trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có 2 phân trại, đang quản lý, giáo dục nhiều phạm nhân (không có phạm nhân nữ), trong đó có nhiều đối tượng phạm tội nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Sau khi được đào tạo, phạm nhân có thể hoàn thiện sản phẩm may mặc theo đơn hàng

Sau khi được đào tạo, phạm nhân có thể hoàn thiện sản phẩm may mặc theo đơn hàng

Thời gian qua, Ban giám thị Trại đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và gia đình phạm nhân chăm lo công tác giáo dục chính trị, pháp luật, văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân có sẵn “tay nghề” khi trở về hòa nhập cộng đồng.

Ban Giám thị Trại cho biết, công tác dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân được đơn vị chú trọng hơn. Công tác này là rất quan trọng. Đối với người chưa có tay nghề, chúng tôi phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề, các công ty, doanh nghiệp có uy tín... tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân đến khi thành thạo. Chúng tôi cũng trưng dụng số phạm nhân đã thành thạo nghề, truyền dạy nghề cho những phạm nhân mới vào chưa biết nghề để khi những người này tái hòa nhập cộng đồng, họ chủ động được trong cuộc sống.

Theo đó, năm 2020, Trại mở được 4 lớp đào tạo nghề xây dựng với 120 phạm nhân tham gia; năm 2021 do dịch COVID-19 đơn vị không mở lớp; năm 2022 đơn vị mở 4 lớp học nghề may công nghiệp với 140 phạm nhân tham gia. Ngoài ra, hiện mỗi ngày có hàng trăm phạm nhân đang trực tiếp may các sản phẩm quần áo, bao bì, túi xách... theo yêu cầu đơn hàng.

Theo Ban Giám thị Trại, thông qua công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết phạm nhân đã xây dựng, nêu cao được ý thức tự giác trong lao động, yêu lao động, trân trọng và sử dụng tiết kiệm thành quả lao động, yên tâm tư tưởng học tập, cải tạo, tích cực học hỏi tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề. Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình. Hơn nữa, chính quá trình lao động, học nghề mang lại hứng thú, niềm vui, hy vọng, giúp phạm nhân khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, hiểu đúng giá trị bản thân mình mà trước đây, vì hành xử lệch lạc đã bỏ qua. Giờ đây, khi chăm chỉ lao động, họ biết trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác.