Chuyện đánh cắp chiếc trực thăng Quân đội Sài Gòn (3):

Quân lực VNCH choáng váng vì mất chiếc trực thăng UH-1

ANTĐ - Mất chiếc máy bay trực thăng UH-1 ngay giữa ban ngày ở một thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Lạt là một cú sốc gây xôn xao dư luận trong và ngoài quân lực VNCH.

Xôn xao dư luận

Tối 7/11/1973, Đài BBC nói một chiếc máy bay trực thăng UH-1 đã bị “không tặc” đánh cắp tại Đà Lạt. Trang nhất báo Sóng Thần số ra ngày 10/11 giật tít: Khó tin nhưng có thật: Mất trực thăng giữa ban ngày bên hồ thác Cam Ly! Bài báo cho biết: Một trực thăng thuộc không lực VNCH loại UH-1 từ Quảng Đức đi Nha Trang nhưng vì thời tiết xấu nên đáp xuống bãi đáp trực thăng bên bờ hồ Đà Lạt lúc 11h ngày 7/11/1973. Cả ba người để trực thăng tại bãi đáp đi dùng cơm trưa, lúc 14h ba người trở lại mới phát giác chiếc trực thăng đã bị mất cắp...”.

“Phát ngôn quân sự VNCH cho biết chiếc trực thăng bị đánh cắp trị giá 237.000 mỹ kim - báo Điện Tín số ra thứ hai ngày 12/11/1973 viết: Đây là chiếc trực thăng có trang bị hai súng máy 60. Chưa biết trực thăng đã bay đi đâu nhưng tìm không ra. Phi hành trưởng của chiếc trực thăng đã bị cách chức và tống giam. Hai nhân viên phi hành khác, trong đó có trung tá phi công, cũng đã bị tống giam. Khi bị đánh cắp, trực thăng còn đủ xăng để bay trên 80 cây số”.

Theo báo Sóng Thần, ngay buổi chiều cùng ngày và liên tiếp hôm sau, nhiều phi cơ thuộc không lực VNCH đã được huy động từ Sài Gòn lên Đà Lạt truy tìm nhưng đến 11h ngày 8/11 vẫn chưa tìm thấy dấu tích gì của chiếc trực thăng bị đánh cắp.

Cũng theo báo chí Sài Gòn lúc đó, quân đội và chính quyền VNCH đã xác định được thủ phạm lấy cắp chiếc UH-1. Hồ Duy Hùng bị đưa vào tầm ngắm số một. “Theo trung tá Lê Trung Hiền, vụ này đang được điều tra và kẻ bị tình nghi đánh cắp trực thăng là một cựu phi công VNCH bị loại ra khỏi quân lực VNCH hồi 1971 vì hoạt động mờ ám có lợi cho cộng sản”, báo Điện Tín cho biết. Hồ sơ về Hồ Duy Hùng được lật lại.

Trong khi cả phi hành đoàn bị tống giam với tội danh “tản thất quân dụng” và đối mặt với tòa án binh, Bộ tư lệnh không quân VNCH hết sức lúng túng. Họ coi đó là một tổn thất uy tín nặng nề nhất từ trước tới giờ, bởi trong không lực chưa từng xảy ra chuyện bị mất cắp nào nghiêm trọng như thế. Trong khi đó, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia yêu cầu phải điều tra kỹ, lập hồ sơ chi tiết để đưa ra xét xử theo pháp luật.

Chuyện gì xảy ra với phi hành đoàn chiếc UH-1?

Chiếc UH-1 bị lấy cắp thuộc phi đoàn 219 (sư đoàn 2 không quân VNCH). Phi hành đoàn lái chiếc UH-1 hôm đó là trung tá phi đoàn trưởng Nguyễn Văn Nghĩa, thiếu tá Huỳnh Xuân Thu và thượng sĩ Trần Minh Mẫn. Vào đầu năm 2009, ông Trần Minh Mẫn đã thuật lại vụ việc trên. Bài viết được đăng tải trên một website của các cựu sĩ quan không quân Sài Gòn:

“...Lúc 9h sáng, phi cơ đáp xuống bờ hồ Xuân Hương bên cạnh nhà hàng Thủy Tạ. Sau đó ba thầy trò (trung tá Nguyễn Văn Nghĩa, thiếu tá Huỳnh Xuân Thu và thượng sĩ Trần Minh Mẫn - tác giả đoạn viết này) đi vào tiểu khu Tuyên Đức nhờ gửi phi cơ nhưng không gặp đại diện không quân ở đó. Định bay vào sân bay Cam Ly nhưng từ đó lại không có phương tiện ra thành phố, hơn nữa lúc đó thời tiết quá xấu, bay vào đáp ở trung tâm Đà Lạt là đã giỏi lắm rồi. Anh Nghĩa rủ lên nhà hàng Mekong uống cà phê và ăn sáng.

Tôi xin anh Nghĩa cho về nhà vì nhà bác tôi ở đối diện với cửa sau bên hông nhà hàng Mekong. Thấy ngay sát bên, anh Nghĩa đồng ý cho tôi về nhà, hẹn khi nào về thì hai anh sẽ đến gọi. Tôi ở nhà chơi và chờ các anh gọi bay về Nha Trang, nhưng mãi đến 13h 30 vẫn không thấy các anh đến gọi. Tôi chạy sang nhà hàng Mekong thì không thấy các anh đâu. Sau đó tôi nhờ bác tôi chở ra nhà hàng Thủy Tạ chỗ đậu máy bay. Khi ra đến nơi thì không thấy máy bay đâu cả, chạy qua sân vận động gần đó cũng không thấy.

Báo chí Sài Gòn đưa tin về vụ mất chiếc trực thăng UH-1. Ảnh: M.L. chụp lại

Thật tình lúc đó tôi rất lo sợ, không sợ anh Nghĩa la rầy mà sợ lỡ phi cơ có bị gì thì sao? Hai anh có sao không? Tôi quay ngay ra bến xe đò mua vé trở về Nha Trang.

Khi về đến trại Hàm Tử khu gia binh của phi đoàn 219, lúc đó khoảng 19h30, Hồng “già” chặn tôi lại hỏi: “Mày có biết gì không? Máy bay của mày bị mất cắp rồi”, tôi chỉ cười vì cho đây là lời đùa.

Vừa về tới cửa phòng trong trại Bắc Bình Vương định lấy chìa khóa mở cửa phòng thì có hai trung sĩ không quân ngồi trên xe Ford Pick-up chờ sẵn ở đó, họ lại chào và hỏi tôi: ”Xin lỗi có phải thượng sĩ Mẫn không ạ?”. Tôi trả lời ngay: ”Vâng, tôi đây”.

Một trong hai người nói:”Chúng tôi mời thượng sĩ lên phòng an ninh có việc cần”. Mặc dù mệt mỏi, tôi cũng phải lên phòng an ninh, việc đầu tiên là họ phủ đầu tôi trước, đưa tôi vào căn phòng 12 mét vuông, cửa sổ bị đóng bít lại bằng ván ép dằn từ phía bên ngoài, không có đèn điện. Một lát sau họ quăng vào một cái chiếu đơn và bốn cây đèn cầy của em bé đốt đèn trung thu, rồi khoảng 15 phút sau, họ đứng bên ngoài quăng vào cái bô nhôm nghe một cái cảng, và cứ 15 phút họ lại mở cửa rọi đèn pin vào xem tôi có tự tử hay không.

Khoảng 1 giờ 30 phút sau thì vị đại úy an ninh tôi quên mất tên cho gọi tôi lên, lúc này khoảng 22h. Vị đại úy nói: ”Tôi biết thượng sĩ chỉ là tép riu thôi, như vậy không có gì phải sợ, thượng sĩ cứ trình bày máy bay rời Nha Trang lúc mấy giờ và đến Quảng Đức làm gì, sau đó mấy giờ cất cánh và xuống Đà Lạt lúc mấy giờ, và gặp ai, trông thấy ai, rồi đi về hướng nào, và cứ như thế cho đến khi thượng sĩ khám phá ra mất máy bay”. Rồi ông ta đưa cho tôi một xấp giấy bơ luya và một cây bút bi, tôi cứ hí hoáy viết và kể lại toàn bộ những gì tôi biết được.

Xong, vị đại úy đọc lại rất cẩn thận rồi đọc lại cho tôi nghe, sau đó nói là sai chưa đúng, bắt tôi khai lại và ông cất tờ kia đi. Cứ như thế nhiều lần... Cho đến 2, 3 giờ sáng tay tôi cứng lại không còn viết được nữa, vị đại úy mới cho tôi nghỉ và đưa về phòng giam. Về phần anh Nghĩa và anh Thu khi đến nhà bác tôi gọi tôi đi về thì bác tôi mới nói: "Nó ra chỗ đậu máy bay không thấy máy bay đâu cả, nó sợ các ông bỏ nó nên nó lên xe đò về Nha Trang rồi”. Lúc đó hai anh mới hết hồn và quyết định trình diện tiểu khu báo cáo sự việc và nơi đây phòng an ninh của tiểu khu đưa hai anh về phòng an ninh không quân Nha Trang ngày 8/11/1973.

Tại Nha Trang hai anh không bị giam giữ, hai anh ở nhà và nhân viên điều tra đến tận nhà làm việc. Sau một tuần lễ, họ lại đưa thiếu tá Thu vào ở chung với tôi. Sau khi đối chiếu tất cả những lời khai của anh Nghĩa, anh Thu và tôi, phòng an ninh không quân chuyển hồ sơ về Bộ tư lệnh không quân cho trung tướng Trần Văn Minh duyệt xét, sau đó chuyển lên cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Xem xong, tổng thống đã bác lời khai của chúng tôi. Thế là thầy trò chúng tôi phải khai lại, và cứ như thế khai đi khai lại cho đến lần thứ ba, trung tướng Trần Văn Minh tuyên bố ông đã duyệt xét theo hệ thống quân giai, nếu tổng thống còn bác nữa tức là không tín nhiệm, ông sẽ từ chức. Đồng thời, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng can thiệp yêu cầu tổng thống xét lại. Cho tới lúc đó ông Thiệu mới chịu duyệt. Hết tuần lễ thứ hai, họ đưa anh Nghĩa lên phòng an ninh làm thủ tục, xong xuôi họ giải cả ba thầy trò chúng tôi ra đại đội 24 quân cảnh tư pháp Nha Trang.

Sau năm ngày đúc kết hồ sơ thụ lý của chúng tôi, họ đưa anh Nghĩa vô quân lao, còn anh Thu và tôi được cho về. Đến tháng 5/1974, anh Thu và tôi được Tòa án quân sự Nha Trang mời ra làm việc và mọi sự lại khai lại như ban đầu. Sau đó, trong phiên tòa xử ngày 12/7/1974, trung tá Nguyễn Văn Nghĩa bị tuyên án “8 tháng tù ở, kể từ ngày bị bắt giam”.