Quân đội Nga buộc phải 'xin' đạn từ Belarus khi kho dự trữ suy giảm mạnh?

ANTD.VN - Kho dự trữ suy giảm mạnh đã khiến Quân đội Nga phải cầu cứu Belarus trong việc cung cấp đạn dược nhằm duy trì khả năng chiến đấu?

Những trận giao tranh ác liệt và kéo dài hơn nhiều so với dự kiến đã khiến lượng đạn dược trong kho dự trữ suy giảm mạnh, dẫn tới việc Quân đội Nga phải cần tới sự trợ giúp từ đồng minh thân thiết.

Theo trang Defense Express, dựa trên những tài liệu thu được tại chiến trường, Điện Kremlin đã lên kế hoạch kết thúc cuộc chiến tại Ukraine trong 2 tuần. Do đó, người Nga không dự trữ đạn dược cho cuộc chiến kéo dài đã sang tới ngày thứ 55.

Có vẻ như Quân đội Nga đã vét sạch mọi thứ trong kho đạn của họ ở địa bàn phía Tây. Đã có bằng chứng đạn pháo và tên lửa chống tăng, thậm chí cả xe tăng, thiết giáp được cấp tốc đưa tới từ vùng Viễn Đông, nhưng vẫn là không đủ.

Trong tình cảnh trên, đã xuất hiện thông tin cho biết, để cấp tốc khắc phục khó khăn Nga buộc tìm nguồn cung cấp đạn từ một quốc gia đồng minh mà trước đây vẫn phải nhập khẩu vũ khí do Moskva sản xuất.

Các phương tiện truyền thông trong ngày 12/4 đưa tin, Nga đang mua súng phóng lựu và hệ thống tên lửa chống tăng từ Iran. Nhưng ngay hôm sau, đại diện chính quyền Tehran lập tức phủ nhận việc bán vũ khí cho Nga, đồng thời họ tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Giới quan sát cho rằng việc Nga hỏi mua vũ khí từ Iran là quá bất thường, rất có thể đây chỉ là đòn nghi binh để che giấu nguồn gốc thực sự nơi họ được cung cấp đạn dược nhằm kéo dài cuộc chiến trên đất Ukraine.

Theo Defense Express, Quân đội Nga bắt đầu nhận được đạn dược bổ sung từ các kho dự trữ chiến lược của Lực lượng vũ trang Belarus.

Chúng ta đang nói về việc cung cấp đạn cho các loại vũ khí nhỏ với cỡ nòng khác nhau, đạn pháo cho xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2, đạn súng phóng lựu RPG-7, hệ thống tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không...

Theo dữ liệu được công bố, lượng đạn được Belarus dành để hỗ trợ quân Nga lấy trực tiếp từ các kho của nước này nằm gần thị trấn Osipovichi, số lượng bao nhiêu thì chưa được công bố rõ ràng.

Trong trường hợp chiến sự tiếp tục kéo dài, số lượng bổ sung từ Belarus chắc chắn không đủ cho nhu cầu của Quân đội Nga, bởi vậy nhiều khả năng trong những ngày tới, binh sĩ nước này sẽ được yêu cầu sử dụng hỏa lực một cách tiết kiệm hơn.

Không chỉ riêng đạn cho súng, pháo, trước thiệt hại nặng nề của lực lượng tăng thiết giáp, có thông tin cho biết Nga đang đề nghị Belarus trả lại mình các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M cùng xe bọc thép chở quân BTR-82A đã tặng đồng minh trước đây.

Lý do dẫn tới đề nghị trên là bởi số thiết giáp lưu kho của Nga như xe tăng T-72A hay xe bọc thép chở quân BTR-80 tỏ ra quá lạc hậu, không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chiến trường.

Với vai trò đồng minh chủ chốt, khả năng rất cao Belarus sẽ chấp thuận đề nghị của Nga và tạm thời nhượng lại số phương tiện tác chiến từng được Moskva trao tặng.

Khi chiến sự bắt đầu vào ngày 24/2/2022, có nhiều thông tin cho rằng Quân đội Belarus sẽ phối hợp cùng các đơn vị tác chiến Nga để tấn công Kyiv, nhưng điều này cuối cùng đã không xảy ra.