Quân đội Nga bắt đầu 'gọi tái ngũ' xe tăng T-55 để nâng cấp hàng loạt lên chuẩn T-55AM?

ANTD.VN - Mục đích của Quân đội Nga khi "gọi tái ngũ" các xe tăng hạng trung T-55 cổ điển đang gây thắc mắc cho giới truyền thông.

Quân đội Nga đang phải mở kho dự trữ để tái biên chế ngày càng nhiều vũ khí từ thời Liên Xô, mới đây một đoàn xe tăng T-55 vừa được đưa khỏi nơi cất trữ đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Giới phân tích dự đoán những chiếc T-55 nói trên sẽ là đối tượng kế tiếp T-62 trải qua quá trình nâng cấp, cấu hình được kỳ vọng chính là T-55AM mà Nga đã giới thiệu cách đây ít lâu.

Phiên bản T-55AM mà Uralvagonzavod giới thiệu không có mối liên hệ nào với T-55AM được sản xuất vào đầu thập niên 1980. Hai dự án này có một số nét tương đồng, nhưng khác biệt lớn nhất nằm ở các trang thiết bị hiện đại áp dụng công nghệ kỹ thuật số được tích hợp.

T-55AM (T-55M5) được lắp đè các module giáp bổ sung lên trên bề mặt giáp cơ sở cũ ở phía trước, hai bên hông và tháp pháo. Phần mũi xe có thêm 152 miếng giáp 4S22 Kontakt-5, trong khi tháp pháo là 81 miếng, tổng trọng lượng tăng thêm khoảng 1,7 tấn.

Thân xe còn có thêm diềm chắn xích, hình thành những khối giáp di động. Mỗi tấm chắn với trọng lượng 460 kg có thể bảo vệ khỏi đạn pháo ở góc bắn 20 độ, mức độ vững chắc của giáp được đánh giá tăng gấp 2 lần so với T-55 nguyên bản.

Do trọng lượng tăng thêm gần 4 tấn, T-55AM được trang bị động cơ B-46-5MS 12 xi lanh 690 mã lực so với loại V-55 580 mã lực đời cũ. Việc thay thế động cơ làm tăng công suất của máy và tiết kiệm nhiên liệu.

Không chỉ có vậy, xe tăng T-55AM còn được nâng cấp khung gầm cùng thông qua sử dụng hệ thống bánh xích truyền động mới, làm tăng cường tính vững chắc của dải xích.

Sau nâng cấp, T-55AM có tốc độ tối đa trên đường nhựa là 50 km/h, tầm hoạt động với thùng nhiên liệu phụ đạt 610 km, leo được dốc 32 độ, đi trên mặt phẳng nghiêng 30 độ, vượt tường cao 0,8 m và hào rộng 2,7 m, lội nước sâu 1,4 m và lên tới 5 m khi lắp ống thở.

Vũ khí chính của T-55AM vẫn là pháo nòng xoắn 100 mm D-10T2S nhưng được bổ sung đạn nổ mảnh OF70 thế hệ mới có trọng lượng 13,28 kg với đầu đạn 2,24 kg thuốc nổ, sơ tốc 960 m/s, tầm bắn tối đa 13 km. Khi đạn nổ sẽ tung ra 3.393 mảnh thép trên diện tích 320 m2.

Xe tăng T-55AM còn có thể bắn tên lửa 9M117M qua nòng pháo. Tên lửa được điều khiển thông qua hệ thống ngắm laser chuyên dụng ở chế độ bán tự động với khả năng xuyên thủng giáp 550 mm thép đồng nhất.

Vũ khí phụ của xe tăng T-55AM là súng máy hạng nặng Kord với thước ngắm K10-T dùng để chống máy bay. Súng được gắn phía trên bên trái tháp pháo, có thể xoay vòng theo phương nằm ngang. Trên tháp pháo gắn 8 ống phóng đạn khói ngụy trang 902B.

Cải tiến đáng kể nữa của T-55AM là kính ngắm toàn cảnh TKN-1SM lắp tại vị trí trưởng xe. Khí tài này được thiết lập theo hai kênh, cho phép quan sát trong điều kiện ngày và đêm. Khi sử dụng kênh quan sát ban đêm sẽ phát hiện được đối tượng ở cự ly 600 m.

Vị trí pháo thủ được lắp 2 thiết bị ngắm: kính tiềm vọng 1P3-7D và kính ngắm ảnh nhiệt 1PN-96MT. T-55AM là phiên bản xe tăng nâng cấp đầu tiên trong "gia đình" được tích hợp máy đo xa laser và máy tính đạn đạo, cho phép phát hiện xe tăng địch cách xa 10 km.

Kính tiềm vọng 1P3-7D có thể đo ở khoảng cách lên đến 8 km. Kính ngắm nhiệt 1PN-96MT cũng được xây dựng trên cơ sở kính tiềm vọng, nhưng trang bị kênh ảnh nhiệt. Ở chế độ làm việc thụ động, thiết bị này cho phép quan sát đối tượng cách 3 km.

Vị trí lái xe được trang bị kính tiềm vọng TVK-3 với hai kênh quan sát ngày và đêm. Vào ban đêm, thiết bị này cho phép quan sát tình hình ở khoảng cách lên đến 250 m mà không cần phải sử dụng đèn chiếu sáng.

Hệ thống vô tuyến điện R-173 lắp đặt trong tháp pháo xe tăng được sử dụng để liên lạc giữa T-55AM với các phương tiện chiến đấu khác, có thể tùy chọn thiết bị liên lạc kỹ thuật số R-168 để giảm giá thành.

Tuy vậy có ý kiến khác cho rằng ít có khả năng xe tăng T-55 sẽ làm nhiệm vụ dẫn đầu mũi tấn công tại khu vực tiền tuyến, bởi những cỗ chiến xa này không có cơ hội chống lại tên lửa Javelin hay NLAW, bởi vậy việc nâng cấp là thừa thãi, nhất là khi chi phí khá cao.

Nhờ lợi thế của vỏ giáp và pháo 100 mm, những chiếc T-55 có thể được sử dụng làm phương tiện hỗ trợ hỏa lực từ vị trí cố định. Điều này sẽ cho phép Quân đội Nga "tiết kiệm" xe tăng T-90 tối tân trong vai trò yểm trợ pháo binh.