Quân đội Anh bắt đầu nhận siêu pháo phản lực M270A2
Việt Hùng
ANTD.VN - Ngày 23/9/2023, quân đội Anh đã bắt đầu nhận những tổ hợp pháo phản lực M270A2 đầu tiên. Động thái này giúp nâng cao đáng kể sức mạnh pháo binh của Anh.
Siêu pháo phản lực M270A2 mới của quân đội Anh đã được trưng bày nổi bật tại triển lãm quốc phòng quốc tế về thiết bị quốc phòng và an ninh (DSEI) 2023 được tổ chức tại London.
Màn trưng bày tại gian hàng của Quân đội Anh đã thu hút sự chú ý đáng kể từ các chuyên gia quốc phòng, điều này đã nêu bật cam kết của Vương quốc Anh trong việc hiện đại hóa kho vũ khí quốc phòng của mình.
M270A2 là biến thể hiện đại hóa của Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt (MLRS) M270 vốn nổi tiếng trong quân đội Mỹ và khối NATO.
Với động cơ mới, các tổ hợp M270A2 có thể di chuyển với tốc độ cao sau khi khai hỏa nhằm giảm nguy cơ bị đối phương phát hiện và phản pháo.
Biến thể nâng cấp có khả năng tương thích với các loại đạn hiện đại như đạn dẫn đường GMLRS tăng tầm và tên lửa tấn công chính xác (PrSM).
Các loại đạn mới cho phép M270A2 tập kích mục tiêu pháo binh, phòng không, xe tải, thiết giáp hạng nhẹ của đối phương ở khoảng cách xa hơn.
Tổ hợp pháo phản lực M270 và phiên bản M270A2 là một trong những dòng vũ khí uy lực của Mỹ.
Hỏa lực và sức hủy diệt của nó ngày càng gia tăng nhờ hàng loạt gói nâng cấp, khiến nhiều chuyên gia gọi đây là "súng bắn tỉa siêu xa" của lục quân Mỹ.
"Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270A2 hiện đại hóa sẽ hỗ trợ lục quân Mỹ và các đối tác, đồng minh trong nhiều thập kỷ tới", ông Jay Price, Phó chủ tịch bộ phận tên lửa và kiểm soát hỏa lực của Tập đoàn Lockheed Martin, ngày 12/7 từng thông báo.
"Tổ hợp M270A2 sẽ tiếp tục di sản quân sự của chúng tôi", ông Jay Price nói thêm.
Khi được Mỹ biên chế vào năm 1983, nhiệm vụ duy nhất của mỗi tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M270 là hủy diệt khu vực rộng 100 hecta bằng 12 quả đạn M26.
Mỗi quả đạn rocket M26 lại mang theo 644 đầu đạn con M77, bắn đi từ khoảng cách tối đa 45 km. Lục quân Mỹ ví đây là phương án ném bom mà không cần sự trợ giúp từ máy bay không quân.
Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1990-1991), các tổ hợp MLRS tỏ rõ sức mạnh dù chỉ dùng đạn M26 cơ bản. Vào thời điểm đó, Mỹ bắt đầu phát triển mẫu rocket có tầm bắn tới 45 km, nhưng vẫn sử dụng đầu đạn M77.
Không lâu sau, đầu đạn này được thay thế bằng biến thể M85 mới hơn, có cùng sức hủy diệt nhưng tỷ lệ trục trặc kỹ thuật chỉ 1% so với 5% của M77.
Tuy nhiên, điểm yếu của M270 khi đó là các quả đạn không có hệ thống dẫn đường, khiến chúng có độ chính xác rất thấp, dễ gây thiệt hại ngoài ý muốn trên chiến trường.
Mỹ sau đó cho ra đời phiên bản rocket M30 trang bị đầu tự dẫn và 404 bom con M85, giảm bớt sức sát thương nhưng tăng đáng kể độ chính xác với các mục tiêu cỡ nhỏ.
Biến thể M31 mới nhất của M270 được coi là giải pháp hiệu quả để tiêu diệt mục tiêu trong đồi núi và đô thị với độ chính xác tối đa.
Đầu đạn chùm M85 được thay bằng khối thuốc nổ mạnh nặng 100 kg, cho phép tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ mà không gây thiệt hại ngoài dự tính cho khu vực xung quanh.
Quả đạn trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, cho phép nó đánh trúng trong bán kính 10 m quanh mục tiêu định trước.
Tầm bắn được nâng lên tối đa khoảng 80 km, ngoài khả năng phản pháo của hầu hết các tổ hợp pháo phản lực thông thường, bảo đảm khả năng sống sót cho bệ phóng M270.
Mỗi biến thể được phát triển dành cho từng loại nhiệm vụ khác nhau trong đó MGM-168 ATACMS - Block IVA sở hữu tầm bắn xa nhất lên đến 300km với khả năng mang theo một đầu đạn nổ cực mạnh, nặng 230 kg.
Đạn tên lửa MGM-140 nặng 1,6 tấn, dài 4 m, đường kính thân 610 mm, có thể mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm cả các loại đầu đạn phân mảnh có khả năng gây sát thương trên diện rộng, và chúng được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu và dẫn đường quán tính.
Gần đây Mỹ đang tái khởi động chương trình chế tạo phiên bản mới của loại tên lửa này có tầm phóng lên tới 500 km.
Mỹ đang có khoảng 1.000 hệ thống M270 trong biên chế trong đó chủ yếu là biến thể M270A1, ngoài Mỹ còn 13 quốc gia khác cũng đang biên chế tổ hợp pháo phản lực cực nguy hiểm này.
Trong khi đó phiên bản M270A2 chủ yếu được hiện đại hóa Hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến (IFCS).
Hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến này nâng cao đáng kể độ chính xác và khả năng nhắm mục tiêu của pháo M270A2, cho phép thực hiện các cuộc giao chiến chính xác hơn.
Với hệ thống IFCS, M270A2 có thể nhanh chóng tính toán các thông số khác nhau như điều kiện thời tiết, địa hình và các biến số môi trường khác, từ đó đưa ra phương án tác chiến hiệu quả nhất khi khai hỏa tấn công mục tiêu.
Ngoài ra M270A2 là khả năng liên lạc và chia sẻ dữ liệu trên chiến trường trong thời gian thực.
Điều này cho phép M270A2 nhận thông tin cập nhật theo thời gian thực và chia sẻ thông tin liền mạch với nhau và với các hệ thống vũ khí khác trên chiến trường.
Bên cạnh đó phiên bản M270A2 cũng được bọc giáp tốt hơn nhằm bảo vệ kíp điều khiển an toàn trước các vũ khí nhỏ và mảnh văng đạn pháo.
Động cơ của M270A2 cũng được tinh chỉnh để hoạt động với hiệu suất tốt hơn, trong khi lại tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Ngoài việc sản xuất mới thì Mỹ và đồng minh cũng tiến hành nâng cấp các phiên bản cũ lên chuẩn M270A2.