“Quái xế” tuổi thành niên - Vì đâu nên nỗi?

ANTD.VN - Trong những ngày gần đây, dư luận dành nhiều quan tâm để “mổ xẻ” các góc độ khác nhau liên quan đến những “quái xế”. Thanh, thiếu niên đua xe trái phép - đây không phải là vấn đề mới, nhưng sau những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tình trạng thanh, thiếu niên đua xe gần đây khiến dư luận càng thêm bức xúc…

Ám ảnh tiếng rú ga...

Sự kiện trực tiếp nhất kéo chúng ta quay lại với chủ đề không mới này chính là vụ tai nạn khiến một phụ nữ tử vong tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự việc đau lòng này khiến nhiều bậc phụ huynh phải giật mình, ám ảnh với tiếng nẹt pô ầm ĩ trong đêm, với rất nhiều câu hỏi như: Liệu con mình có nằm trong số những thanh niên đầu “đội trời”, nhất quyết không đội mũ bảo hiểm kia hay không? Liệu con mình có đang dừng đèn đỏ trên đường hay không?

Thực tế nỗi ám ảnh đó của các bậc phụ huynh là có thể hiểu được khi mà hàng đêm, những tiếng rú ga, nẹt pô đâu đó vẫn làm huyên náo các nẻo đường, ngõ phố. Để ngăn chặn một hiện tượng thì cách tốt nhất là đi từ nguyên nhân, từ các yếu tố hình thành nên hiện tượng đó.

Trong các đoàn đua xe bị lực lượng chức năng chặn bắt có nhiều nữ sinh

Tụ tập, rủ rê, đua xe diễu phố đang trở thành một hiện tượng, một trào lưu trong thanh, thiếu niên. Phân tích vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng CAQ Long Biên cho rằng, để các thanh, thiếu niên trở thành một “quái xế” thì phải 3 yếu tố: phải có đội nhóm, có xe và có tâm lý muốn thể hiện. “Chẳng quái xế nào đi đua xe một mình cả. Thường các em sẽ tụ tập, rủ nhau đi theo hội, nhóm đông. Thứ 2 là các em phải có xe thì mới tham gia đua được. Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển xe gắn máy phải có độ tuổi tối thiểu từ đủ 16 trở lên đối với xe dưới 50 phân khối và người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi - lanh từ 50 phân khối trở lên và phải có giấy phép lái xe phù hợp với từng loại phương tiện. Vậy các bậc phụ huynh phải cho phép các em đi xe máy, giao xe cho các em”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Thực tế kiểm tra tại các bãi trông xe tự phát ở các cổng trường học cho thấy, không ít học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 110 - 125cc. Có những bạn đi xe máy từ năm học lớp 10.

Một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển mô tô vác dao diễu phố bị CAQ Long Biên bắt giữ

Để biện minh việc cho phép con cái đi xe máy khi chưa đủ tuổi, một số phụ huynh cho rằng, việc trang bị xe máy cho học sinh giúp các em thuận tiện hơn, đỡ vất vả hơn trong việc đi học hoặc "để bằng bạn, bằng bè". Chính sự thương con sai cách này của các bậc cha mẹ đã "tiếp tay" cho con trẻ vi phạm và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, một trong những lý do cho việc giới hạn độ tuổi đó có lẽ là yếu tố thứ 3: Khả năng làm chủ, khao khát thể hiện bản thân của mỗi lứa tuổi. Đây thực sự là yếu tố khó nói, là nỗi canh cánh của nhiều ông bố, bà mẹ trong việc đồng hành cùng con, đặc biệt là lứa tuổi ở ngưỡng cửa trưởng thành.

Nỗi lòng của cha mẹ “quái xế”

Anh N.T.T ở quận Long Biên, Hà Nội, có con 16 tuổi bị tai nạn giao thông do lén đi xe máy của bố đến trường. Vừa ra khỏi nhà được vài trăm mét thì con trai của anh T đâm vào xe bồn chở xăng. Cú đâm khiến cháu bị chấn thương nặng nhiều bộ phận cơ thể... Tuy chỉ còn 5% cơ hội sống sót, nhưng rất may, cháu đã vượt qua nguy kịch. Giờ đây, nhìn con sống lầm lũi với những vết sẹo trên cơ thể, người làm bố như anh T không khỏi ân hận. “Sai sót của gia đình là cho cháu đi xe máy khi chưa đủ tuổi, dẫn đến tai nạn đau xót này. Từ bài học của gia đình mình, tôi mong các bậc phụ huynh không nên giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi. Sai một li, đi cả một đời con trẻ”, anh T ngậm ngùi chia sẻ.

Mới đây nhất, tối 9-11, vụ tai nạn giữa 3 xe máy xảy ra tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) làm 2 nam sinh tử vong, 2 người bị thương. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại đường Ỷ Lan, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Vào lúc 20h35, hai xe máy đi cùng chiều xảy ra va chạm với 1 xe đi ngược chiều. Vụ việc khiến các nạn nhân văng ra xa, phương tiện hư hỏng nặng.

Lạng lách, đánh võng, mang theo cả hung khí gây náo loạn đường phố. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian gần đây, lực lượng công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể như tuyên truyền, lập chốt tuần tra kiểm soát ban đêm dưới nhiều hình thức.

Nhóm đua xe có sự góp mặt của các thanh, thiếu niên bị CAQ Long Biên chặn giữ

Sau nhiều vụ học sinh vi phạm giao thông xảy ra trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã tập trung, tăng cường ra quân xử lý đối với nhóm đối tượng này. Thay vì chỉ kiểm tra trên các tuyến đường, để tăng tính hiệu quả trong xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã bí mật tiếp cận các bãi xe trong và ngoài trường học, xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối.

Bằng nhiều biện pháp, lực lượng chức năng đã và đang kịp thời phát hiện để ngăn chặn từ sớm, từ xa việc thanh, thiếu niên tụ tập vi phạm pháp luật, từ đó giữ gìn bình yên cho các tuyến phố, an ninh trật tự cho toàn xã hội.

Tai nạn giao thông luôn là sự ám ảnh, day dứt với người ở lại, để lại nỗi đau khổ tột cùng của người thân, nhất là khi phải tiễn biệt những “mái đầu xanh”. Những ước mơ con trẻ còn dang dở… những dự định tương lai còn chưa thực hiện được… Để không còn nỗi đau thương, mất mát do tai nạn giao thông và để những mầm non của đất nước được sống trong an toàn, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự làm gương của các bậc phụ huynh trong việc tuân thủ Luật Giao thông.