Phương Tây thất bại trong việc giáng đòn hạ gục nền kinh tế Nga?

ANTD.VN - Giáng đòn hạ gục nền kinh tế Nga là điều bất khả thi đối với phương Tây, thực tế đã chứng minh nhận định nói trên.

Một cuộc xung đột với quy mô và mức độ khốc liệt chưa từng có đã nổ ra giữa Nga và phương Tây, trong đó đối thủ thất bại trong việc giáng đòn hạ gục nền kinh tế Nga, kết luận như vậy đã được trình bày bởi các nhà phân tích người Anh.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine, các nước phương Tây đã phát động một cuộc chiến tranh kinh tế quy mô lớn chống lại Liên bang Nga, trong đó họ đang cố gắng gây thiệt hại tối đa cho nền kinh tế Nga nhờ những lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên theo các chuyên gia đến từ Anh, cuộc chiến trừng phạt chống lại Nga còn lâu mới diễn ra như mong muốn của các nước phương Tây. Nhận định trên được đăng tải bởi ấn phẩm The Economist.

“Mỹ, châu Âu và các đồng minh của họ đã tung ra một loạt lệnh cấm vận và biện pháp hạn chế chưa từng có nhằm vào Moskva, điều này đã khiến hàng nghìn công ty và cá nhân của Nga phải hứng chịu".

"Dưới hiệu lực của lệnh cấm vận, một nửa trong số 580 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng và hầu hết các ngân hàng lớn của Nga đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT", tờ báo Anh cho biết.

Các chuyên gia của ấn phẩm The Economist nhận định rằng phương Tây đang cố gắng kích hoạt một cuộc khủng hoảng thanh khoản và cán cân thanh toán ở Nga với sự trợ giúp của các lệnh trừng phạt.

Nói một cách đơn giản, phương Tây muốn đảm bảo rằng nước Nga sẽ không có đủ phương tiện để tiến hành đến cùng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh muốn làm suy yếu tiềm năng công nghiệp và công nghệ của Liên bang Nga.

Tuy nhiên, cuối cùng tham vọng của họ đã không đạt được, nỗ lực đánh bật nền kinh tế Nga đã thất bại: “Rắc rối là trận đấu loại trực tiếp đã không diễn ra”, các chuyên gia người Anh nhận xét.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm, nhưng không nhiều như các nhà phân tích phương Tây mong đợi. Hơn nữa, quốc gia này tiếp tục tích cực kinh doanh các nguồn năng lượng và bổ sung đều đặn kho bạc của mình.

Sau cú sốc ban đầu, hệ thống tài chính của Liên bang Nga đã ổn định trở lại và một cuộc tìm kiếm các nhà cung cấp và thị trường mới cho các sản phẩm do Nga sản xuất đang được tiến hành.

Trong khi đó, châu Âu đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát trầm trọng, đe dọa phương Tây rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.

Rõ ràng là các biện pháp trừng phạt của phương Tây có những thiếu sót nghiêm trọng. Moskva đã học cách thích ứng với các biện pháp hạn chế kinh tế, và Nga thậm chí đủ khả năng tiến hành phản công.

Ngoài ra, phương Tây đang không thu hút được những người ủng hộ mới, đó là các quốc gia sẵn sàng ủng hộ biện pháp trừng phạt. Lệnh cấm vận toàn bộ hoặc một phần đối với dầu mỏ của Nga không được hơn 100 quốc gia, vốn chiếm 40% GDP thế giới tôn trọng.

Các nhà phân tích của ấn phẩm Anh kết luận “Nền kinh tế toàn cầu hóa thích ứng tốt, đặc biệt là vì hầu hết mọi quốc gia không muốn ủng hộ các chính sách do phương Tây áp đặt”.