Phương Tây: Các lệnh trừng phạt dầu mỏ với Iran đã thất bại

ANTD.VN - Lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Iran đang mất tác dụng khi Tehran xuất khẩu sản phẩm năng lượng của mình với số lượng cực lớn.

Các doanh nghiệp năng lượng Iran đang tận dụng thời cơ của cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Israel và Hamas để vượt qua lệnh trừng phạt và xuất khẩu một lượng lớn dầu thô ra thị trường quốc tế.

Như phóng viên Javier Blas của hãng tin Bloomberg cho biết, vào tháng 10/2023, Iran đã hoàn toàn phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ và bắt đầu giao dịch những sản phẩm dầu mỏ một cách công khai.

Kết quả là Tehran thậm chí đã vượt qua cả Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc (trong khi Nga vẫn đứng đầu, tính đến nguồn cung qua đường ống).

Điều này xảy ra nhờ vào việc giải phóng lượng lớn trữ lượng dầu thô từ các kho chứa nổi, nơi trước đây nằm dưới sự giám sát của phương Tây. Nguồn cung dầu của Iran đạt trung bình hơn 1,8 triệu thùng mỗi ngày, một kỷ lục mới.

"Iran không chỉ tăng sản lượng khai thác mà trên thực tế họ còn bán được trữ lượng khổng lồ trong các bể chứa dầu nổi đã được tích lũy trong suốt khoảng thời gian bị trừng phạt".

"Hoặc Nhà Trắng đã cho phép điều này xảy ra hoặc không thể ngăn chặn nó, nhưng trong mọi trường hợp, chế độ trừng phạt đối với Iran rõ ràng là một thất bại", chuyên gia năng lượng của tờ Bloomberg viết.

Trên thực tế, không cần đợi hình thành liên minh Hồi giáo rộng rãi đưa ra lệnh trừng phạt dầu mỏ nhằm vào Israel, Iran đã quyết định hành động tương xứng với chiến dịch quân sự của Tel Aviv, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Điều này được tạo điều kiện thuận lợi bởi lập trường của Trung Quốc, khi Bắc Kinh trước đây vẫn là một đồng minh quan trọng của Tehran, cả về lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị và quân sự.

Các bản kế hoạch lách giúp vượt qua lệnh trừng phạt và biện pháp với các cơ sở lưu trữ nổi ngoài khơi đã được phát minh trước khi nguyên liệu thô đi qua biên giới hải quan của Trung Quốc.

Nhưng bây giờ tất cả những điều này đã trở nên không cần thiết và Tehran giao dịch một cách công khai. Tất cả những gì còn lại là chờ Iran tìm kiếm thị trường mới ngoài Trung Quốc, điều đã lâu không xảy ra.

Xét thấy nhiều quốc gia trên thế giới không ủng hộ quan điểm của Mỹ và Israel, để phản đối, họ có thể chọn cách chống lại liên minh giữa Washington và Tel Aviv là mua dầu bị trừng phạt từ một đồng minh của Hamas và người Palestine.

Tuy nhiên câu hỏi hiện nay là tình trạng trên liệu có thể duy trì lâu dài, bởi nếu Mỹ kiên quyết thực hiện các biện pháp ngăn chặn thì dầu thô của Iran khó lòng có thể chảy được một cách tự do như hiện nay.

Giới phân tích cho rằng hiện tại Mỹ biết rất rõ hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran nhưng họ cố tình làm ngơ để không kích động Tehran có thái độ cứng rắn với chiến dịch Thanh kiếm sắt mà Lực lượng phòng vệ Israel đang tiến hành tại Dải Gaza.

Có lẽ Tehran cũng nhận biết được điều này cho nên họ vẫn giữ thái độ khá kiềm chế, chỉ đưa ra những phản đối nhằm vào Israel bằng lời nói đơn thuần mà chưa đi tới hành động cứng rắn như từng cảnh báo.