Phòng từ gốc, chống đến cùng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực (Bài 3): “Virus” tham nhũng, tiêu cực diễn biến tinh vi, phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh thời gian qua dù đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng nhưng vẫn tiếp tục diễn biến tinh vi, phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bởi một trong những căn nguyên quan trọng là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản.
Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Tham nhũng, tiêu cực còn tinh vi, phức tạp

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Thời nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai lĩnh vực này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

Có thể thấy, tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử, xuất hiện gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và các thiết chế quyền lực xã hội. Trong các dạng quyền lực xã hội thì quyền lực Nhà nước là một dạng quyền lực dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Nói cách khác, tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở mọi chế độ xã hội, với những biểu hiện và mức độ khác nhau, tùy thuộc bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn phát triển.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhất là nền kinh tế thị trường, tham nhũng, tiêu cực dần trở lên nghiêm trọng tại nước ta. Tham nhũng, tiêu cực gây xói mòn, mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đảng ta khẳng định, tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng, nhất là sau các Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XI và XII. Chúng ta đã đẩy mạnh đấu tranh, kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên vi phạm với nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kỳ ai vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2013 - 2020 đã xử lý kỷ luật 131.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Cũng từ năm 2013 - 2020, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 Tướng lĩnh lực lượng vũ trang. Tính riêng từ năm 2016 - 2020, đã kỷ luật 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng. Từ năm 2013 đến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỷ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Từ 2013 - 2020, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, bao gồm 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp Tướng.

Có thể nói chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất, vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật bị xử lý nhiều như vậy trong cùng giai đoạn. Bên cạnh việc Đảng và Nhà nước kiên quyết, đẩy mạnh hơn việc phát hiện, xử lý thì số lượng lớn cán bộ, đảng viên vi phạm cũng cho thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản.

Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Đề ra giải pháp tổng thể hữu hiệu

Những vụ án, vụ việc bị phát hiện, xử lý thời gian cũng cho thấy tham nhũng, tiêu cực không chỉ len lỏi vào nhiều lĩnh vực, không chỉ trong các lĩnh vực nhiều “cám dỗ” như kinh tế, đất đai… mà còn bị phát hiện ngay cả trong công tác cán bộ, cũng như ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; cơ quan thanh tra, kiểm tra; cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực từ đảng viên, cán bộ cấp rất cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tới cấp cơ sở thấp nhất trong hệ thống hành chính là xã, phường.

Những “đại án” tham nhũng, tiêu cực lớn liên quan tới cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn; Tướng lĩnh lực lượng vũ trang… cho thấy những cán bộ, đảng viên cấp cao, trải qua quá trình dài phấn đấu, trưởng thành nhưng nếu không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng mà để suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đều có thể biến chất, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm nghiêm trọng của họ gây thiệt hại khôn lường cả về vật chất, tài sản của Nhà nước, đồng thời làm xói mòn, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Điều đó càng thấy rõ hơn trong các vụ án, vụ việc tiêu cực gây phẫn nộ, bức xúc ghê gớm khi những cán bộ, đảng viên biến chất, suy thoái tới mức gây thất thoát, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh. Đó là các vụ án như vụ án thuốc ung thư giả, vụ án “hút máu” bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai… hay vụ án nâng khống giá thiết bị liên quan tới công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng nhiều lần đề cập tới mối nguy hại của “tham nhũng vặt”. “Tham nhũng vặt” dù giá trị tham nhũng hay thiệt hại không lớn song diễn ra phổ biến ở ngay cấp cơ sở, đơn vị và liên quan trực tiếp tới người dân nên gây bức xúc, bất bình và đặc biệt là gây xói mòn niềm tin, “đốm lửa nhỏ” này vì thế có thể dẫn tới những hậu họa khôn lường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ, cần tập trung xử lý tình trạng tham nhũng vặt bởi nói như “ghẻ ruồi” rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin, làm hư hỏng cán bộ.

Đáng chú ý, trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã đặt vấn đề cần chỉ rõ có gì cần bổ sung, điều chỉnh; nên chăng phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... từ cá nhân có nguy cơ, biểu hiện “xâm lấn” vào cả tổ chức Đảng.

Chính vì thế, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này tiến hành thảo luận, đề ra các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó những giải pháp tổng thể hữu hiệu để diệt trừ tận gốc thứ “virus” nguy hiểm tham nhũng, tiêu cực - một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

(Còn nữa)

Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu): Quyết liệt và thống nhất ở tất cả các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng

“Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng của cả hệ thống chính trị. Với những thành quả đạt được đã làm thay đổi nhận thức của những người có chức vụ quyền hạn cũng như củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nhận thấy, quyết tâm chính trị đã được thực hiện với thái độ quyết liệt và thống nhất ở tất cả các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan liên quan trong thời gian vừa qua. Những điều dễ nhận thấy nhất là công tác chống tham nhũng đã cho thấy không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ và không khoan nhượng với bất kỳ ai, đặc biệt là không xuất hiện những hành vi tác động tiêu cực từ những cá nhân có thẩm quyền vào các hoạt động tư pháp.

Trong những năm vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố nhiều vụ án, khởi tố nhiều bị can là những người có chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng cũng như chính quyền các cấp. Điều đó luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và minh chứng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Công tác thi hành án để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng đạt hiệu quả cao nhất từ trước tới nay cũng như tạo tiền lệ tích cực trong vấn đề này. Tuy nhiên, việc điều tra, xác minh, xử lý những vụ án có liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn cũng cần xem xét tính lịch sử của vấn đề nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có lý, có tình và chấp nhận những vấn đề mới mà pháp luật chưa hoàn thiện. Việc bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cũng đã được quan tâm, nhưng cần được luật hóa trong chính sách hình sự, chính sách tố tụng hình sự để đảm bảo tính ổn định, đoàn kết của hệ thống chính trị cũng như tránh việc lạm dụng công tác phòng, chống tham nhũng vì động cơ không trong sáng. Tôi tin rằng trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn sự mong mỏi của nhân dân, giữ vững trật tự kỷ cương cũng như bảo vệ tài sản Nhà nước không bị tội phạm tham nhũng xâm hại”.

Ông Nguyễn Văn Lý (Nguyên Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân TP Hà Nội): Sớm tiễu trừ và loại bỏ hoàn toàn tham nhũng, tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội

“Có thể khẳng định ngay, chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước là hết sức phù hợp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống dưới rất quyết liệt và được coi trọng ở tất cả các ngành, các cấp, không phân biệt người quyền cao chức trọng hay quyền ít. Chính chủ trương này đã phần nào lấy lại được lòng tin của nhân dân. Qua theo dõi, tôi nhận thấy các nhiệm kỳ trước, chúng ta cũng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng không quyết liệt, thậm chí có nơi, có lúc còn hời hợt, hình thức. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là từ Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII trở lại đây, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên rất cao. Do đó, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với bộ máy Nhà nước đã được củng cố hơn rất nhiều.

Chúng ta là một nước nghèo, lại liên tục trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt và đã phải hy sinh rất nhiều xương máu. Giờ đây, khi chúng ta có được nền độc lập, hòa bình, hồi phục sau chiến tranh và từng bước phát triển mà lại bị tệ nạn tham nhũng, tiêu cực tàn phá thì thật là vô cùng đáng buồn và không phải với vong linh các thế hệ Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó cũng chính là một trong nỗi bức xúc của đông đảo nhân dân. Chúng ta hãy thử nghĩ mà xem, đối với những người lính đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc và họ chỉ có một mong muốn là xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, nhưng chúng ta lại để cho nạn tham nhũng, tiêu cực đục khoét, tàn phá đất nước thì thật là không công bằng.

Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng đã làm được rất nhiều việc để củng cố lòng tin của nhân dân. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta thời gian qua quả là rất hăng hái, quyết liệt, cấp tập, quyết tâm từ trên xuống dưới… và đã đạt được những kết quả nhất định. Thế nhưng chừng ấy là chưa thực sự làm thỏa mãn và đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Bởi tội phạm tham nhũng là loại tội phạm rất tinh vi, lắt léo và nó len lỏi ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương. Thậm chí, ngay ở cấp phường, xã cũng có nạn tham nhũng mà chúng ta hay gọi đó là “tham nhũng vặt”. Vì thế, nếu chỉ tập trung đấu tranh, xử lý ở một vài vụ điển hình hoặc tầm cao thì chưa thể trở thành phong trào. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cựu hiện nay rất cần có sự tham gia tích cực của người dân, phải lấy từ người dân mà ra, kết hợp với công tác quản lý của Nhà nước. Bởi thực tế cho thấy, những vụ án tham nhũng bị phanh phui, xử lý lâu nay, hầu hết đều do các cơ quan chức năng khám phá. Trong thời đại này, người dân luôn nắm bắt được rất nhiều thứ nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải biết lắng nghe thông tin từ người dân thì mới triệt để hơn được.

Một điểm nữa là “tham nhũng vặt” hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều ở cấp phường, xã. Bản thân tôi cũng đã “va” phải những vụ việc đại loại kiểu như là khi người dân có những khúc mắc, tranh chấp với nhau mà đưa vụ việc ra cơ quan chức năng thì rất hay gặp hiện tượng “bên nào có tiền thì bên ấy có lý”. Và có thể nói, những hành vi “tham nhũng vặt” kia lại luôn là tác nhân gây ra những bức xúc nhất đối với người dân. Bởi nó luôn có mặt ở mọi nơi, động chạm đến quyền lợi “sát sườn” của người dân. Đây cũng chính là những cái “ung nhọt” mà người dân mong mỏi Đảng, Nhà nước sớm tiễu trừ và loại bỏ hoàn toàn nó ra khỏi đời sống xã hội nhất”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Kiểm soát quyền lực là yêu cầu khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

“Thực tế cho thấy, khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng. Hành vi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đặc biệt. Đặc biệt về chủ thể, khách thể, hành vi, mối quan hệ, hậu quả pháp lý, nên nếu không có một cơ quan chống tham nhũng đặc biệt về mô hình, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, nhất là hành lang pháp lý về thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động thì rất khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định một số biện pháp tố tụng đặc biệt để các cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, trong đó có tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật và đường lối xét xử đối với tội phạm tham nhũng cần phải được hướng dẫn, quy định cụ thể hơn để triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Hiện quá trình xử lý tin tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng chưa có khác biệt nhiều so với các tội phạm thông thường nên khó phát hiện tội phạm tham nhũng. Hoặc khi phát hiện được thì nhiều chứng cứ đã bị xóa (hoặc hợp thức hóa), tài sản do tham nhũng mà có đã bị tẩu tán, không thể thu hồi được.

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, phòng ngừa tham nhũng là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Còn về chống tham nhũng, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, như cơ quan điều tra, cơ quan công tố, tòa án thì các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Ngân hàng, Thuế… đều là những cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng. Nhiều nước thành lập cơ quan chống tham nhũng đặc biệt, có mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, thẩm quyền, trách nhiệm đặc biệt đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống hoặc Thủ tướng, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào khác. Cơ quan này kết nối, chia sẻ thông tin thường xuyên và có quy chế phối hợp hoạt động chặt chẽ với cơ quan Thanh tra, Ngân hàng, Kiểm toán, Thuế, các cơ quan Nhà nước khác trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý hành vi, tội phạm tham nhũng.

Thay đổi về mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì nhất thiết phải sửa đổi một số luật, ví dụ như Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… Vì đây là một thiết chế đặc biệt để đấu tranh, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện đồng bộ rất nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản của mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn thì mới có thể phòng chống tham nhũng có hiệu quả được.

Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực cũng là yêu cầu khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát quyền lực được thực hiện trên rất nhiều phương diện, như kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, kiểm soát trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các thiết chế dân chủ, nhất là thiết chế dân chủ ở cơ sở... Do đó, phải nhận diện cho hết tất cả các phương diện kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của chúng ta”.