Phòng không Nga vất vả chống lại tên lửa Neptune cải tiến của Ukraine

ANTD.VN - Những cải tiến mới trên tên lửa Neptune thực sự rất có ý nghĩa, giúp vũ khí này trở thành "quân át chủ bài" tấn công tầm xa của Ukraine.

Tên lửa Neptune đã được Lực lượng vũ trang Ukraine hiện đại hóa sâu, biến nó trở thành một thứ vũ khí lợi hại hơn nhiều so với thời điểm chỉ một năm trước.

Theo thông báo từ Kyiv, tên lửa hành trình R-360 thuộc tổ hợp Neptune sẽ được Lực lượng vũ trang Ukraine giao cho một nhiệm vụ đặc biệt, thay vì chức năng tấn công mục tiêu tàu mặt nước như thiết kế ban đầu.

Cụ thể, Quân đội Ukraine đã lên kế hoạch sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Trong khi các đồng minh NATO chưa cho phép dùng vũ khí viện trợ thì Kyiv đã quyết định đặt niềm tin vào sản phẩm nội địa.

Bên cạnh tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom-2 (Sapsan), mối đe dọa lớn nhất đối với Quân đội Nga trên các hướng tác chiến Kursk và Belgorod theo nhận xét chính là tên lửa hành trình đa năng hiện đại hóa R-360 Neptune.

Loại đạn tấn công này ban đầu được phát triển để chống lại các mục tiêu như tàu mặt nước, nhưng giờ đây chúng có thêm tính năng và cải tiến mới, cho phép thực hiện nhiệm vụ bắn phá những mục tiêu trên mặt đất.

Phiên bản cải tiến của tên lửa R-360 được trang bị hệ thống điều khiển và đầu đạn mới nhẹ hơn, giúp tăng tầm bắn lên đáng kể, từ 280 km lên 700 km.

Điều này có nghĩa là loại tên lửa hành trình này đủ sức đe dọa những đối tượng nằm rất sâu trong lãnh thổ Nga, giúp mở rộng đáng kể khả năng răn đe chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Theo tiết lộ, một trong những thay đổi quan trọng là việc trang bị cho tên lửa đầu đạn có sức nổ mạnh theo kiểu xuyên thấu nhẹ hơn, để lấy thêm không gian chứa nhiên liệu, đi kèm đầu dẫn radar hiện đại hóa (GOS).

Điển hình như đầu dẫn radar ARGS-5R có khả năng tìm kiếm và dẫn đường tên lửa tới mục tiêu một cách hiệu quả, ngay cả trong điều kiện nhiễu sóng vô tuyến rất mạnh, đây là tính năng cực kỳ cần thiết nhằm vượt qua bức tường tác chiến điện tử của Nga.

Hệ thống dẫn đường này tương tự như đầu dò Gran-K của Nga vẫn được sử dụng trên tên lửa hành trình Kh-35U và được đặc trưng bởi tính chính xác và độ "tinh khiết quang phổ" khi tín hiệu được tăng lên gấp nhiều lần.

Đối với các đơn vị phòng không Nga, việc Ukraine hiện đại hóa thành công tên lửa hành trình R-360 Neptune rõ ràng đặt ra một thách thức cực kỳ nghiêm trọng, không dễ để vượt qua.

Loại đạn tấn công này hiện khó bị đánh chặn hơn vì độ cơ động cao và có thể thay đổi đường bay để đáp trả những nỗ lực nhằm bắn hạ chúng, đồng thời cũng có khả năng chống nhiễu rất tốt..

Khi phòng không Nga còn vất vả chống lại những chiếc máy bay không người lái cảm tử bay chậm và kích thước tương đối lớn thì việc đánh chặn hiệu quả tên lửa Neptune gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Khó khăn lớn nhất đối với Ukraine hiện nay đó là sản lượng quá thấp, chỉ vài đơn vị mỗi tháng vì tên lửa có giá thành cao, hiện Kyiv đang đề nghị các đồng minh phương Tây trợ giúp để đẩy nhanh tốc độ sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu chiến trường.