Phim Việt 3 tháng đầu năm 2022 dần khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quý 1-2022, hàng loạt phim Việt ồ ạt ra rạp, một phần do phim dời lịch từ năm cũ sang, một phần do yếu tố mùa lễ hội giải trí đầu năm. “Bẫy ngọt ngào”, “Chìa khóa trăm tỷ” (70 tỷ đồng), “Chuyện ma gần nhà”, “Nhà không bán” (trên 30 tỷ đồng)… là các phim Việt dẫn đầu doanh thu tính đến nay.
“Bẫy ngọt ngào” là phim Việt thành công nhất trong 3 tháng đầu năm 2022

“Bẫy ngọt ngào” là phim Việt thành công nhất trong 3 tháng đầu năm 2022

“Bẫy ngọt ngào” bất ngờ ngọt ngào

“Bẫy ngọt ngào” với doanh thu 93 tỷ đồng chính là phim Việt quán quân phòng vé trong nước sau 3 tháng đầu năm 2022 (sau hơn 1 tháng ra mắt hiện vẫn còn chiếu tại rạp). Bộ phim đầu tay của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư tính đến thời điểm hiện tại là phim có doanh thu cao nhất rạp chiếu Việt Nam năm 2022.

Còn nhớ từ thời điểm Valentine năm nay, cả 2 bộ phim Việt “Chuyện ma gần nhà” (doanh thu phòng vé 65 tỷ đồng, đạo diễn Trần Hữu Tấn) và “Bẫy ngọt ngào” cùng công chiếu và tạo cuộc cạnh tranh khá lý thú trên thị trường phim Việt. Trong tuần đầu tiên ra mắt, phim kinh dị “Chuyện ma gần nhà” thu hút dư luận với nhiều tranh cãi trái chiều về tính hay dở của bộ phim, đồng thời kéo được một số lượng lớn khán giả đi xem.

Trong lúc này, “Bẫy ngọt ngào” có doanh thu tăng chậm và chưa được như kỳ vọng dù quy tụ nhiều gương mặt trẻ đẹp như Minh Hằng, Bảo Anh, Diệu Nhi… Bất ngờ diễn ra ở tuần chiếu thứ 2 khi “Bẫy ngọt ngào” tăng vọt số lượng suất chiếu (tăng 45%) lẫn tỷ lệ lấp đầy người xem ở rạp (48%). Từ khóa tìm kiếm tên phim đã trở nên “nóng” hàng đầu trên mạng xã hội. Đến cuối tháng 2-2022, hơn 1 triệu lượt khán giả đã xem bộ phim và đưa tác phẩm điện ảnh nội địa này không chỉ vượt qua “Chuyện ma gần nhà” mà còn vươn lên xếp hạng nhì danh sách phim nói chung đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022.

Thời thượng, hào nhoáng và bi kịch

“Bẫy ngọt ngào” dài 90 phút, thuộc thể loại tâm lý xã hội, hôn nhân gia đình, là một bộ phim đáng xem. Không lạ khi tính thời thượng của “Bẫy ngọt ngào” gây chú ý nơi khán giả. Bộ phim có sự hoành tráng và hào nhoáng khi tái hiện đời sống của giới thượng lưu, người thành đạt. Tạo hình, phục trang nhân vật, bối cảnh xa hoa và cả ngôn ngữ thoại hiện đại, bắt “trend” (xu hướng) trong phim rất tốt tạo ra tính giải trí cao.

“Bóng ma” Covid-19 vẫn còn đó nên việc lôi kéo khán giả ra rạp xem phim phải bằng những bộ phim Việt thật sự có chất lượng cao, kịch bản tốt, nắm bắt đúng thị hiếu công chúng.

Xoay quanh “hội bạn thân” gồm 3 cô gái đa tính cách Camy, Quỳnh Lam, Linh Đan và Ken - một chàng trai hiền hòa, tử tế, bộ phim khiến người xem chú ý với thông điệp “cuộc sống không hẳn là màu hồng”. Nhóm bạn thân có những mâu thuẫn khi trưởng thành không thể giải tỏa. Cuộc hôn nhân giàu sang nhung lụa bên một người chồng lịch lãm, thành đạt của Camy lại không thật sự hạnh phúc như người ngoài vẫn nghĩ.

Vòng xoáy xung đột trong hôn nhân, những bí mật tình ái cùng tình bạn chông chênh với những cạm bẫy bi kịch được phơi bày dần trong phim. Các nhà làm phim “Bẫy ngọt ngào” có sự mạnh dạn và cả táo bạo khi đề cập chủ đề nhạy cảm về nạn bạo hành gia đình vốn là thực trạng không nhỏ và rất đáng lên án, đồng thời không thiếu những cảnh quay “bỏng mắt” người xem và thành điểm nhấn trong tác phẩm này. Tiếc là “Bẫy ngọt ngào” vẫn còn điểm hạn chế bởi một kịch bản khuôn mẫu, phần giải quyết câu chuyện có phần dễ dãi, thiếu tương xứng với những nút thắt đã bày ra.

Phim Việt có thành, có bại

Ba tháng đầu năm 2022, ngoài các điểm sáng là “Bẫy ngọt ngào”, “Chìa khóa trăm tỷ” (doanh số phòng vé 70 tỷ đồng) và “Chuyện ma gần nhà”, hàng loạt phim Việt mới khác cũng đã ra rạp nhưng được xem như không thành công như mong đợi. “Rừng thế mạng” và “1990” doanh thu không đủ bù chi phí sản xuất. Tuy nhiên, các phim Việt này vẫn còn cơ hội tăng doanh số như bán bản quyền cho thị trường quốc tế cũng như các kênh giải trí online.

Ví dụ như “Rừng thế mạng” đã được phát trên Netflix toàn cầu kể từ ngày 28-2 với tựa tiếng Anh là “Survive”. Trong số này, gặp thất bại đáng tiếc và nhà sản xuất lỗ nặng (nói cách khác là gần như mất trắng vốn đầu tư) là các phim “Mưu kế thượng lưu”, “Người tình”, “Người lắng nghe” đều chỉ có doanh thu tiền vé khoảng 2 - 3 tỷ đồng/phim. Các phim đều bị đánh giá là chưa phù hợp thị hiếu khán giả, cách làm phim hoặc bị cũ kỹ hoặc kịch bản có quá nhiều lỗ hổng mà dàn diễn viên “đẹp mã” cũng không thể kéo điểm cộng lại được.

Dù thị trường rạp chiếu nhìn chung khởi sắc hơn sau thời “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, song các thất bại của những phim Việt nêu trên là bài học đáng giá cho giới làm phim trong nước. Khán giả giờ đây tiếp cận phim quốc tế chất lượng cao ở quá nhiều hình thức từ rạp chiếu đến các nền tảng trực tuyến nên ngày càng khắt khe hơn trong thưởng thức.

Tháng 3 còn 3 phim Việt ra rạp

“Bóng đè” ra rạp ngày 18-3

“Bóng đè” ra rạp ngày 18-3

Ngày 18-3, bộ phim kinh dị dài 101 phút của đạo diễn Lê Văn Kiệt mang tựa “Bóng đè” sẽ ra rạp sau khi hoãn chiếu gần 1 năm vì Covid-19. Với các diễn viên trẻ Mai Cát Vi, Lâm Thanh Mỹ, Quang Tuấn, Diệu Nhi, phim đang được chờ đợi bởi có bối cảnh làng quê Việt Nam và chứa yếu tố tâm linh ly kỳ mà chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Ba cha con nhân vật Thành, Linh và Yến khi về sống trong một ngôi nhà cổ vùng quê đã gặp các hiện tượng kỳ dị trong lúc ngủ và bị quấy rối bởi lực lượng siêu hình...

Đến cuối tháng sẽ có 2 phim Việt nữa ra rạp cùng ngày 25-3 là “578 phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) và “Mến gái miền Tây” (đạo diễn Võ Đăng Khoa). Nếu “578 phát đạn của kẻ điên” thuộc thể loại hành động có mức đầu tư sản xuất lớn (60 tỷ đồng), quy tụ dàn diễn viên rất hùng hậu gồm: Hoa hậu H’Hen Niê, Minh Quang, Thanh Thảo, Hoàng Phúc, Ngọc Tình, Jessica Minh Anh, Nguyễn Lâm Thảo Tâm, Hà Văn Hiếu... thì “Mến gái miền Tây” thuộc dạng hài với Ngọc Phước, Đại Nghĩa, Lê Giang, Anh Tú, Phạm Hoàng Nguyên…