Philippines gia tăng đáng báo động các ca nhiễm HIV trong giới trẻ

ANTD.VN -  Philippines đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kinh ngạc các ca nhiễm HIV, ghi nhận mức tăng 543% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2023. Cứ 3 người sống chung với HIV thì một người được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, làm trầm trọng thêm các thách thức về sức khỏe.

Philippines đang mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe để người nghi nhiễm HIV có thể dễ dàng tiếp cận hơn

Tại phòng khám ở tầng 3 của một trung tâm mua sắm sầm uất ở Manila, Jeremy Jordan Castro, bác sĩ của trung tâm xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) Klinika Eastwood cho biết, mục tiêu của họ là tập trung vào sức khỏe và phòng ngừa bệnh thay vì điều trị bệnh.

“Chúng tôi muốn bình thường hóa việc xét nghiệm HIV và STI như một phần của dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Với những tiến bộ trong thuốc men và công nghệ, HIV hiện có thể kiểm soát được như các tình trạng mãn tính khác như tăng huyết áp hoặc tiểu đường”, bác sĩ Jeremy Jordan Castro nói.

Hầu hết các dịch vụ tại phòng khám, bao gồm sàng lọc STI cũng như thuốc để ngăn ngừa HIV trước hoặc sau khi có khả năng phơi nhiễm, đều miễn phí và được một nhóm chuyên gia đảm bảo giữ kín thông tin.

Klinika Eastwood là một phần trong những cơ sở hoạt động theo chương trình của chính phủ Philippines nhằm xóa bỏ kỳ thị đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, khuyến khích xét nghiệm và điều trị HIV và đảo ngược tình trạng gia tăng liên tục các ca nhiễm HIV ở Philippines, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.

Theo báo cáo toàn cầu của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) được công bố vào đầu tháng này, quốc gia này đã chứng kiến ​​mức tăng đáng kinh ngạc 543% về số ca nhiễm mới trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2023. Mặc dù vẫn là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh thấp với tổng số người sống chung với HIV được ghi nhận là 189.900 vào năm ngoái, Bộ Y tế Philippines đã cảnh báo rằng nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, số đối tượng nói trên có thể lên tới 448.000 người vào năm 2030.

Theo giới chuyên gia y tế, kiến ​​thức về HIV của một số bộ phận dân số Philippines vẫn ở mức thấp đáng báo động

Trái ngược với xu hướng giảm các ca nhiễm mới HIV, Philippines lại là một trường hợp ngoại lệ khi phải vật lộn với ước tính 50 ca nhiễm mới được chẩn đoán mỗi ngày. Gần một nửa số ca nhiễm mới vào năm 2024 là những cá nhân trong độ tuổi từ 15 đến 24, trong đó MSM (quan hệ đồng tính nam) chiếm tỷ lệ 89%.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​tỷ lệ nhiễm gợi nhớ đến New York hoặc San Francisco trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng AIDS vào những năm 1980”, Benedict Bernabe, người đứng đầu nhóm vận động và nâng cao nhận thức về HIV The Red Whistle cho biết.

Rõ ràng điều này phản ánh thực trạng nhiều người trẻ tuổi có quan hệ phức tạp nhưng chưa nắm rõ về vấn đề sức khỏe tình dục. Ngoài ra, sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV ở thanh thiếu niên là kết quả của việc Chính phủ Philippines cho phép hạ độ tuổi xét nghiệm HIV mà không cần sự đồng ý của cha mẹ xuống còn 15.

Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ cho thấy, chỉ có 13% nhóm dân số chính biết về dự phòng trước phơi nhiễm và chỉ 60% biết rằng xét nghiệm HIV là miễn phí. Bởi vậy, theo như lời ông Lui Ocampo, Giám đốc điều hành của UNAIDS Philippines, nhu cầu cấp thiết hiện nay là xét nghiệm HIV kịp thời và dễ tiếp cận.

Cứ 3 người sống chung với HIV ở Philippines thì có 1 người được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, thường là sau khi phát hiện các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn như bệnh lao hoặc viêm phổi. Vào năm 2023, việc chẩn đoán muộn đã góp phần gây ra 1.700 ca tử vong liên quan đến AIDS, mặc dù việc điều trị trước và sau phơi nhiễm đều miễn phí.

Elena Felix đã sống chung với HIV trong 30 năm. Người phụ nữ 66 tuổi này kể, khi bà phát hiện nhiễm HIV vào những năm 1990, các bác sĩ nói bà chỉ còn sống được 10 năm. Ngày nay, Felix là người ủng hộ mạnh mẽ quyền của người nhiễm HIV và đứng đầu một nhóm hỗ trợ những phụ nữ sống chung với HIV.

Elena Felix là một trong những người khiếu nại trong vụ án nổi cộm chống lại luật sư Larry Gadon, người đã ám chỉ rằng cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã qua đời vì AIDS, thực tế ông Aquino bị bệnh thận vào năm 2021.

“Nếu một số người nghĩ rằng họ có thể sử dụng thông tin sai lệch về HIV để sỉ nhục một cựu Tổng thống, điều đó có thể gây tác hại cho các bệnh nhân. Chúng ta cần thay đổi lối suy nghĩ đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng nhiễm HIV là bản án tử hình do chính người đó gây ra”, bà Felix nói.