Việc EU cắt ngân sách cho chính quyền hungary theo nhận xét là đòn giáng mạnh vào cá nhân Thủ tướng Viktor Orban, khi nhân vật này được nhận xét là một đồng minh của Nga trong EU.
Theo thông báo, Liên minh châu Âu từ chối cung cấp cho Hungary khoản tài trợ 1 tỷ euro với cáo buộc Budapest đã vi phạm các nguyên tắc pháp quyền và sự chậm trễ trong việc thực hiện những cải cách cần thiết.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh EU yêu cầu các nước thành viên phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn và nguyên tắc dân chủ được quy định trong điều lệ của tổ chức.
Theo đại diện Brussels, chính quyền Hungary đã không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đối với Liên minh châu Âu, điều này gây nguy hiểm cho việc tiếp cận các nguồn vốn bổ sung.
Những cáo buộc của EU liên quan đến việc Hungary không thực thi đầy đủ biện pháp chống tham nhũng và ngăn ngừa xung đột lợi ích. Budapest lẽ ra phải thông qua các luật liên quan vào cuối năm 2024, nhưng điều này bị trì hoãn và cải cách đã hứa chưa được triển khai.
Đặc biệt, Liên minh châu Âu yêu cầu Hungary thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập cũng như cải thiện tính minh bạch trong việc phân bổ những hợp đồng của chính phủ, dĩ nhiên đề xuất này chưa được đáp ứng.
Việc chặn khoản tiền tài trợ không chỉ giới hạn trong trường hợp nói trên, khi Liên minh châu Âu đã đóng băng số tiền lên tới khoảng 19 tỷ euro dự kiến sẽ phân bổ cho Hungary.
Ngoài vấn đề liên quan pháp quyền, Brussels còn nêu lên mối lo ngại về vi phạm nhân quyền, tuân thủ luật tị nạn và một số nghĩa vụ khác với tư cách thành viên Liên minh châu Âu.
Quyết định nói trên của EU là diễn biến gây căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ giữa Brussels và chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban.
Nhà lãnh đạo Hungary đã nhiều lần bị các cơ quan châu Âu chỉ trích vì có xu hướng độc đoán trong việc điều hành đất nước, hạn chế quyền tự do báo chí cũng như vi phạm nhân quyền.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Orban vẫn tiếp tục theo đuổi cái mà ông gọi là bảo vệ chủ quyền quốc gia, điều này thường đi ngược lại các chính sách chung của EU.
Ủy ban châu Âu nhấn mạnh rằng nguồn tài trợ dự kiến phân bổ cho nước này chỉ có thể được giải phóng khi Hungary đáp ứng tất cả các điều kiện cần thiết, theo đúng yêu cầu của Liên minh châu Âu.
Những yêu cầu bao gồm những cải cách sâu rộng nhằm đảm bảo sự độc lập của cơ quan tư pháp, tăng cường kiểm soát chống tham nhũng và duy trì các tiêu chuẩn liên quan đến quyền của người tị nạn và người thiểu số.
Trong trường hợp Hungary kiên quyết không chấp nhận yêu cầu từ EU và duy trì chính sách thân Nga của mình, Budapest có thể được gợi ý rời khỏi EU và thậm chí cả NATO.
Mặc dù vậy viễn cảnh trên khó lòng xảy ra, bởi người dân Hungary khó lòng chấp nhận đất nước rơi vào tình cảnh trên, rõ ràng Thủ tướng Viktor Orban đang đối diện sức ép cực lớn, có nguy cơ phải rời bỏ cương vị đã đảm nhiệm trong thời gian dài vừa qua.