Phi đội tiêm kích F-35 hùng hậu của Israel không phải để nhắm vào cơ sở hạt nhân Iran

ANTD.VN - Không quân Israel vừa chính thức đặt mua phi đội tiêm kích F-35 thứ ba, điều này gây ra lo ngại của giới quan sát về một cuộc tấn công tiềm tàng vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên cuối cùng thì giới chức Israel đã lên tiếng bác bỏ nghi vấn này, khẳng định rằng Iran chưa vượt qua "lằn ranh đỏ".

Israel có kế hoạch nâng cao năng lực quân sự bằng cách bổ sung 25 tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II trị giá khoảng 3 tỷ USD (có phần viện trợ của Mỹ)

Đây sẽ là phi đội F-35I Adir thứ ba của Không quân Israel, khẳng định ưu thế trên không vượt trội của Tel Aviv. Hiện tại Israel đã có 50 chiếc F-35, 36 trong số đó hoạt động kể từ năm 2018.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã phê chuẩn việc mua sắm theo khuyến nghị của Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) - Trung tướng Herzi Halevi và Tư lệnh Không quân Israel - Thiếu tướng Tomer Bar.

Thư yêu cầu chính thức sẽ được Bộ Quốc phòng Israel gửi tới Mỹ. Bước đi trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê duyệt và ký kết thỏa thuận trong những tháng tới.

Là một phần của hợp đồng, hai nhà sản xuất Lockheed Martin và Pratt và Whitney sẽ hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Israel để chế tạo các bộ phận máy bay.

Ông Joshua Shiki Shani - Giám đốc điều hành của chi nhánh Lockheed Martin tại Israel, bày tỏ niềm tự hào trong việc hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Israel thông qua các tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35I Adir.

Một số công ty của Israel đóng góp vào công nghệ của F-35I như Elbit Systems và Rockwell Collins sản xuất mũ bảo hiểm, còn IAI sản xuất cánh. Đến năm 2034, IAI có kế hoạch chế tạo 811 cặp cánh cho F-35A trong các hợp đồng trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Phi đội F-35 thứ ba đã được lên kế hoạch trong nhiều năm, Không quân Israel cũng đang hiện đại hóa đội máy bay tiếp dầu của mình với những chiếc KC-46A và trực thăng CH-53K mới.

Việc Israel tăng cường năng lực quốc phòng trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể sẽ diễn ra.

Mặc dù vậy, Cố vấn an ninh quốc gia Israel - ông Tzachi Khanegbi cho biết, Tel Aviv vẫn chưa tiến gần đến việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, do đây là thời điểm các cuộc đàm phán giữa Tehran và Washington nhằm giảm bớt căng thẳng đang được xúc tiến.

Ông Khanegbi nói thêm vẫn chưa rõ kết quả những cuộc đàm phán mà Hoa Kỳ đã gián tiếp tiến hành với Iran trong những tuần gần đây nhằm xác định các bước đi có thể tiến tới việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran và giảm căng thẳng.

Đồng thời chính trị gia Israel lưu ý rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ không có tính ràng buộc đối với họ, khi Tel Aviv khẳng định Iran đang tiến gần tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân và xem đây là mối đe dọa đối với sự tồn tại của mình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Israel tiến gần đến mức nào trong việc quyết định tấn công Iran, ông Khanegbi nói: "Chúng tôi không tiến gần đến điều này bởi vì phía Iran đã dừng lại một thời gian và họ chưa làm giàu Uranium đến mức bị coi là giới hạn đỏ".

"Tuy nhiên Israel sẵn sàng làm như vậy nếu cảm thấy cần thiết để bảo vệ mình khỏi bị hủy diệt", cố vấn an ninh Khanegbi nói thêm.

Cần nhớ lại rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đặt ra một "lằn ranh đỏ", đó là quá trình làm giàu Uranium của Iran lên đến mức 90%.

Trong vài năm qua, Tehran đã tăng mức độ làm giàu Uranium lên tới 60%. Mặc dù con số 84% đã được công bố trước đó, nhưng chúng không nhận được khẳng định rõ ràng.