Phát triển rau an toàn, bài toán nhìn từ cung- cầu

ANTD.VN - Nhu cầu tiêu thụ rau xanh trên địa bàn Hà Nội tăng qua từng năm, nhất là nhu cầu về rau, củ an toàn nhưng lượng đáp ứng được còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, người trồng rau an toàn cho thu nhập cao nhưng kém ổn định, vẫn khó cạnh tranh với rau, củ trồng theo quy trình thông thường.

Rau an toàn dễ đi vào bếp ăn tập thể

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng cho biết, xã Duyên Hà có diện tích trồng rau lớn, với 54,7ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 20ha; sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3.000 tấn/năm, chủ yếu là các loại rau theo mùa, như: Cà chua, súp lơ, bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống...

Hợp tác xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, thành phố mở các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh gây hại tổng hợp, tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, 100% phân bón là phân sinh học, phân gà ủ, thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng các chế phẩm sinh học hoặc làm thủ công (làm cỏ, bắt sâu bọ bằng tay).

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp khoảng 3,5 tấn rau trực tiếp đến các khách hàng, trong đó có 2 siêu thị Lotte và 21 siêu thị trong chuỗi Go, Tops; 4 công ty, nhà máy; 18 trường học và 3 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, các thành viên tham gia hợp tác xã phải tuân thủ 4 đúng trong sản xuất rau an toàn, như: Đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách. Hằng năm, hợp tác xã cũng thường xuyên tập huấn nông dân về kỹ thuật gieo trồng, canh tác bảo đảm quy trình VietGAP, GlobalGAP; về hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy chuẩn cần thiết.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Xuân Trường cho biết, sản lượng rau của thành phố đạt hơn 700.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,9%/năm. Chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với hơn 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Hiện tại, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định 5.451,8ha, với năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn, với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...; cho giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20 đến 30%.

Diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội còn khá khiêm tốn

Diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội còn khá khiêm tốn

“Để bảo đảm chất lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường, hằng năm, Chi cục đều phối hợp với các địa phương chuyển giao nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật trong canh tác rau an toàn, như: Sử dụng vải không dệt che phủ trên rau ăn lá (màng phủ Passlite), hạn chế rau dập nát vào mùa mưa, giữ ấm cho rau vào mùa đông; sử dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu gây hại…

Cùng với đó, xây dựng và duy trì vận hành 46 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm, có sự tham gia PGS, với diện tích 1.942ha. Đây là hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, sản xuất theo chuỗi, đã tạo được lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến tận hộ”, ông Lê Xuân Trường cho biết thêm.

An toàn nhưng khả năng cạnh tranh thấp

Dù vậy, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn còn khó khăn do thị trường tiêu thụ rau an toàn chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Số lượng hợp tác xã sản xuất rau, nhất là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất rau hiện có; việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; đồng thời, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Rau an toàn thường được các bếp ăn tập thể lựa chọn

Rau an toàn thường được các bếp ăn tập thể lựa chọn

Để mở rộng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây rau; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ. Cùng với đó, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các địa phương cần siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp, phân bón, đánh giá sự phù hợp của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn để ứng dụng đối với sản xuất rau an toàn, bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường.