Mô hình cộng đồng giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm tồn dư thuốc trên nông sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc sử dụng thuốc BVTV vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng đúng loại thuốc BVTV và đảm bảo liều lượng chưa được đảm bảo. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường khó tính hay bị trả về hoặc buộc phải thu hồi, tiêu hủy.

Sử dụng thuốc BVTV chưa được kiểm soát tốt

Thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho thấy, số liệu từ các địa phương trong 3 năm gần đây (2020-2022) tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần qua các năm từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, thuốc BVTV có vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ước tính của tổ chức FAO, tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn thế giới hiện nay khoảng 40%. Việc sử dụng thuốc BVTV đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35-42%.

Trên thế giới và ở Việt Nam, thuốc BVTV vẫn được sử dụng như là một trong những biện pháp để phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trong nông nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế nhất.

Dù vậy, việc sử dụng thuốc BVTV chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng đúng loại thuốc BVTV và đảm bảo liều lượng vẫn chưa được đảm bảo. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường khó tính hay bị trả về hoặc buộc phải thu hồi tiêu hủy do còn dư lượng thuốc BVTV.

Mới đây nhất, 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thu được những kết quả tích cực trong năm 2023

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thu được những kết quả tích cực trong năm 2023

Theo đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Còn lô hàng ớt có tổng trọng lượng hơn 4 tấn, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất, phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm. Trước vi phạm trên, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy.

Phát triển rau an toàn cộng đồng cùng tham gia giám sát

Trước thực tế nêu trên, để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu kiểm soát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phát triển và duy trì mô hình cộng đồng cùng tham gia giám sát đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển các mô hình trồng rau an toàn

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển các mô hình trồng rau an toàn

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội duy trì, phát triển, vận hành 49 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của cộng đồng (PGS) tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

Để làm được việc này, Chi cục tổ chức các lớp học đồng ruộng, tập huấn ngắn hạn theo quy trình kỹ thuật để nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất rau an toàn và quy định về an toàn thực phẩm cho nông dân với nhiều hình thức như: Huấn luyện dài hạn thông qua các lớp học đồng ruộng về IPM (thời gian 3-5 tháng); hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhận diện loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật không hướng dẫn trên rau; chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, bẫy dẫn dụ côn trùng…).

Đến nay, các nhóm sản xuất rau an toàn tự quản bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hoạt động tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân; tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học chiếm khoảng 60%, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm còn 50%.

Tiếp tục nhân rộng mô hình này, từ tháng 4 đến tháng 12/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thực hiện duy trì giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức).

Bên cạnh hiệu quả, việc triển khai chương trình này còn khó khăn do diện tích nhỏ, cán bộ cơ sở một số xã, phường chưa phát huy hết trách nhiệm trong kiểm soát an toàn thực phẩm ở cơ sở, ngại va chạm... nên việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế. Chính quyền địa phương chưa quyết liệt xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã rau an toàn và nông dân chưa chặt chẽ.

Để nhân rộng mô hình này, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP theo phân công, phân cấp, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm...