Phát hiện sai phạm tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

ANTĐ - Hôm qua, 10-1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố một số kết quả thanh tra trong quý IV-2012. Tại buổi họp báo, TTCP đã công bố kết luận thanh tra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), thanh tra một số hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, việc đầu tư, xây dựng Quốc lộ 51...

Theo kết luận của TTCP, từ 2008-2010, VDB chưa thực hiện đúng các nguyên tắc huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp; chưa có giải pháp chủ động trong việc cân đối giữa huy động và sử dụng vốn, dẫn đến tình trạng vốn đã huy động nhưng không sử dụng, còn tồn lớn. Điều này dẫn đến việc sử dụng vốn kém hiệu quả, tăng chi phí nghiệp vụ ngân hàng. 

Cũng theo kết luận thanh tra, nợ xấu của VDB tính đến 31-12-2010 là 22.664 tỷ đồng, chiếm 12,57% tổng dư nợ. Trong đó, có 3.790 tỷ đồng cho Vinashin vay. Qua kiểm tra hồ sơ, TTCP đã phát hiện các dạng sai phạm như cho vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích; thẩm định cho vay vốn chưa chính xác, sai căn cứ, vi phạm về tài sản đảm bảo, giải ngân; có 38 khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích lên tới 7.339 tỷ đồng; 35 dự án đóng mới tàu biển, tàu sông... có tổng dư nợ lớn 2.509 tỷ đồng tính đến 30-6-2011 nên nhiều khả năng mất vốn.

Liên quan đến vụ sai phạm trong dự án mua tàu để kinh doanh vận tải kết hợp với huấn luyện của Đại học Hàng Hải, TTCP phát hiện có vụ thẩm định giá sai, mua tàu cũ với giá cao hơn giá trị trong sổ sách trên 2,1 triệu USD. TTCP đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT kiểm điểm cá nhân, tổ chức, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, thất thoát thì chủ động chuyển công an tiếp tục điều tra, xử lý.

Tại cuộc thanh tra ở Đại học Quốc gia Hà Nội, TTCP cho biết, hiện đã có kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc thanh tra này cũng đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. TTCP đã đề nghị yêu cầu ĐHQG Hà Nội nộp trên 21,37 tỷ đồng do đã chỉ đạo các đơn vị trích nộp trái quy định về ngân sách Nhà nước. ĐHQG Hà Nội cũng được yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm về việc ban hành các văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị trực thuộc liên kết với nước ngoài trái thẩm quyền; vi phạm điều kiện tuyển sinh, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học...

Ông Ngô Văn Khánh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan điều tra và thanh tra giám sát ngân hàng tiếp tục làm rõ những vấn đề sai phạm tại đây. Cụ thể là việc ĐHQG Hà Nội chuyển tiền cho một trường đại học của Mỹ qua tài khoản mở tại Singapore có đúng quy định của pháp luật hay không? Ông Ngô Văn Khánh nói: “Việc có công nhận bằng cấp của các học viên tham gia hệ đào tạo hệ cử nhân và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh theo hình thức liên kết tại Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm - thuộc ĐHQG Hà Nội - hay không đang thu hút sự chú ý của dư luận. Việc đó Thủ tướng đã giao Bộ GD-ĐT quyết định biện pháp phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các cử nhân, thạc sĩ tham gia các khóa học. Đồng thời, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm kiểm tra các khoản thu chi, Bộ GD-ĐT được yêu cầu chỉ đạo, giám sát việc kỷ luật kiểm điểm các cá nhân liên quan và có biện pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm công tác đào tạo đại học và sau đại học tại ĐHQG Hà Nội”.

Về việc thanh tra ngân hàng VDB, ông Ngô Văn Khánh nói, TTCP đã phát hiện nhiều sơ hở, bất cập trong hoạt động của ngân hàng này. Ông nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề cơ chế, chính sách của VDB. Ngân hàng này chỉ có hội đồng quản lý, không có hội đồng quản trị như các ngân hàng khác. Trong hội đồng quản lý có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Chúng tôi cũng có kiến nghị xem xét, làm rõ vấn đề trách nhiệm, quy trình quản lý, việc phân định trách nhiệm thẩm định cho vay...”.

Dự kiến, năm 2013, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, thanh tra công tác quản lý việc tạm nhập, tái xuất của Bộ Công thương, thanh tra quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Cao Bằng, sử dụng vốn tại dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (trước đây là Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - HUD)...