Pháo tự hành bánh lốp Malva của Nga sẽ lấn lướt pháo Caesar của Pháp?

ANTD.VN - Truyền thông Nga cho rằng, pháo tự hành bánh lốp Malva của nước này là câu trả lời thích đáng đối với pháo tự hành Caesar. Đây là loại vũ khí do Pháp sản xuất, đang "làm mưa làm gió" trên thị trường vũ khí thế giới trong hai năm qua. 
Malva là pháo tự hành bánh lốp hiện đại của Nga. Loại vũ khí này đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, Giám đốc Tập đoàn vũ khí Uralvagonzavod, ông Aleksandr Potapov cho biết ngày 17/5.
“Malva sẽ sớm được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga”, ông Potapov cho biết bên lề Triển lãm Vũ khí MILEX-2023 ở Minsk, Belarus.
Hình ảnh đầu tiên của pháo tự hành bánh lốp Malva đã xuất hiện hồi tháng 10/2019.
Năm 2020, hệ thống pháo tự hành bánh lốp Malva lần đầu tiên được giới thiệu chính thức bởi Viện nghiên cứu Trung ương Burevestnik.
Các cuộc thử nghiệm của pháo tự hành bánh lốp Malva được lên kế hoạch vào năm 2021 và thử nghiệm từ đó tới nay.
Pháo tự hành bánh lốp đang trở thành xu thế trong các cuộc đấu pháo. Khi di chuyển trên đường bộ, phiên bản xe bánh lốp sẽ có lợi thế lớn về tính cơ động so với xe bánh xích. Khung gầm có bánh xe cũng giúp giảm chi phí lắp đặt và kéo dài tuổi thọ của vũ khí.
Pháo tự hành bánh lốp Malva được trang bị pháo 152mm 2A64, tương tự như loại được lắp đặt trên pháo tự hành bánh xích Msta-S.

Malva được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu - từ nhân lực và thiết bị bộ binh của đối phương ở tiền tuyến đến các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở hậu phương, ở khoảng cách lên đến 24km.

Khả năng di chuyển cơ động của pháo tự hành kiểu mới này được cung cấp bởi loại khung gầm mọi địa hình BAZ-6010-027 của Nhà máy ô tô Bryansk, với thiết kế bánh xe 8x8.
Việc lắp đặt pháo tự hành theo cấu trúc mở, không có giáp bổ sung hoặc tháp pháo giúp trọng lượng xe nhẹ hơn.
Với cơ số đạn 30 viên, trọng lượng của pháo tự hành bánh lốp Malva là khoảng 32 tấn, nhẹ hơn 1/4 so với khẩu pháo tự hành bánh xích Msta-S.
Nhiều khả năng trong tương lai, 2S42 Malva là phiên bản thay thế cho pháo tự hành bánh xích 2A65 Msta-B và 2S1 Gvozdika.
Theo Đại tướng Andrey Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng Dù Liên bang Nga, nếu quyết định trang bị pháo tự hành bánh lốp Malva cho các đơn vị sớm được chấp thuận, vũ khí mới này sẽ được biên chế dành riêng cho một lữ đoàn pháo binh chuyên biệt.
Kế hoạch thành lập đơn vị như trên đã được tư lệnh Lực lượng Dù công bố trước đó. Hiện nay, mỗi sư đoàn dù đều có một trung đoàn pháo binh, nhưng những năm gần đây không có đội hình quy mô lớn nào trực thuộc tư lệnh.
Giới phân tích cho rằng, vũ khí Nga nói chung và pháo tự hành bánh lốp Malva nói riêng đều rất mạnh về hỏa lực khi cho sức công phá lớn.

Trong tác chiến hiện đại, vũ khí chỉ có thể coi là hiệu quả khi kết hợp được sức mạnh của hỏa lực với hệ thống điện tử tiên tiến giúp đạt độ chính xác cao mỗi phát bắn.

Tuy nhiên hệ thống điện tử điều khiển hỏa lực trang bị cho lực lượng tăng thiết giáp và pháo binh cơ giới chưa bao giờ là thế mạnh của Nga khi so với phương Tây.

Vì vậy hãy còn quá sớm để nói rằng pháo tự hành bánh lốp Malva của Nga có thể đạt được tính năng tương tự như pháo Caesar do Pháp sản xuất.

Để đánh giá một loại vũ khí hiệu quả thì phải căn cứ qua hiệu suất thực chiến, điều này pháo Caesar đã làm rất tốt trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó pháo Malva của Nga vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được sản xuất loạt để biên chế chính thức.