'Pháo đài bay' Tu-22M3 Nga vì sao không thể tiến vào Syria đánh phiến quân?

ANTD.VN - "Pháo đài bay" Tu-22M3 cùng hàng loạt máy bay khác của Nga không thể tiến vào không phận Syria đánh phiến quân để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Assad. Được biết động thái này xảy ra do Thổ Nhĩ Kỳ đóng không phận với máy bay Nga. 
Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết các loại máy bay Nga bao gồm cả "pháo đài bay" Tu-22M3 không được bay qua Thổ Nhĩ Kỳ trên hành trình đến Syria do giấy phép hết hạn.

"Chúng tôi đã đóng cửa không phận với máy bay quân sự, cũng như máy bay dân sự Nga chở binh sĩ đến Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cấp giấy phép sử dụng không phận ba tháng một lần. Giấy phép mới nhất hết hạn trong tháng 4, khiến các chuyến bay phải ngừng lại", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hôm 23/4.

Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thông báo tình hình cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ông Cavusoglu nói thêm rằng, vấn đề nối lại sử dụng không phận sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán về Công ước Montreux, thỏa thuận quản lý giao thông hàng hải quốc tế ở Biển Đen.
Công ước Montreux bảo đảm quyền đi lại tự do với phương tiện hàng hải dân sự ra vào Biển Đen trong thời bình, nhưng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ cấm tàu chiến nước ngoài đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles, cửa ngõ giữa Địa Trung Hải và Biển Đen, trong thời chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO có chung bờ Biển Đen với cả Nga và Ukraine, đang tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với hai bên và đã nhiều lần đề nghị làm trung gian hòa giải xung đột.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh truyền thống của Ukraine và đã cung cấp cho nước này các máy bay không người lái Bayraktar TB2.

UAV Bayraktar TB2 hiện là một trong những vũ khí hiệu quả nhất trên chiến trường Ukraine, chúng gây cho quân Nga và lực lượng ly khai nhiều thiệt hại.

Tuy nhiên, Ankara cũng muốn duy trì quan hệ tốt với Nga do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt và doanh thu từ du lịch.

Tuy nhiên có vẻ thời gian gần đây Ankara đang muốn gia tăng một phần sức ép lên Moscow với hy vọng kéo các bên xích lại đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Việc cấm máy bay Nga vào không phận Syria là một điều bất lợi cho liên minh Nga-Syria.

Máy bay ném bom của Nga Tu-22M3 tuy có tuổi đời đã gần nửa thế kỷ nhưng vẫn là một “thế lực" đáng gờm trên bầu trời, với khả năng đánh chìm tàu sân bay.

Trong cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria, Nga đều sử dụng tới bộ ba máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của mình là Tu-160, Tu-22M3, Tu-95MS. Tuy nhiên nổi bật hơn cả là vai trò chủ đạo của những chiếc Tu-22M3.
Trong chiến tranh lạnh Tu-22 là nỗi ám ảnh cho Mỹ và NATO. Sở hữu khả năng bay nhanh cùng kho tên lửa phòng phú, phiên bản phát triển mới nhất Tu-22M3 được coi là nỗi ác mộng cho các tàu sân bay.
Nhận thấy những tính năng tuyệt vời của loại máy bay này, Trung Quốc nhiều lần ngỏ ý muốn mua, tuy nhiên Nga đã lắc đầu từ chối.
Tu-22M3 là phiên bản nâng cấp mới nhất, chúng có những thay đổi như cửa hút gió giống của MiG-25 và một mũi hếch đặt radar Leninets PN-AD.
Chiếc oanh tạc cơ này có kíp lái 4 người; chiều dài 41,46m; sải cánh 23,3m (cụp ở góc 65 độ), 34,28m (xòe ở góc 20 độ); chiều cao 11,05m.
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov NK-25 lực đẩy 245,2 kN; cho tốc độ tối đa Mach 1,88; tầm bay 7.000 km; trần bay 13 km.
Khối lượng rỗng của Tu-22M3 là 58 tấn, khối lượng cất cánh tối đa lên tới 126,5 tấn.
Dù có kích thước nhỏ hơn Tu-160 và Tu-95, chiếc oanh tạc cơ này vẫn có thể chở theo gần 24 tấn vũ khí. Một trong vũ khí đặc biệt nhất của Tu-22M3 chính là tên lửa Kh-32.
Với tầm bắn 1.000km, tốc độ bay siêu vượt âm 5.000km/h, tên lửa hành trình Kh-32 kết hợp với máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 là bộ đôi có thể đánh bại lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO.
Kh-32 là một trong những biến thể hiện đại hóa của dòng tên lửa chống hạm tầm xa Kh-22 chuyên diệt tàu sân bay do Liên Xô phát triển trang bị trên các dòng máy bay ném bom chiến lược như Tu-22M và Tu-95.
Trong quá khứ, hải quân Liên Xô từng có tới 10 trung đoàn Tu-22M. Mỗi trung đoàn có 20 chiếc Tu-22M với số lượng tên lửa Kh-22 được trang bị lên tới 60 quả. Đây được coi là nắm đấm thép của Liên Xô đối với các nhóm tàu sân bay của Mỹ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga thiếu nguồn kinh phí để duy trì phi đội máy bay này, cho tới những năm gần đây với sự hồi phục của kinh tế, Nga bắt đầu nâng cấp lên chuẩn Tu-22M3 trang bị tên lửa Kh-32.
Sự kết hợp giữa oanh tạc cơ Tu-22M3 và tên lửa Kh-32 sẽ mang lại sức mạnh gấp hai lần cặp Tu-22M và Kh-22.
Về cơ bản vai trò của Kh-32 trên Tu-22M3 cũng tương tự như đàn anh Kh-22 của mình nhưng nhiệm vụ của nó được mở rộng hơn khi có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau và đặc tính kỹ thuật cũng cao hơn.
Nga cho biết về cơ chế tấn công, sau khi Tu-22M3 bay lên tới tầng bình lưu, nó sẽ bay ngang, sau đó bất ngờ bổ nhào đến mục tiêu và phóng tên lửa Kh-32.

Kể từ khi Kh-32 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và radar, tính chính xác của loại tên lửa này đã ở vào thời kỳ đỉnh cao, không còn chỉ phụ thuộc vào dữ liệu GPS/GLONASS.

Tên lửa Kh-32 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 1.000 km, vận tốc 5.000 km/h.

Kh-32 có tốc độ bay nhanh, tính cơ động cao khiến các hệ thống phòng thủ và máy bay đối phương bất lực trước việc đánh chặn loại tên lửa này.

Bộ đôi máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 và tên lửa Kh-32 sẽ giúp Nga tiếp tục khẳng định sức mạnh không quân trong việc chống lại tàu sân bay cũng như các mục tiêu quan trọng của đối phương.