"Pháo đài bay" B-52 sẽ thành phế liệu nếu thiếu loại vũ khí này

ANTD.VN - Theo Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM), tướng John Hyten, máy bay ném bom B-52 Stratofortress sẽ không thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nếu không có tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa thế hệ mới (LRSO). 

“Nếu không có LRSO, B-52 sẽ trở nên vô dụng. Có hàng triệu nguyên nhân để LRSO là vũ khí cần thiết cho khả năng răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ và đó là điều tối mật”, tướng Hyten nói tại học viện Hudson vào hôm 20-9. 

Ý tưởng của tên lửa hành trình hạt nhân đó là khi chiến tranh nổ ra, các máy bay ném bom có thể phóng tên lửa ở khoảng cách cực xa và không nằm trong phạm vi bắn hạ của các hệ thống phòng không quân địch.

Theo ông Hyten, Mỹ mong muốn sử dụng B-52 như một phương tiện triển khai hạt nhân không chỉ 10 hay 20 năm nữa mà là đến những năm 2050. 

Tuy nhiên, loại tên lửa hành trình ALCM  AGM-86 được trang bị trên mẫu máy bay này được đánh giá là đã cũ, khó bảo dưỡng và gần như không thể sử dụng. 

Vào hồi tháng 8, không quân Mỹ vừa kí 2 hợp đồng trị giá 900 triệu USD với 2 nhà thầu quân sự Lockheed Martin và Raytheon nhằm phát triển tên lửa LRSO thế hệ mới.

Mỹ sẽ mua khoảng 1.000 tên lửa LRSO và trang bị nó trên máy bay B-52H Stratofortress, B-2A Spirit và loại B-21 Raider sắp ra mắt. 

Hiện nay, loại tên lửa có tầm bắn xa nhất của Mỹ chính là tên lửa hành trình tầm xa tàng hình AGM-129 nhưng phạm vi tấn công của nó chỉ đạt hơn 3.000km, nhỉnh hơn một chút so với loại tên lửa đã cũ của Nga là Kh-555 nhưng bằng một nửa tầm bắn của 2 loại tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến nhất của Nga là Kh-101 và Kh-102.

2 hợp đồng nghiên cứu mà không quân Mỹ mới kí với Raytheon và Lockheed Martin sẽ kéo dài 54 tháng. 2 nhà thầu này sẽ phát triển và thử nghiệm các công nghệ liên quan sau đó sẽ chỉ có một công ty được chọn để bước vào giai đoạn mới của chương trình sẽ bắt đầu vào năm 2022.