- Đổi mới sách giáo khoa cần đổi mới cả đội ngũ giáo viên
- Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lan truyền trên facebook
Học tiếng Anh hiệu quả phụ thuộc nhiều vào phương pháp giảng dạy của giáo viên
Cần đưa hình ảnh Việt Nam nhưng có mức độ
Đọc những góp ý của em Võ Thị Mỹ Linh với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về cách viết sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh cho học sinh tiểu học và so sánh với SGK này ở Nepal, một giáo viên phụ trách bộ môn này ở trường THCS Ngô Sỹ Liên bày tỏ đồng tình. “Hiện bộ SGK mới đang được thí điểm trong trường THCS Ngô Sỹ Liên đã giúp học sinh rèn được cả 4 kỹ năng, các chủ đề phong phú hơn nhưng quả thật còn một số bài chưa sát thực tế Việt Nam. Hình ảnh, văn hóa Việt Nam trong SGK mới có được đưa vào nhưng chưa nhấn mạnh”, giáo viên này cho biết.
Cũng theo cô giáo này, việc đưa hình ảnh, văn hóa Việt Nam vào SGK không những gây hứng thú cho học sinh mà còn giúp giáo viên dạy tiếng Anh, vốn không phải ai cũng có những trải nghiệm với văn hóa bản ngữ, sẽ có thể phát triển, đi sâu hơn khi nói về đất nước mình. Như vậy, tiếng Anh sẽ gần gũi hơn với giáo viên, học sinh Việt Nam.
Phân tích từ góc độ chuyên môn của mình, ông Nguyễn Phương Sửu, Phó Chủ tịch phụ trách đào tạo của Tập đoàn đầu tư quốc tế IIG Việt Nam lại cho rằng: “Viết SGK cho môn học nào cũng là việc khó. SGK cho môn Ngoại ngữ khó hơn ở chỗ nó không phải tiếng mẹ đẻ của người viết. Quan điểm nhất quán của tôi từ trước tới nay là không tự biên soạn mà chọn bộ sách của người bản ngữ soạn sẵn, phù hợp đối tượng và chỉ viết sách bổ trợ những gì liên quan đến văn hóa, đời sống của Việt Nam mà bộ sách đó thiếu, như điều cháu Linh mong muốn”.
Theo ông Nguyễn Phương Sửu, muốn giao tiếp được với người nói ngoại ngữ cần hiểu văn hóa, văn minh của nước đó. Do vậy tên riêng, địa danh, giới thiệu phong tục, lối sống... của nơi sử dụng ngoại ngữ đó là điều cần thiết cho giao tiếp thực tế sau này. Không hiểu biết văn hóa của nước đó, người học ngoại ngữ khi giao tiếp sẽ khó khăn. “Cho nên “Quê em ở London” không có gì sai. Việc truyền bá văn hóa quê nhà là cần thiết nhưng có nhiều cách thực hiện hiệu quả hơn là đưa ngay vào SGK dành cho học sinh tiểu học với vốn từ và cấu trúc ngôn ngữ còn hạn hẹp” - ông Nguyễn Phương Sửu phân tích. Muốn so sánh các bộ SGK với nhau cần nhiều hơn là so sánh mấy bài đơn lẻ, mà phải xem tính hệ thống/cấu trúc của bộ sách ấy có tốt không. Mỗi bộ sách có cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề và cấu trúc ngôn ngữ - văn hóa khác nhau. Ông Nguyễn Phương Sửu cho rằng: “So sánh, nhận xét của cháu Linh có chỗ đúng nhưng không đủ để kết luận về một bộ SGK”.
SGK mới xen kẽ nhiều thông tin, hình ảnh gắn với Việt Nam
Học tốt không chỉ nhờ SGK
Cùng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên trường Tiểu học Trưng Vương cho rằng, ở đây nên có sự phân biệt giữa cách làm sách tiếng Anh của một đất nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và một nước tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ bên cạnh nhiều ngoại ngữ khác. “Lồng ghép hình ảnh, con người, văn hóa Việt là điều cần làm nhưng cần có mức độ và chọn thời điểm phù hợp. Khi học sinh đã có vốn từ, nắm được cấu trúc câu, các bài đọc hiểu đề cập được nội dung trên sẽ phù hợp hơn” - cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh cho biết.
Bên cạnh đó, cô Lan Anh cho rằng vấn đề em Linh chỉ ra có thể là ở bộ SGK cũ, còn với SGK mới đã có sự đan xen các nhân vật, hình ảnh Việt và Anh. “Trường chúng tôi đang thực hiện thí điểm SGK tiếng Anh mới của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt với phiên bản II của SGK lớp 3 cho thấy sự vượt trội về nội dung, cấu trúc, đúc kết sau 3 năm thí điểm. Với giáo trình này, học sinh rất thích thú và hoàn toàn phát triển được cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt chú trọng 2 kỹ năng nghe và nói..
Từ thực tế giảng dạy hơn 20 năm bộ môn tiếng Anh trong trường tiểu học, cô Nguyễn Thị Lan Anh nhận định, SGK chỉ là một tài liệu để giáo viên giảng dạy, bên cạnh đó là phương pháp, kỹ năng giảng dạy, vận dụng hình thức trò chơi phù hợp. “Bên cạnh một bộ SGK tốt, ở bậc tiểu học, các tiết học cần sôi nổi, sinh động để không nhàm chán, có lồng ghép trò chơi, bài hát, bài thơ hay kể chuyện... Với tôi, nhiều tiết học các con cảm thấy mình đang chơi nhưng vẫn nắm được kiến thức cần thiết. Giờ học hứng thú và hiệu quả phụ thuộc nhiều vào giáo viên chứ không phải chỉ là SGK”.
Không nên dùng 1 bộ SGK duy nhất
Theo ông Nguyễn Phương Sửu, chúng ta không nên quá quan trọng hóa SGK, càng không nên có một bộ duy nhất. “SGK không phải là Kinh thánh cho thầy cô và học trò. Vấn đề là khả năng khai thác và sử dụng tài liệu trên cơ sở là SGK. Báo chí, phim ảnh, hoạt động ngoại khóa... đều quan trọng không kém giờ trên lớp với bộ sách cứng nhắc”, ông Nguyễn Phương Sửu nhấn mạnh.