Phạm Tiến Duật - người bạn tri âm

ANTĐ - Anh Duật (nhà thơ Phạm Tiến Duật) ra đi sau cha tôi 5 tháng. Còn nhớ hôm cha tôi mất, tôi trằn trọc thao thức không ngủ được, khoảng gần 4 giờ sáng chuông điện thoại reo, không hiểu ai gọi điện thoại mà sớm thế. Nhấc máy lên nghe, một tiếng nói nhẹ nhàng ở đầu dây: “Hiền ơi, anh Duật đây”, tôi sững người kêu: “Ối! anh Duật, sao anh gọi điện thoại cho em sớm thế?”. Anh Duật nói “Bác Kim Lân mất, buồn quá anh chẳng ngủ được, đang ngồi viết bài về bác - về thầy Kim Lân đây. Anh muốn hỏi em một số chi tiết để bài viết cho chính xác”.

Thế là hai anh em nói chuyện, anh hỏi gì tôi trả lời, xong đặt điện thoại xuống được một lúc lại thấy chuông reo, anh Duật gọi lại, tưởng anh cần hỏi gì thêm, hóa ra anh bảo “chỉ muốn tâm sự với em một lúc thôi”. Tôi bảo: “Vâng em đang buồn quá cũng không ngủ được”.

Anh nói: “Hiền ạ, độ này chẳng hiểu sao họng anh đau lắm, nhiều lúc đau không ngủ được”.

Anh em đã lâu không gặp nhau, 4 giờ sáng, anh gọi điện thoại cho tôi để nói anh đang bị bệnh, chẳng biết nói gì với anh, bỗng nhiên thấy lòng vô cùng thương cảm, nghẹn ngào, chỉ nói được một câu: “Anh phải giữ gìn sức khỏe nhé, không được làm việc quá sức đâu”. Anh Duật nói: “Ừ anh biết rồi, anh sẽ cố gắng”, rồi dập máy.

Chỉ ít lâu sau biết tin anh nằm viện, gọi điện thoại ra thăm, anh em còn nói chuyện được với nhau một lát,  thế mà loáng cái anh đã nằm hôn mê, tôi nhắn tin ra cho anh: “Anh Duật ơi, em Hiền đây, anh cố gắng lên nhé, bạn bè quý mến anh luôn ở bên cạnh anh. Cầu mong anh khỏe mạnh trở lại, anh phải cố gắng lên không được nản chí đâu, anh còn phải làm nhiều thơ nữa cơ mà. Bạn bè và mọi người luôn ở bên cạnh anh đấy, anh không được phụ lòng!”. Tôi nhờ người ở bệnh viện đọc tin nhắn đó của tôi cho anh nghe lúc anh đã hôn mê, chẳng hiểu anh có nghe được lời tôi muốn nói không. Thế mà anh ra đi đã được 5 năm rồi.

Lại nhớ những năm tôi công tác ở Tạp chí Thanh Niên, lúc đó phụ trách mảng nghệ thuật, trình bày Mỹ thuật, do tôi muốn đổi mới nên đề xuất ý kiến Tạp chí Thanh Niên phải tươi trẻ, phải dùng văn hóa, nghệ thuật phục vụ lớp thanh niên trẻ ở khắp mọi vùng miền của Tổ quốc mới hấp dẫn và dễ đi vào lòng người được. Cuối cùng đề xuất của tôi được chấp thuận. Ban biên tập cho tôi nguyên một nửa tờ tạp chí, phần đầu vẫn in các nghị quyết của Đảng, của Đoàn, nửa tờ còn lại được dành cho ảnh thời sự, văn, thơ, nhạc, họa,…  Thế là hàng loạt tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, những bản nhạc, tranh ký họa, ảnh chụp từ chiến trường gửi ra, đến sinh hoạt của người dân lúc đó đều được đưa vào tạp chí, rôm rả hẳn lên. Các anh Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lê Minh Khuê, Nguyễn Khắc Phục, Hồng Đăng, Huy Du, Nguyễn Văn Tý, Đinh Quang Thành, Đoàn Công Tính, Mai Nam, Đỗ Huân… dập dìu qua lại. Tôi đã gặp anh Phạm Tiến Duật từ thời đó, và đã đưa rất nhiều bài thơ của anh vào tạp chí tôi làm minh họa.

Hai anh em thật nhiều kỷ niệm, thơ anh in ra ở tạp chí được nhiều độc giả các nơi từ chiến trường miền Nam, bộ đội, thanh niên xung phong, thanh niên các tỉnh, các vùng miền khắp Bắc Trung Nam gửi về khen ngợi thơ anh và khen ngợi tạp chí đẹp, nội dung phong phú, khí thế sôi nổi hào hùng, chúng tôi cảm thấy được chia sẻ, khích lệ nên phấn khởi, say mê vô cùng. Đùng một cái bài thơ “Vòng trắng” của anh bị phê bình, hai anh em được một phen thấm thía. Sau này gặp lại lúc nào anh cũng nhắc tôi về kỷ niệm thời đó, và lúc nào cũng nói thêm một câu: “Hai anh em đã chia sẻ cùng nhau nhiều chuyện nhỉ!”.

Nhớ hôm ra Hà Nội – Đài truyền hình muốn làm một phóng sự về tôi, rủ anh Nguyễn Khắc Phục, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật ra hồ Gươm uống nước, tôi hỏi anh Duật nếu Đài truyền hình muốn phỏng vấn, anh nói cảm nghĩ của anh về em được không?. Anh trả lời ngay “Ai chứ Hiền thì anh đồng ý ngay. Anh biết Hiền từ những năm trước 1970 kia mà, anh em mình đã chia sẻ bao nhiêu chuyện rồi còn gì, những bài thơ của anh và những minh họa em vẽ ở Tạp chí Thanh Niên cho thơ anh rất đẹp và anh rất thích, anh còn giữ đến bây giờ đấy”. Tôi thật sự cảm động khi nghe anh nói vậy, cũng không ngờ anh còn giữ những minh họa đó của tôi, những minh họa mà qua năm tháng tôi chẳng còn nhớ mình đã vẽ thế nào.

Hôm đó anh Duật tới chỉnh tề trong bộ comple sậm màu bồ quân kẻ sọc, ve áo đeo một huy hiệu đỏ tươi lấp lánh, thắt cravat đỏ, giầy đen láng bóng rất trịnh trọng. Hồ Gươm vào thu, mấy anh em ngồi ở bờ hồ uống cà phê cười nói rổn rảng, anh Chu, anh Phục, anh Duật nhắc lại thưở tôi làm ở Tạp chí Thanh Niên và những kỷ niệm giữa những anh em, bạn văn nghệ một thời, chúng tôi thường gặp nhau, trao đổi với nhau, cho nhau xem những sáng tác mới của mình, nghe thơ, đọc sách, xem tranh và nói với nhau những ý tưởng sáng tác sắp tới về thời cuộc, về chiến tranh, về thế giới, về những mơ ước lớn lao… Hồi đó gặp nhau để cho nhau xem một sáng tác mới, nói với nhau những suy nghĩ mới như là một nhu cầu bức thiết, tạo cảm hứng, khích lệ nhau trong sáng tạo. Chúng tôi lúc đó ai cũng còn trẻ quá, hăng say, đam mê nhiệt huyết, thân thương nhau vô cùng.

Khi anh trả lời phỏng vấn về tôi trên truyền hình, anh nói nhiều, nhưng có một câu mà tôi nhớ mãi: “Ở Hiền bộc lộ một nội tâm rất đa dạng, những hình khối, màu sắc thay đổi trong tranh, không phải hình khối màu sắc thay đổi mà chính là cảm hứng, cảm hứng thay đổi tạo nên sự đa dạng trong tranh Nguyễn Thị Hiền”.

Đúng, chính là cảm hứng, cảm hứng thay đổi tạo nên sự đa dạng phong phú sống động trong nghệ thuật. Tôi nghĩ không phải anh nói về tôi, mà là nói về quan niệm sáng tác nghệ thuật chung của những người làm nghệ thuật.

Anh là người đã đi nhiều, con người anh, tâm hồn anh, cảm hứng của anh đã gắn liền, sát cánh, chia sẻ với một thời chiến tranh hào hùng của dân tộc, cảm hứng của anh đã đi chung với cảm hứng của cả một thế hệ những chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong trên dọc Trường Sơn, anh – một nhà thơ, một chiến sỹ, đã chắt lọc những cảm xúc của mình thành những câu thơ đi sâu vào lòng người theo suốt dải Trường Sơn, hòa chung vào khí thế hào hùng tạo thành một bản anh hùng ca trong một giai đoạn lịch sử của đất nước. Nói đến dải Trường Sơn và hơn 50 năm ngày ra đời của con đường mòn Hồ Chí Minh, không thể không nhớ đến “Trường Sơn đông Trướng Sơn tây” của anh - nhà thơ, người lính Trường Sơn, Phạm Tiến Duật.