Phải tạo cơ hội cho sinh viên

ANTĐ - ĐH FPT vừa đưa ra con số thống kê 99% sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp và 15% sinh viên làm việc tại nước ngoài với mức lương khởi điểm trung bình hơn 8 triệu đồng sau khi bắt tay với doanh nghiệp điều chỉnh giáo trình đào tạo. ĐH Đà Nẵng vừa ký kết hợp tác với ĐH Aston Anh và Rolls Royce trong dự án giáo dục trị giá 100.000 bảng Anh về liên kết doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho sinh viên… Những liên kết này đang tạo đà cho sinh viên tiếp cận việc làm sớm.

Doanh nghiệp tích cực bắt tay với đại học để giải quyết bài toán khát nhân lực

Mục tiêu trên 90% sinh viên có việc làm

Nhằm tăng cường các cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ĐH Đà Nẵng, PGS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với kinh phí tài trợ ban đầu 50.000 bảng Anh từ Rolls-Royce, dự án Trung tâm Lãnh đạo Doanh nghiệp tại ĐH Đà Nẵng sẽ được khởi động vào tháng 10 tới. Dự án này mở ra cơ hội cho sinh viên Việt Nam học tập kinh nghiệm và làm việc thực tế tại tập đoàn nước ngoài ngay tại Việt Nam. Ông Trần Văn Nam khẳng định, vấn đề đẩy mạnh tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là chiến lược không chỉ của một trường mà là của nền giáo dục ĐH nước ta hiện nay. Theo thống kê của trường này, sau khi ra trường một năm, 78% sinh viên của trường đã có việc làm. “Chúng tôi kỳ vọng tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm thông qua liên kết với các doanh nghiệp. Trước mắt, với thỏa thuận hợp tác giáo dục vừa được ký kết, chúng tôi sẽ phấn đấu sinh viên chuyên ngành  thuộc lĩnh vực hợp tác sẽ đạt tỷ lệ 90% có việc làm sau tốt nghiệp” – ông Trần Văn Nam chia sẻ.

Một trong những trường có lợi thế về hợp tác với các doanh nghiệp là ĐH FPT khi sẵn có mối quan hệ với các công ty cùng tập đoàn hoặc cùng chuyên ngành. Tận dụng lợi thế này, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong cho hay, các doanh nghiệp đã hợp tác với nhà trường trong việc xây dựng giáo trình giảng dạy, nhằm cung cấp cho họ đội ngũ phù hợp với nhu cầu. Ông Nguyễn Xuân Phong cho biết: “Chỉ tiêu của nhà trường đặt ra là sinh viên phải có việc làm. Tính tới thời điểm này, đã có 5 khóa sinh viên ra trường, trong đó có 99% sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp và 15% sinh viên làm việc tại nước ngoài. Hiện tại, mức lương khởi điểm trung bình của các em sau 3 tháng tốt nghiệp là 8,2 triệu đồng, một mức lương không tồi với các tân kỹ sư trong bối cảnh hiện nay”.

ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng “đắt hàng” không kém với thế mạnh đào tạo chuyên ngành của mình khi các sinh viên chuyên ngành quản lý đất đai, thú y, chăn nuôi cứ ra trường là “hết sạch” trước nhu cầu tuyển dụng lớn của các doanh nghiệp. Theo lãnh đạo nhà trường, việc các công ty liên kết với trường ĐH Nông nghiệp không chỉ dừng lại ở các buổi tuyển dụng mà trải suốt quá trình đào tạo với các hoạt động thường xuyên và thực chất như cấp học bổng, cấp chỗ thực tập từ đó đưa ra cơ hội việc làm. 

Bắt tay để thỏa cơn khát nhân lực chất lượng cao

Đưa ra nhận xét về sinh viên Việt Nam khi tham gia thỏa thuận hợp tác giáo dục, ông David Priestley - Giám đốc điều hành Rolls-Royce tại Việt Nam cho rằng, thanh niên Việt Nam rất ham học hỏi và tin rằng học tập là con đường để có một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, không nhiều sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng đủ các điều kiện của doanh nghiệp vì họ không có cơ hội tham gia vào những dự án thực tế khi đi học. “Chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác này sẽ  trang bị cho các em kỹ năng và khả năng mà thị trường đòi hỏi. Ngoài ra, việc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo là nền tảng giúp Rolls-Royce giữ vững vị trí hàng đầu”  – ông David Priestley cho biết.

Tham gia vào buổi tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên trường ĐH FPT, ông Hoàng Mạnh Hà, Phó Giám đốc Đơn vị phần mềm chiến lược 1, FPT Software cho biết, phát triển nguồn lực phục vụ cho việc tăng trưởng là vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp CNTT, trong đó có FPT Software. Theo ông Hoàng Mạnh Hà, trong năm 2013, FPT Software sẽ tuyển khoảng 2.000 vị trí. Tuy nhiên, nguồn lực chất lượng cao lại khá khan hiếm. Trong khi đó, FPT Software phải cạnh tranh với nhiều công ty khác để có được cho mình những nhân sự xuất sắc, chính vì vậy việc liên kết với các trường ĐH sẽ là cầu nối hỗ trợ cho nhiều chiến dịch tuyển dụng nhân sự CNTT chất lượng cao của các công ty.

Trước đa số nhận xét về điểm yếu của sinh viên sau tốt nghiệp như khả năng ngoại ngữ  chưa tốt, đa số mới chỉ có kiến thức cơ bản, chưa có kinh nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng đưa ra điểm mạnh cho nhà tuyển dụng... ông Vũ Tuấn Đức, Trưởng phòng Thiết kế phần mềm – Trung tâm Công nghệ Viettel R&D, thường xuyên phải tham gia công tác tuyển dụng cho biết, không nên nôn nóng đổ lỗi cho đào tạo trong trường học mà các nhà tuyển dụng cũng phải tích cực tạo cơ hội cho sinh viên dù thiếu kinh nghiệm thì mới có thể tìm được những cá nhân có năng lực thực sự. Ông Vũ Tuấn Đức cho biết, sẵn sàng nhận những sinh viên chưa thực sự phù hợp nếu chỉ thể hiện qua hồ sơ tuyển dụng nhưng khi tạo cơ hội tiếp cận công việc thực tiễn trong 2 tháng thì công ty vẫn tìm kiếm được những ứng viên thực thụ trong số những sinh viên này.