Phòng, chống tham nhũng:

Phải kiểm soát bằng được thu nhập

ANTĐ - Hôm qua, 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo với các quyết định hành chính về đất đai. Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Số vụ khiếu nại đất đai tăng nhanh vài năm trở lại đây

Hơn 1,2 triệu khiếu nại, tố cáo!

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong đó đơn thư KNTC liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Kết quả giải quyết KNTC đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ KNTC đúng và KNTC có đúng có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Qua đó, có thể thấy việc KNTC của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý hỏi: “Các báo cáo luôn nêu đã cố gắng và tiến bộ rất nhiều - mà tại sao khiếu nại tố cáo về đất đai hàng năm vẫn sai tới 70%? Đây là lĩnh vực rất bức xúc hiện nay mà báo cáo lại bình bình như thế này?!”.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng cho rằng, kết luận  trong báo cáo giám sát rất chung chung, chưa có giải pháp giải quyết những khó khăn hiện nay. Bà đề nghị: “Chúng ta đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Do vậy, phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan giải quyết KNTC. Vấn đề này đã được quy định nhưng chưa mang tính ràng buộc thực sự và còn thiếu chặt chẽ”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, phải có biện pháp giải quyết bằng được những bức xúc, tồn đọng liên quan tới lĩnh vực đất đai hiện nay. Ông nói: “Không thể để tình trạng dân KNTC suốt ngày suốt đêm và cho là chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng...”.

Lo lắng vì “khiếu nại tố cáo ngày càng nhiều, số vụ đông người ngày càng tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân gây bất ổn cho xã hội...”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau giám sát, cần yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại tất cả các quyết định sai để xử lý, với dân thì phải đền bù, với cán bộ thì phải tìm ra địa chỉ sai ở đâu để xử lý thấu đáo...

Hạn chế “hô khẩu hiệu”

Chiều 18-9, UBTVQH nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). UB Tư pháp - cơ quan thẩm tra, yêu cầu kiên quyết khắc phục tính hình thức, “khẩu hiệu” trong các quy định; bảo đảm các quy định phải phù hợp với thực tiễn, nhất là phải toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Đáng lưu ý, liên quan đến quy định về tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng, dự thảo Luật quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.

Góp ý cho dự luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quy định về kê khai tài sản như dự thảo vẫn hình thức. Ông nhấn mạnh: “Cốt lõi là phải kiểm soát được thu nhập. Làm được điều này mới giải quyết được gốc tham nhũng. Mở rộng đối tượng kê khai cũng không có mấy tác dụng...”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, “mở rộng diện kê khai tài sản (cả người thân, ruột thịt của đối tượng kê khai) là không khả thi”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đồng tình với kiến nghị không nên cho chuyển vị trí công tác đối với cán bộ có dấu hiệu tham nhũng. Về quy định luân chuyển cán bộ để hạn chế tham nhũng, ông Ksor Phước đề nghị, “phải xét đến yếu tố chuyên môn”. “Một kế toán giỏi chuyển sang làm văn thư thì không được. Nên chăng chỉ quy định luân chuyển vị trí lãnh đạo...” - ông Ksor Phước ví dụ. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Những vấn đề cần sửa và đã rõ, đã đồng thuận thì sửa, những việc dù cần sửa, nhưng chưa thật rõ cơ sở pháp lý thì chưa làm”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đồng tình cao với hầu hết các nội dung được nêu trong Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp và lưu ý các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp, pháp luật.