Phải hạ nhiệt “vùng biển nóng”

ANTĐ - Các vụ tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đe dọa tới kinh tế toàn cầu. Lời cảnh báo trên được bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mới đây tại thành phố Vladivostok ở Viễn Đông, Nga. 

Phải hạ nhiệt “vùng biển nóng”  ảnh 1
Quần đảo tranh chấp Senkaku mà Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định mua lại
Bằng chứng mà bà Hillary Clinton đưa ra là việc Thủ tướng Nhật Bản Y. Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã không tiến hành cuộc hội đàm bên lề như thông lệ. Ông Noda cũng không gặp Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc vì lý do tương tự. Các nhà lãnh đạo Philippines và Trung Quốc, hai nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cũng không gặp nhau. 

Bên ngoài hội nghị, tình hình cũng căng thẳng không kém. Hôm 11-9, Nội các Nhật Bản quyết định bỏ ra 26,15 triệu USD để mua nhóm đảo thuộc quần đảo Senkaku đang tranh chấp (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện do gia đình Kurihara quản lý. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thì tìm cách tăng ngân sách tài khóa 2013 lên 3,7 triệu USD cho mục tiêu khẳng định chủ quyền với quần đảo Dokdo (Tokyo gọi là Takeshima) đang tranh chấp với Nhật Bản. Còn Trung Quốc thì tuyên bố sẽ “không lùi một tấc nào” trong tranh cãi chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư. Hôm 10-9, Chính phủ Trung Quốc đã công bố đường cơ sở lãnh hải thuộc đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận.

Những tranh cãi đó tất nhiên làm người ta lo ngại bởi châu Á -  Thái Bình Dương là khu vực phát triển rất năng động và nhộn nhịp nhất thế giới. Ở đây có các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các “con rồng châu Á” như Hồng Kông, Singapore. Chỉ riêng ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã chiếm tới 44% kim ngạch thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa khắc phục hết tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ hồi năm 2008, châu Á - Thái Bình Dương được coi là đầu tàu cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Châu Á - Thái Bình Dương cũng là khu vực tập trung nhiều lực lượng quân sự. Trong tranh chấp đảo Senkaku, Trung Quốc và Nhật Bản đều là các nước có tiềm lực mạnh trên biển. Trong khi Trung Quốc có 11 khu trục hạm, 28 khinh hạm, 35 hộ vệ hạm, 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 2 tàu vận tải đổ bộ, thì Nhật Bản  có 2 tàu sân bay trực thăng, 6 tàu khu trục Aegis, 15 tàu khu trục thường, 11 tàu khinh hạm, 6 tàu hộ vệ hạm, 16 tàu ngầm diesel. 

Ngoài ra còn có hải quân Mỹ đóng ở Nhật Bản theo Hiệp ước bảo đảm an ninh chung, bao gồm 1 tàu sân bay hạt nhân, 1 tàu sân bay trực thăng tấn công đổ bộ, 2 tuần dương hạm Aegis, 7 khu trục hạm Aegis. Theo Hiệp ước trên, trong trường hợp Nhật Bản gặp mối đe dọa từ bên ngoài như quần đảo Senkaku bị tấn công, Mỹ sẽ có nghĩa vụ bảo vệ. Điều gì sẽ xảy ra khi các cường quốc quân sự đụng độ? 

Trong cuộc đua về kinh tế, hai bên có thể cùng thắng. Còn trong cuộc đối đầu quân sự, sẽ phải có người thắng, kẻ thua nhưng tất cả đều thiệt hại. Làm sao hạ nhiệt tại các vùng biển nóng thuộc châu Á - Thái Bình Dương đang là thách thức lớn.