Ôi, hội làng!

ANTĐ - Với lịch sử hơn 50 năm phát triển, Sea Games đã có những đóng góp không nhỏ vào phong trào thể thao khu vực, tuy nhiên, trong những năm gần đây, dư luận thể thao bắt đầu nhận ra một điều là đấu trường thể thao khu vực này đang có xu hướng bị thành hội làng.

Do những quy định lỏng lẻo của một đại hội thể thao trong khu vực, các nước chủ nhà ngày càng có xu hướng tận dụng triệt để quyền đăng cai để đưa ra các nội dung thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu và gạt bỏ những nội dung sở trường của các đối thủ. SEA Games ngày càng không duy trì được một chương trình tranh tài ổn định ở mức tối thiểu nhất. Sau mỗi kỳ đại hội số môn, và đặc biệt là số nội dung lại thay đổi khác đến 1/4, thậm chí 1/3, phụ thuộc cả vào nước chủ nhà. Thậm chí, đến lượt Indonesia, thì tính sơ sơ cũng lên tới một nửa, trong đó chủ nhà thẳng tay loại bỏ những nội dung sở trường của các đối thủ chính như Thái Lan, Việt Nam, ví như 2 “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam, vật bị giảm từ 17 xuống chỉ còn 13 hạng cân, hay bắn súng bị cắt toàn bộ đồng đội.

Bên cạnh đó Indonesia đã đưa vào chương trình thi đấu tới hơn 10 môn, trong đó có những môn rất mới lạ, mang tính giải trí mà thế mạnh thuộc về nước chủ nhà như  các môn như dù lượn, lướt ván, rồi leo tường, trượt patin và cả... đánh bài Tây. Điều đáng nói hơn số huy chương ở những nội dung này đều cao ngất ngưởng, tổng số lên tới 120 bộ huy chương, có nghĩa là chiếm tới 1/5 cả chương trình thi đấu.

Lẽ ra Việt Nam sẽ cử đoàn thể thao tham dự môn Bridge, một môn na ná cái ở Việt Nam gọi là đánh bài tá lả hoặc đánh phỏm. Môn này được đưa vào thi đấu chính thức với 9 bộ huy chương. Theo nước chủ nhà Indonesia thì đánh bài cũng là một dạng thể thao theo kiểu của các bộ môn cờ, nghĩa là thi đấu bằng trí lực và đã  “rủ ” Việt Nam tham gia để có đủ “chân”, đủ cỗ để tổ chức nhưng cuối cùng thì chủ nhà lại quyết định nếu chỉ có 2 quốc gia đăng ký thi đấu thì vẫn sẽ được trao huy chương(!?)

Chính sự lạm dụng quá đáng đó đã khiến cho SEA Games vốn đã nhạt nhòa, giờ càng…. loãng toẹt. “Ao nhà” mình mà! Thế nên, các đoàn khác, nhất là Việt Nam vốn luôn quá “nặng lòng” với SEA Games, đã mất cả 2 năm chuẩn bị, với biết bao công của, rốt cuộc cũng chỉ biết tranh tài một cách tù mù, được thế nào hay thế ấy. Đơn cử như việc Việt Nam phải bằng mọi cách cố đoạt HCV bóng đá SEA Games nên chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để nhắm đến cái gọi là “kỳ tích”, là “giấc mộng vĩ đại” đối với làng túc cầu Việt Nam. Từ các nhà chuyên môn đến giới hâm mộ cứ ra công, ra sức cổ xúy thầy trò HLV Falko Goezt như thể “trận chiến này là cuối cùng”, rồi các Mạnh Thường Quân cứ bơm “doping” cho chiếc HCV bằng hàng đống tiền thưởng khổng lồ để rồi sau đó, có thể niềm tin của hàng triệu người sẽ nhấn chìm trong khoảnh khắc cao trào nào đó.

Mới thấy đấu trường SEA Games vẫn còn là nơi phô diễn sức mạnh tổng thể của thể thao Việt Nam. Cứ 2 nãm một lần, sự đầu tư của Nhà nước được cụ thể hóa bằng những tấm huy chương với những niềm vui và cả những giọt nước mắt tại SEA Games.

Trong khi đó từ việc chậm trễ trong công việc chuẩn bị cơ sở vật chất, rồi lách luật để chiếm ưu thế cho riêng mình đã là thói quen của các nước đăng cai sự kiện thể thao Đông Nam Á. Bởi thế, SEA Games thời nay mới được gọi là “hội làng”, là nơi mà “lệ làng” được áp dụng thay vì phải tuân thủ luật chơi quốc tế. Các đoàn thể thao tham dự kêu thì cứ kêu cho đỡ cơn tức, rồi rốt cuộc vẫn phải tặc lưỡi mà chấp nhận.

Một đối thủ tranh chấp chính với thể thao Việt Nam là Malaysia đã tuyên bố, sẽ là lãng phí thời gian và công sức khi cố gắng tham gia đủ các môn tại SEA Games 26, nơi có nhiều môn lạ được đưa vào chương trình thi đấu. Hãy nhìn cuộc đua tranh tại SEA Games một cách bình thường hơn thì mới thấy nhiều chuyện ở SEA Games vẫn là chuyện ở cái ao làng. Chẳng có gì to tát cả.