Oanh tạc cơ Tu-22M3 mang tên lửa Kh-22 hạ cánh khẩn cấp xuống St. Petersburg

ANTD.VN - Việc oanh tạc cơ Tu-22M3 mang theo vũ khí phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Pulkovo ở St. Petersburg đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Một oanh tạc cơ Tu-22M3 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) với tên lửa Kh-22 dưới cánh đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay dân sự Pulkovo ở St. Petersburg.

Thông báo cho biết chiếc Tu-22M3 nói trên phải thực hiện thao tác này do gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi, tuy nhiên không có thêm bất cứ thông tin chi tiết nào được cung cấp.

Đáng chú ý là chiếc máy bay ném bom chiến lược siêu âm nói trên được cho là có tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine, có thể nó đang xuất kích làm nhiệm vụ thì gặp sự cố.

Thông báo của cơ quan quản lý không lưu cho hay, việc máy bay Tu-22M3 hạ cánh xuống không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các máy bay dân sự tại sân bay Pulkovo.

Được biết Tupolev Tu-22M Backfire là loại máy bay ném bom tấn công siêu âm cánh cụp cánh xòe tầm xa của Hải quân Liên Xô, được phát triển nhằm thay thế bản tiền nhiệm Tu-22 Blinder không mang lại thành công như mong đợi.

Tu-22M ra đời trong thời kỳ ưu điểm của kiểu cánh cụp cánh xòe bao gồm cho phép kết hợp tính năng cất cánh đường băng ngắn, tốc độ bay tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả, duy trì tốc độ cao và khả năng bay thấp đang hấp dẫn các nhà thiết kế.

Nguyên mẫu Tu-22M0 cất cánh lần đầu ngày 30/8/1969, trong những cuộc đàm phán SALT hồi thập niên 1980 Liên Xô gọi nó là Tu-22M. Có tất cả 9 chiếc Tu-22M0 tiền sản xuất được chế tạo, tiếp theo là 9 chiếc Tu-22M1 (Backfire A) sản xuất năm 1971 và 1972.

Cũng trong năm 1972, phiên bản Tu-22M2 (Backfire B) đã đi vào sản xuất hàng loạt và phiên bản hiện đại nhất Tu-22M3 (Backfire C) trang bị động cơ NK-25 với cửa hút gió kiểu MiG-25 chính thức vào biên chế năm 1983.

Thông số kỹ thuật của phiên bản Tu-22M3 bao gồm: Kíp lái 4 người; chiều dài 41,46 m; sải cánh 23,3 m (cụp ở góc 65 độ), 34,28 m (xòe ở góc 20 độ); chiều cao 11,05 m; trọng lượng rỗng 58.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 126.500 kg, tải trọng vũ khí 21.000 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov NK-25 cung cấp lực đẩy 245,2 kN, cho tốc độ tối đa Mach 1,88; tầm bay 7.000 km; trần bay 13.300 m.

Trong Chiến tranh lạnh, Tu-22M3 thường mang theo tên lửa hành trình Kh-22 (AS-4 Kitchen) khi tuần tra biển, nhưng gần đây vũ khí này lại được sử dụng với công năng mới.

Bắt đầu được phát triển từ những năm 1950 cho vai trò chống hạm, tuy nhiên tên lửa Kh-22 đang đảm nhiệm vai trò tấn công mặt đất, lý do được nhận xét là bởi Nga muốn tận dụng nốt số vũ khí này trước kia loại biên.

Tên lửa Kh-22 cực kỳ khó đánh chặn, sau khi phóng, nó tiếp tục bay lên độ cao 22,5 km và tăng tốc lên Mach 3,5 - 4. Trước khi tấn công, ở cự ly 60 km, quả đạn tắt động cơ và lao xuống ở góc khoảng 60 độ với tốc độ Mach 2.

Trọng lượng của đầu đạn tên lửa Kh-22 vào khoảng 900 - 1000 kg, dẫn đến sức công phá trên diện rộng, tuy nhiên độ chính xác của nó trong vai trò mới lại rất kém.

Đầu dò radar chủ động của tên lửa Kh-22 chỉ được tối ưu hóa cho việc diệt tàu sân bay, cho nên không khó hiểu vì sao khi đánh mục tiêu mặt đất nó sẽ nhắm vào những tòa nhà nào có phần mái kim loại kích thước lớn.

Cần lưu ý rằng có một "bản nâng cấp" của Kh-22 không mang đầu dò radar mà chỉ có hệ thống dẫn đường quán tính chịu trách nhiệm điều hướng, nhưng khi đó độ chính xác tối thiểu vẫn là một hình vuông có kích thước (10 x 10) km.

Ưu điểm nổi bật của tên lửa hành trình Kh-22 không chỉ là sức công phá mạnh và tầm bắn cực lớn mà loại đạn tấn công này theo nhận xét còn có khả năng uy hiếp tâm lý rất đáng kể.