Ở nhà xã hội để được "sống như người giàu"

ANTĐ - Nhắc đến nhà ở xã hội, ít ai có thể hình dung tới một khuôn viên có cả công viên cây xanh, sân tennis, bể bơi trong nhà - ngoài trời, phòng tắm hơi và ga tàu điện ngầm? Chắc là không, nhưng người Áo đã làm được điều đó. Ngay cả người giàu ở Áo cũng muốn sống ở những khu dự án nhà do Nhà nước quản lý với “giá mềm” này.
Ở nhà xã hội để được "sống như người giàu" ảnh 1

Một góc khu nhà xã hội Alt Erlaa ở thành phố Vienna

Nhà hạng sang, giá bình dân

Với thiết kế ấn tượng, khu nhà ở phức hợp Alt Erlaa là khu cư dân lớn nhất thành phố Vienna hiện nay. Đây là nơi có 3.172 căn hộ và 3.400 chỗ đậu xe ngầm cho khoảng 11.000 người. Ngoài những cơ sở vật chất cơ bản, Alt-Erlaa cũng bao gồm 2 phòng khám, 3 trường học, 2 trung tâm trông trẻ, 1 trung tâm thể thao, một nhà thờ, một tòa nhà hành chính và một trung tâm mua sắm. Alt-Erlaa còn có nhà ga tàu điện ngầm nối với hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Nếu không được giới thiệu trước, ít ai tưởng tượng được đây lại là khu nhà ở xã hội mà người Áo gọi là “Gemeindebau” - một dạng nhà ở do thành phố phân phối và quản lý với giá thuê phải chăng hay nhà ở do các tổ chức phi lợi nhuận tài trợ. 

Alt Erlaa được nhiều người đánh giá như một kiệt tác về kiến trúc và ý nghĩa xã hội. Mất gần 10 năm xây dựng để đi vào hoạt động với đầy đủ tính năng, khẩu hiệu của dự án nhà xã hội Alt Erlaa  là “Sống như người giàu”. Đó cũng chính là một thực tại sống động của khu cư dân này khi trong số cư dân của nó có cả một số chính trị gia và người đứng đầu tổ chức công đoàn uy tín hay những ngôi sao thể thao. Ngay cả con gái một cựu Tổng thống Áo cũng chọn nhà ở xã hội thay vì một penthouse (căn hộ trên tầng cao nhất tòa nhà) sang trọng ở quận trung tâm. 

“Đây có lẽ là khu căn hộ tốt nhất tại Vienna”, Karin Kreuz, chủ một cửa hàng nhỏ ở đây nói. Vừa bán vé số cho một phụ nữ lớn tuổi đeo đồ trang sức đắt tiền, bà Karin Kreuz vừa giải thích. Người giàu và người nghèo ở đây sống cạnh nhau một cách hòa thuận. “Không khí ở đây rất thích. Khi vào thang máy, chúng tôi chào hỏi nhau, bất kể có quen biết hay không. Đó là điều mà không đâu ở Vienna có được”, ông Karl Trachtenberger, một lái xe đã nghỉ hưu chuyển tới đây 16 năm trước nói. 

Đầu tư “khủng” và tầm nhìn dài hạn

Gemeindebau đã trở thành một phần quan trọng của kiến trúc và văn hóa của Vienna kể từ năm 1920 đến nay. Kiến trúc kinh điển của Gemeindebauten thường gồm một cổng chính lớn, từ đó người ta bước tới một sân rộng có cây cối xanh tươi và trẻ em chơi đùa rồi mới tới khu cư dân. Ở khắp các quận của Thủ đô, cư dân Vienna hiện nay sống trong 420.000 căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội. Có tới 3/5 cư dân của Vienna, dù giàu hay nghèo vẫn sống cùng nhau ở Gemeindebau.

Vienna thường xuyên đứng ở tốp đầu trong số những thành phố có chất lượng sống tốt nhất thế giới, phần lớn là bởi yếu tố nhà ở xã hội này. “Thành phố Vienna không muốn có một nhóm cư dân đặc thù tách biệt. Các khu vực trong thành phố đều có sự đồng đều về chất lượng sống, hòa bình và an ninh”, bà Christiane Daxbock, văn phòng tư vấn về nhà ở của thành phố tự hào nói. “Đó là điều mà mọi người đều có thể cảm nhận từ các dự án nhà ở xã hội”. Tuy vậy, công cuộc này tất nhiên là tốn kém. Để vận hành các dự án này, hàng năm, thành phố Vienna dành ra khoảng 600 triệu euro (682 triệu USD) cho nhà ở xã hội. So sánh với nước phát triển khác ở châu Âu, ngay như Đức - với dân số gấp 45 lần Vienna - mới chỉ đầu tư ở mức 400 triệu euro cho cả nước.

Giữ được mức đầu tư kể trên là một thách thức đòi hỏi tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, với số người nhập cư kỷ lục tới châu Âu, các thách thức đó đang ngày càng tăng. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay đã có hơn 60.000 người đã đăng ký xin tị nạn tại Áo, một quốc gia chỉ có 8 triệu người. Con số này gấp 2 lần so với cả năm 2014. Bà Christiane Daxbock cho biết thêm, thành phố có chủ trương mở rộng thêm chỗ ở mới cho khoảng 30.000 người mỗi năm và trước cuộc khủng hoảng người tị nạn, Vienna sẽ phải tìm cách thích ứng.