"Ở nhà chồng nuôi" có sướng không?

ANTĐ - Đó là cuộc sống của một số chị em phụ nữ sau khi kết hôn. Người ngoài nhìn vào, thường tặc lưỡi ghen tị: Sống thế mới là... sống. Nhưng "có ở trong chăn mới biết chăn có rận"...

Những người “Số sướng”

Mày đúng là tuổi Thân, nếu sinh giờ Dần thì sướng hơn tiên. Mỗi lần gặp My, nhóm bạn gái thân từ thời đại học lại thốt lên với cô những lời như vậy. Đúng là bề ngoài, My có vẻ an nhàn nhất. Trong khi bạn bè, đứa nào đứa nấy xấp ngửa làm ăn kiếm tiền, vất vả không để đâu cho hết thì My mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Chẳng so sánh gì đâu xa, qua 5 năm, My và cô bạn ngồi cùng bàn đã khác nhau một trời một vực. Cô bạn thì đen sạm, gầy tọp đi, trong đầu lúc nào cũng lởn vởn hai chữ "tiền đâu" thì My da vẫn sáng hồng vì... ít phải ra nắng, ra gió.

Đến chính My con chẳng nghĩ cuộc đời mình lại chuyển hướng như vậy. Hồi học đại học, cô là cán bộ lớp phụ trách học tập. My học giỏi, tốt nghiệp với sổ điểm cao nhất nhì khoa. Khi ra trường, My lại nhanh chóng xin được một chỗ làm tốt trong cơ quan nhà nước. Rồi cô gặp và kết hôn với Hùng. Thời đấy, nhà anh cũng "bình thường thôi", bố mẹ là viên chức về hưu, anh chị em chồng người đi học, người ở nhà cầy ruộng. Thời cuộc thay đổi khi nhà nước có nhiều dự án đầu tư khiến khu vực mà gia đình cô ở trở nên cực kỳ sôi động. Bán đi vài trăm mét đất, nhà cô bỗng thành tỷ phú. Chỉ tính riêng tiền gửi tiết kiệm, một tháng tiền lãi đã thừa đủ để tiêu xài không phải suy nghĩ.

Thời mới lấy nhau, hai vợ chồng My phải cùng chung lưng đấu cật kiếm sống. Nay, lương công chức 2 - 3 triệu đồng của My trở thành số tiền quá nhỏ nhoi. Thấy vợ suốt ngày đi làm, chiều tối về nhà lại vất vả nấu nấu nướng nướng, Hùng đã nghĩ đến việc để My bỏ việc ở nhà cho sướng. Anh càng quyết tâm hơn khi nhiều hôm, cô đi về, ấm ức kể bị áp lực của công việc, thi thoảng lại bị điều đi công tác... “Tội gì phải khổ nữa. Em cứ ở nhà anh nuôi”.

Thế là phút chốc, My nộp đơn xin thôi việc. Những ngày đầu tiên nghỉ làm, cô có thể nằm thư thái trên giường thay vì phải sấp ngửa đi cho đúng giờ, My thấy thật là sướng. Rồi My có thể đi đâu tùy thích, thời gian là của mình, cũng chẳng phải xin phép ai. Tháng đầu, My lên được 1,5 kg, lại trẻ ra trông thấy. Những hôm mưa gió đứng trên ban công tầng 4, nhìn xuống dưới đường, thấy những bà những chị hối hả đi lại mưu sinh, cô lại thầm biết ơn chồng. "Cái số mình đúng là sướng thật. Chẳng làm mà vẫn có cái ăn, lại còn ăn no, ăn đủ" - My tự nhủ như thế.

Ở nhà chồng nuôi - cũng là cuộc sống của Thảo Trang. Ra trường 1 năm, chưa tìm được việc làm thì cô đã lấy chồng. Sau đó cô mang bầu ngay nên lại càng có lý do để kéo dài thời gian “thất nghiệp”. Khi con được 4 tháng, cô định bắt đầu tìm việc thì nhà chồng lại khuyên nên ở nhà thêm một thời gian cho con cứng cáp hẳn. "Bần cùng bất đắc dĩ mới phải bỏ con 4 tháng đi làm. Chứ không gì tốt bằng mẹ nuôi con", chồng cô phân tích. Trang nghe thấy cũng phải. Hơn thế, chân ướt chân ráo đi làm như cô, may lắm kiếm được 2 triệu đồng, bằng đúng tiền thuê người giúp việc.

Cứ ngày này qua tháng khác, mỗi lúc lại có một việc để kéo cô ở lại nhà. Bây giờ đã gần 10 năm, cô đã là mẹ của hai đứa trẻ nhưng cô vẫn chưa một ngày đi làm. Cuộc sống của cô - chẳng biết từ bao giờ đã trở thành niềm ao ước của mấy người bạn gái thân. "Làm thân con gái, lấy chồng rồi, chỉ cần được sống an phận, bình yên, có cái ăn cái mặc là được rồi. Bọn mình thèm mà không được đấy".

Nỗi niềm người trong cuộc

Nhưng, sự sung sướng được "ở nhà chồng nuôi" mau chóng qua đi. Đến tháng thứ 2, My bắt đầu thấy cuộc sống của mình không còn thi vị nữa. Gần như suốt ngày, cô đi ra đi vào chỉ chạm mặt 4 bức tường quen thuộc. Ngay cả công việc cô làm, cũng "đều như vắt chanh", hết làm bữa sáng, lau nhà, giặt giũ đến nấu cơm trưa, chuẩn bị cơm chiều. Tiền tuy không thiếu nhưng mua sắm mãi cũng chán. Chồng lại đi từ sáng tới tối nên rốt cuộc, My cả ngày chỉ biết nói chuyện với chính bản thân mình. Thi thoảng, cô muốn gọi điện tâm sự với bạn bè, rồi rủ bạn bè đi chơi cho khuây khỏa nhưng ai cũng bận bịu kiếm sống cả.

Bây giờ, My lại thèm cái cảm giác như hồi còn đi làm, tuy áp lực nhưng lại được sống hết mình cho công việc. Tóm lại bây giờ, My thấy mọi thứ diễn ra với mình, bề ngoài thì phẳng lặng, yên bình nhưng bên trong lại tẻ nhạt. Nhìn bạn bè thăng tiến, mình nhiều lúc lại thấy thật tủi thân. Ngày trước, mình cũng học giỏi, chẳng kém cạnh ai. Vậy mà bây giờ, ngoài cơm cà mắm muối ra, mình chẳng biết gì khác" - My buồn. Còn Trang, cô luôn phải sống trong mặc cảm "có lỗi với chồng".

Dù cho cả gia đình chồng chưa một lần bóng gió về điều này, nhưng Trang cảm thấy vì mình mà chồng thêm vất vả. Anh đi suốt ngày, còn cô chỉ ở nhà và đợi cuối tháng cầm tiền anh đưa cho. Không hiểu biết nhiều về chuyện xã hội, Trang chưa một lần dám hỏi chồng về công việc, về những toan tính, dự định của anh. Trang cũng không biết chồng đang làm gì, tiền kiếm bao nhiêu một tháng. "Anh đưa sao thì mình biết vậy. Điều duy nhất mình làm được là cố gắng chi tiêu trong khoản tiền anh đưa. Có tháng, tiền bị hụt đi chút ít nhưng ngại, cũng chẳng dám xin thêm chồng". Ngày nào khi đến bên anh, cô tự tin, trẻ trung thì nay, lúc nào cũng tự ti, ít nói.

Ở nhà chồng nuôi có sướng không?

Trong con mắt của người ngoài, những chị em nào được ở nhà chồng nuôi là may mắn. Bởi, ở nhà đồng nghĩa với việc được sống an nhàn. Nhưng, thực ra, công việc nhà không quá nhàn như người ta tưởng.

"Khi ở nhà làm nội trợ, nghĩa là bạn đã chấp nhận trở thành ô sin của gia đình. Không lẽ gì vợ đã ở nhà mà còn phải thuê thêm người giúp việc để làm việc nội trợ nữa" - chị Loan, một phụ nữ "ở nhà chồng nuôi" thẳng thắn. Tiếng là ở nhà, nhưng một ngày làm việc của chị Loan thường bắt đầu từ 6 giờ sáng. Chị dậy sớm để đi chợ mua đồ tươi ngon. Sau đó về nhà, lại chuẩn bị bữa sáng, làm sao để trước 7h là bàn ăn đã "ngon lành cành đào" để chồng con thức giấc là ăn được ngay.

Khi các thành viên trong nhà đã đi làm, đi học hết, chị Loan lại bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Cái nhà chỉ vài chục mét ấy thôi mà sao tỷ thứ việc. Khi thì lau nhà, nhưng "quờ" đến góc bếp lại phát hiện ra tủ bếp quá bẩn. Thế là lại lao vào cọ rửa, đánh bóng. Cọ được cái bếp, nhìn lên trần nhà thấy nhện đã bắt đầu giăng tơ. Lại đi quét trần nhà. Rồi sau đó đi giặt giũ, phơi phóng! Buổi trưa, chỉ có một mình, chị thường ngại nấu nướng mà ăn lại thức ăn cũ của tối hôm trước. Ăn xong, chỉ kịp chợp mắt một lát lại bắt tay chuẩn bị nấu cơm chiều.

Hết buổi, chị đi đón con và quần nhau với "giặc" từ cho ăn, vệ sinh, kèm con học tới tận tối mịt. Từ ngày ở nhà chồng nuôi, chị Loan cũng trở thành "thủ thư, bảo vệ, cảnh sát" trong nhà luôn. Đồ đạc để đâu, nhà thứ gì còn, thứ gì hết... ai cần gì cứ nhằm chị mà hỏi. Trước khi đi ngủ, chị còn phải đi vòng khắp nhà một lượt, kiểm tra vòi nước đã tắt, có bóng điện nào còn sáng khi không có người dùng không... Tóm lại, chồng chị đi làm 8 tiếng được nghỉ, còn chị, làm hơn 10 tiếng mà vẫn chưa hết việc.

Mới đây, một viện tâm lý của Anh đã tiến hành điều tra ở khoảng 60.000 phụ nữ trong diện "ở nhà chồng nuôi" thấy rằng, những phụ nữ không đi làm thường có nguy cơ bị trầm cảm và khó điều chỉnh được cảm xúc, dễ buồn, dễ vui và thất thường hơn người bình thường. Cụ thể, có tới 41 % các bà vợ ở nhà chồng nuôi luôn thường trực cảm giác lo lắng, 26% buồn phiền, 50% stress, 19% dễ nổi giận và 28% có triệu chứng của bệnh trầm cảm... Trong khi đó chỉ có khoảng gần 15% các bà vợ đi làm rơi vào trạng thái buồn phiền.

Các chuyên gia tâm lý cho biết: ở nhà chồng nuôi không phải là "quá sướng" như người ta vẫn nghĩ. Chẳng hạn, ở nhà trong thời gian dài, lại chỉ có một mình rất không tốt với người phụ nữ. Những việc không tên ở nhà kéo dài bất tận đã làm chị em mệt mỏi, chán nản. Hơn thế, chị em lại luôn có cảm giác "không hài lòng" với bản thân, cảm thấy mình không giỏi giang, lâu dần rơi vào trạng thái trầm cảm, tự ti. Và nếu như đi làm, thì tính hiệu quả, năng lực trong công việc có thể đo đếm được ở một mức nào đó thì với chị em ở nhà chồng nuôi lại ít có cơ hội được đánh giá khen ngợi, "tặng bằng khen", "danh hiệu" về năng suất lao động. Nhiều ông chồng, cho rằng lau nhà rửa bát là việc tay chân, ai cũng làm được. Và vợ ở nhà thì phải làm việc đó là tất yếu. Vì thế, bản thân người phụ nữ liên tục phải nỗ lực nhưng không được đánh giá xứng đáng như khi đi làm.

Ở nhà chồng nuôi hay đi làm - là lựa chọn của mọi người. Thực tế, có nhiều trường hợp, vì hoàn cảnh, người vợ không có điều kiện để đi làm chứ không phải họ thích ở nhà vì... lười nhác - một chuyên gia tâm lý người Anh nói. Tuy nhiên, dù thế nào, chị em hãy cố gắng để tô màu cuộc sống của mình! Chẳng hạn, bên cạnh việc chăm lo, nội trợ cho gia đình, các bà vợ hãy cố gắng mở rộng quan hệ. Chị em có thể kết bạn với nhau, thi thoảng cùng nhau trò chuyện, trao đổi công việc. Các bà vợ cũng có thể tham gia các câu lạc bộ, tham gia hoạt động xã hội thay vì chỉ đi mua sắm... để hòa nhập nhiều hơn với xã hội, giúp cho mình luôn phải "tiến lên". Tại Anh, có những bà mẹ, phải ở nhà nuôi con nhỏ nhưng vẫn cố tham gia làm việc bán thời gian để buộc mình phải năng động hơn và "hiện đại" hơn.