7 tác phẩm bao gồm: “Những người muôn năm “chưa” cũ (60 chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam một thời) - Tác giả Trần Thị Trường. Cuốn sách gồm 60 gương mặt của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, mà tác giả Trần Thị Trường có dịp gặp gỡ, trò chuyện và thưởng thức các tác phẩm của họ. Đọc 60 chân dung văn học này, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về một người nghệ sĩ (sống, làm việc, yêu thương, thành công hay thất bại), đồng thời hình dung được môi trường sống của văn nghệ sĩ, trí thức trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
|
Những người muôn năm “chưa” cũ (60 chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam một thời) |
60 con người trong cuốn sách, có người đã rời cuộc sống đến một nơi xa khác, có người tác giả Trần Thị Trường vẫn gặp gỡ, trò chuyện hằng ngày. Tác giả viết về những gì bà biết về họ, có một số điều là riêng tư nhất, bên cạnh nội dung tác giả đã viết, còn có chân dung được họa sĩ Hải Kiên ký họa trên smartphone vô cùng đặc biệt.
Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp - Tác giả Nguyễn Sĩ Đại. Cuốn sách gồm các bài tiểu luận, phê bình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính. Phân tích về thi pháp, sự trong trẻo, bình dị, tính cách khảng khái và sự độc đáo trong thơ Nguyễn Bính.
|
Nguyễn Sĩ Đại không dụng công "bình thơ" mà là chứng minh các luận điểm từ "gia tài" Nguyễn Bính. Ông còn nghiên cứu về những "điểm mờ" trong hành trình "lãng du" của thi nhân, làm rõ thêm về cuộc đời Nguyễn Bính - con người mà ông khẳng định "một lãng tử, một lãng du chưa từng có trong văn học cổ điển". Nguyễn Sĩ Đại làm việc với thái độ, phương pháp của một nhà khoa học, về một tác gia tiêu biểu của văn học trung đại.
Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông - Tác giả Nguyễn Khuê. Cuốn sách viết về Tương An quận vương hầu giới thiệu với độc giả đầy đủ hơn một thi tài lỗi lạc gần như bị bỏ quên từ bao năm qua. Tác giả đã có công sưu tầm nhiều tài liệu quý báu về tiểu sử cùng thì văn của Tương An.
|
Với nhan đề “Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông”, tác giả đã xây dựng lại một cách rõ ràng thân thể Tương An, phân tích tinh tế tâm trạng thì nhân, đi tìm những nguyên nhân sâu xa khả đi cắt nghĩa tâm trạng ấy. Ngoài ra, ông Nguyễn Khuê còn dịch được khá nhiều thơ chữ Hán trong Khiêm Trai thi tập, hiệu đính Hoài cổ ngâm và sao lục một số thơ Nôm của Tương An.
Tổng tập Nhà văn Quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập: tập 1, tập 2, tập 3, tập 4, tập 5)- Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Là bộ sách đồ sộ khoảng 3.000 trang in với 5 tập bao gồm kỉ yếu và tác phẩm của 366 nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình, dịch giả tiêu biểu trong đội ngũ nhà văn chiến sĩ của cả nước các thế hệ.
|
Bộ sách được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành trong năm 2023 như một công trình mang đậm tính văn học chào mừng kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), được cấp phép bởi Nhà xuất bản Văn học. Bộ sách cũng còn là sự tri ân các thế hệ nhà văn áo lính, những người đã dành tâm huyết đời văn để cống hiến cho dòng văn học chiến tranh cách mạng và người lính.
Trong thế kỉ XX đất nước ta đã trải qua 4 cuộc chiến tranh lớn chống thực dân, đế quốc, đánh đuổi các thế lực ngoại bang ra khỏi bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc. Suốt dọc dài những cuộc chiến tranh vệ quốc đó đã hình thành một đội ngũ nhà văn áo lính đông đảo, hùng hậu, là nòng cốt của nền văn học chiến tranh cách mạng. Bằng sức sáng tạo của mình, các nhà văn chiến sĩ đã góp phần làm nổi bật tinh thần quả cảm, chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử ấy, thể hiện qua những tác giả - tác phẩm tiêu biểu trong bộ sách. Những tác phẩm văn học được viết ra bởi những người lính được tuyển lựa trong bộ sách cũng góp phần nâng cánh cho tâm hồn những người cầm súng trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân đạo và sự chính nghĩa, củng cố nghị lực sống, chiến đấu vì ngày mai tươi sáng. Những tác phẩm văn học được tuyển chọn ấy cũng đã góp phần tôn vinh những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.
Tiếng gọi của dân cày - Tác giảKhachik Dashtents (Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Đức Mẫn, Trần Bích Thư dịch) gồm 3 phần, là cuốn sách miêu tả thảm kịch của người Armenia miền Tây trong Chiến tranh thế giới thứ nhất vào những năm 1914 -1918, những người phải hứng chịu nạn diệt chủng người Armenia ở Thổ Nhĩ Kỳ, là sự phản ánh những quan điểm lịch sử và nghệ thuật nhất định của nhà văn tài ba người Armenia.
|
Theo chuyện kể của những người chứng kiến, các chiến binh fedayi hy sinh quên mình cho phong trào giải phóng người Armenia là những người thợ cày hiền lành, yêu hòa bình, những người nông dân yêu đồng ruộng và sàn đập lúa, yêu đất và nước của họ, vì hoàn cảnh tàn khốc họ buộc phải cầm vũ khí đứng lên bảo vệ quyền con người và danh dự của mình.
6. Chảo lửa bất tử (Hồi ký chiến trường) - Tác giả Võ Quang Tiến. Chảo lửa bất tử là câu chuyện về những tháng năm chiến đấu và hy sinh anh dũng của những người lính cụ Hồ trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Tác giả Võ Quang Tiến – một trong số những người còn được trở về từ “chảo lửa” khốc liệt ấy – đã cầm bút để ghi lại những thời khắc không bao giờ quên trong cuộc đời ông và những người đồng đội.
|
Chiến đấu là vinh quang, chiến thắng là tự hào. Nhưng phía sau tất cả những điều ấy, là nỗi sợ của những thiếu niên vừa mới bước vào độ xanh, nỗi sợ bom đạn, sợ chết, sợ không được về nhà nữa. Sau những nụ cười là những giọt nước mắt, là tình yêu chớm nở nhưng bị buộc phải lụi tàn, là những lần chia tay vội vã, là những cái sự đứt dây tơ duyên giữa chừng.
Ngày hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ độc lập, các bạn sẽ lại được cầm trên tay cuốn sách về “thời chiến”, có niềm vui, có ca ngợi nhưng hơn hết, cuốn sách là câu chuyện thật, được viết bởi một người lính, chứa nỗi đau và nỗi nhớ của một người bước ra từ ngọn lửa đạn bom.
Sách Tết - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết - Giáp Thìn 2024 - Hồ Anh Thái (tuyển). Sách gồm 5 phần: Khúc dạo đầu của mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc, và Họa. Qua 5 phần nội dung, bạn đọc sẽ lần lượt đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, đầy thú vị.
|
Cũng như các cuốn Sách Tết đã ra mắt trước đây, Sách Tết Giáp Thìn 2024 thành hình từ sự góp sức của đội ngũ đông đảo tác giả, họa sĩ. Người đọc sẽ gặp lại những cái tên đã trở nên quen thuộc: Nguyễn Thị Thu Huệ, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh... cả những cái tên mới hơn nhưng cũng đã ít nhiều ghi dấu trong lòng bạn đọc: Huỳnh Trọng Khang, Hiền Trang... Ấn phẩm còn có phần minh họa của Hoàng Phượng Vỹ, Quyên Thái, Đào Hải Phong, Ngô Xuân Khôi, Đặng Xuân Hòa, Kim Duẩn... cùng nhiều họa sĩ khác.