Ca sĩ "divo" Tùng Dương:

"Hiện tại, Tùng Dương đã lớn!"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không quá khi nói rằng Tùng Dương là nghệ sĩ có sức sáng tạo bền bỉ và chăm chỉ nhất trong làng nhạc Việt nhiều năm nay. Không chỉ được ca tụng với danh xưng “divo”, giọng ca sinh năm 1983 còn được tung hô với danh hiệu “ông hoàng lễ hội” vì tần suất các lời mời anh trình diễn tại lễ hội khắp ba miền đất nước là…không đếm xuể. Trước thềm live-concert riêng “Người đàn ông hát” diễn ra vào tối 23-11-2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, anh đã có những chia sẻ cởi mở và chân tình cùng An ninh Thủ đô.

Tôi thấy mình đang ở ngưỡng tuổi đẹp nhất của cuộc đời,

"chín" nhưng chưa..."nẫu"

- PV: Suốt từ đầu năm tới giờ, ai cũng thấy “ông hoàng lễ hội” Tùng Dương “chạy sô” đến chóng mặt, vậy mà anh vẫn có thời gian chuẩn bị cho live-concert riêng “Người đàn ông hát”, một chương trình gây tò mò vì có màu sắc hoàn toàn khác những đêm nhạc riêng mà Tùng Dương từng làm trước kia. Điều gì thôi thúc anh làm đêm diễn hứa hẹn nhiều thú vị và bất ngờ như vậy ở thời điểm này?

- Ca sĩ Tùng Dương: Có lẽ vì tôi thấy mình đang ở tuổi ngưỡng tuổi đẹp nhất của cuộc đời, ngưỡng tuổi mà tôi vẫn nói vui với mọi người rằng vài năm nữa thôi là…“nẫu”. Giờ đang “chín” nhưng chưa “nẫu” thì phải tranh thủ làm và cống hiến thôi chứ không để đến sang năm biết đâu mọi câu chuyện lại biến thiên khác rồi. Thế nên làm được năm nào thì mình cố gắng năm đó, cũng như lời hứa của tôi với khán giả là sẽ 2 năm làm 1 “sô”, làm thế cho chất lượng chứ không bị ồ ạt quá. Cách đây 5-10 năm, mọi người thấy đấy, có những năm tôi làm tận 2 “sô”, nhiều quá, mà cái gì nhiều quá cũng dễ bị nhàm. 2 năm thai nghén cho 1 ý tưởng theo tôi cũng là hợp lý. Album mới gần đây nhất của tôi là “Human” cũng gần 4 năm rồi.

Năm nay tôi trở lại với dự án “Multiverse (Đa vũ trụ)”. Kèm theo đó là các loại hình: MV, album, liveshow…sắp tới đây thực hiện tiếp MV “Tái sinh” - sáng tác của Tăng Duy Tân. Nếu live-concert này thành công thì sẽ khép lại 1 năm phải nói là Tùng Dương đã rất chăm chỉ cùng với sự quyết liệt cao, với quyết tâm nói là phải làm, làm là phải thành công, đấy là nằm trong kế hoạch của tôi. Sang năm là câu chuyện tương lai không biết thế nào, cố gắng năm nào tốt năm nấy, kể cả sau “vật đổi sao dời” thì mình cũng đã làm rất huy hoàng.

- PV: Live-concert lần này hoàn toàn nằm trong hoạch định từ ban đầu của anh hay là đến thời điểm gần đây có sự “bẻ lái”?

- Ca sĩ Tùng Dương: Đúng rồi, live-concert này nằm trong hoạch định từ đầu năm của tôi là phải quyết tâm làm bằng được. Thật ra tình hình bão lũ ở miền Bắc thời gian vừa qua cũng hơi ảnh hưởng một chút. Nhưng khi thiên tai bão lũ đi qua, tôi nghĩ đây cũng là lúc mình cần cất tiếng hát để chia sẻ với mọi người. Đối mặt với thiên tai đich họa, con người phải đối diện và vượt qua rất nhiều khó khăn, mất mát. Đêm nhạc này vì thế mang 2 ý nghĩa, một là chúng ta cùng nhau ngồi lại để chiêm nghiệm, thứ 2 là tạm quên đi những đau thương vừa trải qua để hòa mình trong âm nhạc, ở đó tôi mong muốn có thể mang lại những năng lượng tích cực nhất đến cho mọi người.

- PV: Hai ý tưởng âm nhạc gần đây của anh là “Đàn ông không cần khóc” và “Người đàn ông hát”. Ở thời điểm nói như Tùng Dương tự nhận là “chín chưa nẫu”, anh liên tiếp có những ý tưởng về âm nhạc khiến người ta có cảm giác như hàm ý khẳng định sự mạnh mẽ về giới mày râu. Sự nhấn đi nhấn lại từ “đàn ông” trong những dự án âm nhạc gần đây của anh, kể cả live-concert tới, có ý nghĩa gì?

- Ca sĩ Tùng Dương: Nó chỉ có ý nghĩa là con người mình đang ở thời điểm chín chắn, sau bao nhiêu năm đi hát thì cũng phải chín chắn rồi chứ, không còn ngu ngơ hay trong sáng non nớt như một Tùng Dương tóc tai lòe xòe của hơn 20 năm trước thi “Sao Mai Điểm Hẹn” đứng cùng bạn Kasim nữa (cười). Cho tới bây giờ, mình ít nhiều có những từng trải nhất định và những bài học quý giá cho chính mình để cùng nhìn nhận lại mọi thứ, tất cả những mối quan hệ xung quanh và những gì mình cống hiến cho cuộc đời, sự nghiệp âm nhạc vẫn luôn luôn không ngừng nghỉ với tôn chỉ “non-stop” nghĩa là bước đi không dừng lại. Sau nhiều biến động, thăng trầm không chỉ của mình mà của rất nhiều bạn bè, mọi người xung quanh mình, tôi nhận thấy trên đời này, không ai may mắn hay “đỏ” mãi được mà “đen – đỏ” cứ song hành, trồi lên ngụp xuống như biểu đồ hình sin vậy.

Thật ra đó là tiến trình của một con người, mỗi chúng ta đều phải tuân theo những quy luật như vậy, sinh ra lớn lên, trưởng thành, “chín” rồi…“nẫu” là vừa (cười). Trước đây, tôi từng căn dặn mình có những tư tưởng triết lý trong âm nhạc một cách đúng mình nhất, và kết quả là những sự cao siêu, nghe rất lớn lao trong âm nhạc như: Ô màu lập phương, Li ti, Độc đạo, Bộ tứ sông Hồng, Trời và đất, Human…Tất cả đều mang tinh thần rất nhân loại. Năm nay, tôi quay về soi chiếu chính mình với “Đàn ông không cần khóc” và “Người đàn ông hát” – đó là những gì rất mộc mạc và dung dị.

Ở tuổi này, tôi nhận ra những giá trị mà mình tìm kiếm bấy lâu hóa ra ở bên trong mình, rất gần gũi với mình. Thế nên tôi muốn đi khám phá hết, tìm lại và nhìn lại chính bản thân mình. Tất nhiên ý tưởng trong âm nhạc của tôi vẫn là sự chia sẻ tinh thần, sức vóc của một người nghệ sĩ – người đàn ông có những gánh vác, giá trị cho chính họ để đóng góp cho xã hội và mọi người. Ai có gì đóng góp nấy. Tùng Dương có giọng hát, không hát thì kiếp này chẳng biết làm gì, đi buôn thì cũng chẳng có duyên, chắc là ông Trời không cho lộc đâu, trình độ “chuyên Toán trường Nhạc” là mọi người biết rồi đấy (cười).

Có thời điểm hoang mang kinh khủng, mất tự tin cực lớn...

Tùng Dương từng đối mặt và vượt qua cú "sụt" rất lớn tại thời điểm làm liveshow "Trời và đất"

Tùng Dương từng đối mặt và vượt qua cú "sụt" rất lớn tại thời điểm làm liveshow "Trời và đất"

- PV: Anh vừa nhắc đến sự trồi sụt trong hành trình cuộc đời mỗi con người. Với anh, những cái “trồi” thì có thể nhìn thấy rồi, còn cái “sụt” thì sao, có không?

- Ca sĩ Tùng Dương: Cái “sụt” thật ra cũng có, mà bản thân tôi tự biết, như việc phong độ không ổn định lắm là một ví dụ. Như năm Tùng Dương làm liveshow “Trời và đất”, năm đó tôi bị mất giọng gần như hoàn toàn, bị chớm hạt xơ dây thanh quản do hát nhiều quá, cộng thêm nhiều áp lực khác. Nghĩ lai, năm đó không phải “tam tai” vận hạn gì cả nhưng mà cũng nhiều hạn đấy (cười). Trong vòng 1 tháng, tôi phải quyết định làm 1 đêm hay 2 đêm, rồi trăn trở liệu 2 đêm thì mình có đủ sức hát không. Trong khi trước đó 1 tháng, chỉ hát đến bài thứ 3 là giọng tôi bị khàn và không hát được nữa.

Lúc bấy giờ, tôi mới nghĩ: “Thôi chết rồi, chưa bao giờ mình bị như thế này cả”. May quá khi ấy có một người bạn giới thiệu đến một vị bác sĩ và tôi được chẩn đoán bị polyp dây thanh quản rất to, tình trạng này vẫn phát triển do tôi vẫn hát, cọ vào gây xung huyết dây thanh. Năm đó thật sự là năm mà phong độ ca hát của tôi không được tốt nhất, nói thật là tôi cố gắng hết sức chỉ được điểm 8 thôi nhưng mọi người nghe chắc không biết đâu, chỉ có giới chuyên môn nghe thì biết.

Liveshow “Trời và đất” thì khách mời là 4 “diva” toàn người giọng “khủng”: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần. Nguyên dàn khách mời này là tôi đã tự làm khó mình rồi. Nghĩ đến mà tôi “stress” tưởng không vực dậy được luôn, tưởng mất giọng hoàn toàn. Song tôi nghĩ nếu mình báo hủy “sô” thì có khi cũng to chuyện. Tôi quyết tâm hát với tinh thần “sống chung với lũ”. May mắn là tôi gặp được vị bác sĩ mà tôi nói ở trên và tôi đã hoàn thành xong 2 đêm của liveshow một cách trơn tru, có điều chấm thì vẫn chỉ được 8 điểm thôi, ai có kiến thức về chuyên môn thanh nhạc sẽ thấy giọng tôi không được vang, hơi đục một tý.

Hát xong đêm đầu tiên, tôi chạy ra ôm mẹ khóc như mưa, thở phào vì mình đã vượt qua được một cửa ải. Trước đó tôi chỉ sợ không kéo được hết 1 đêm, năm đó lại còn toàn bài “nặng” nữa, quằn quại từ đầu đến cuối. Tôi hát toàn bài “nặng” nhất của các khách mời, chọn toàn tinh hoa của họ, Mỹ Linh hát với tôi bài “Quê nhà”, tôi lại hát với chị ấy bài “Trở về tuổi thơ” cao chót vót của Anh Quân; rồi tôi hát với Hà Trần mấy bài trong “Bản nguyên”; hát với Thanh Lam bài “Một khúc sông Hồng” của Lê Minh Sơn cuồn cuộn máu lửa; hát “Hòn đá trong vườn” với Hồng Nhung trườn bò từ đầu đến cuối (cười). Tôi lo lắng từ lúc nhìn thấy Hồng Nhung trườn bò trên sân khấu lúc tập, thú thật lúc đó tôi mất tự tin kinh khủng. Lúc tự tin là tôi rất tự tin nhưng có vấn đề là hoang mang kinh khủng, mất tự tin cực lớn, mất ăn mất ngủ.

Cho tới giờ, tôi nghĩ rằng sự “trồi sụt” lúc nào cũng xảy đến với mình chứ không ai êm xuôi hết cả. Chỉ có điều, mình vượt qua bằng chính sự quyết tâm của bản thân. Tôi cũng may mắn gặp được bác sĩ chữa trị tốt nên tạm ổn. Sau 2 đêm liveshow trên, tôi nghỉ hát 2 tuần để bay sang Pháp, xác định mổ thanh quản để điều trị tiếp. Tuy nhiên điều kỳ diệu đã xảy ra, khi khám lại thì bác sĩ bảo mất rồi ko thấy cục polyp kia đâu nữa cả. Từ bấy đến nay, tôi giữ gìn giọng cẩn thận hơn. Nghĩ lại nếu lúc ấy stress xong nghĩ tiêu cực, chán chường thì chắc là tôi đã không vượt qua được. Bệnh đó mà càng vậy thì càng nặng, ảnh hưởng đến dây thanh có khi không hát được nữa luôn.

- PV: Anh che giấu điều đó giỏi thật, nếu hôm nay anh không nói ra thì chắc không nhiều người biết về cú “sụt” đó đâu?

- Ca sĩ Tùng Dương: Công nhận là tôi che giấu cũng giỏi. Thời điểm đó, tôi uống thuốc suốt mấy tháng trời đấy. Nỗi ám ảnh mất giọng của người nghệ sĩ chính lúc lúc “sụt” kinh khủng. Mất giọng thì để thu một bài hát mới cũng khó. Đấy là nỗi ám ảnh không chỉ riêng của Tùng Dương đâu mà của tất cả các nghệ sĩ khác. Cho nên tôi rất muốn nhắn nhủ tới mọi người là hãy quý trọng giá trị công sức lao động của mình và đặc biệt là không được coi thường sức khỏe. Tôi rút ra kinh nghiệm từ những lần “trồi sụt” như vậy là đàn ông không cần khóc, có khóc thì mình mình biết thôi, mà cơ bản là khóc không giải quyết được gì cả, nên mình cứ “lì lợm” vượt qua. Như MV “Đàn ông không cần khóc”, tôi cũng chọn những nhân chứng sống ngay xung quanh và truyền cảm hứng cho mọi người rất nhiều.

Âm nhạc của tôi đã hướng đến mọi người, bớt đi "cái tôi' xa vời...

- PV: Nhìn lại quãng đường đã qua, anh có thấy nuối tiếc điều gì không, có ấp ủ gì mà chưa làm được chẳng hạn?

- Ca sĩ Tùng Dương: Cũng có đấy. Như việc tôi rất thích có thể làm liveshow ở sân vận động có hàng chục nghìn khán giả nhưng chưa làm được. Nói chung những cái mình thích và hướng đến là mong muốn thôi nhưng không hẳn là do giá trị của mình.

- PV: Làm liveshow ở sân vận động thì tới nay mới có một số nghệ sĩ ở dòng nhạc thị trường, hát nhạc đại chúng mới dám làm. Trở lại với live-concert “Người đàn ông hát” tới đây của Tùng Dương, liệu có phải là hành trình đi đến đại chúng hóa khi kết hợp với nhiều nam ca sĩ trẻ và “hot hit”?

- Ca sĩ Tùng Dương: Nếu đại chúng hóa thì có lẽ Tùng Dương phải làm ở những nơi lớn nữa, hoặc làm ở nhà thi đấu. Nhưng tôi vẫn muốn giữ tinh thần kinh viện ở trong Nhà hát. Tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ có những mối duyên đến và đi, ai ở lại đều là những người hay cả. Lớp trẻ giờ có rất nhiều người thú vị như Soobin Hoàng Sơn – một nghệ sĩ với hình ảnh đa di năng, vừa giải trí nhưng rất trí tuệ, cả gia đình truyền thống ba đời làm nghệ thuật, bản thân bạn ấy vẫn giữ được tinh thần dân tộc dân gian trong âm nhạc là điều đáng quý. Hay Trung Quân là một giọng hát giàu nội lực, cao “mái” rất lạ, đang rất thành công, “sô” nào cũng “cháy” vé. Nhìn bạn ấy lại thấy một Tùng Dương trước kia, máu lửa và vẫy vùng trong địa hạt âm nhạc của mình. Hay Tăng Duy Tân là một người em của tôi, mình cứ mời đi đâu xa mà không mời người em họ tài năng như vậy, một “hit-maker” sáng tác bài nào là “viral” bài đấy. Năm nay em ấy cũng trở lại, làm album mới đầu tiên, thành công với rất nhiều giải thưởng âm nhạc quan trọng.

- PV: Anh nghĩ sao nếu ai đó cho rằng âm nhạc của Tùng Dương đã bớt đi “cái tôi” và anh đã chịu “nhún” mình hơn so với trước để tiếp cận với khán giả đại chúng?

- Ca sĩ Tùng Dương: Đúng là âm nhạc của tôi đang hướng đến dành cho mọi người, bớt đi cái tôi xa vời, những gì mình từng chiêm nghiệm quá của chính mình, đôi khi mang sự áp đặt của mình một cách thái quá lên mọi người. Tôi nhận ra âm nhạc đấy chỉ tôn vinh bản thân mình và bây giờ tôi đã qua ngưỡng đấy rồi, giờ âm nhạc của mình hướng đến tôn vinh mọi người. Rất nhiều những hình ảnh truyền cảm hứng xuất hiện trong cuốn MV mới đây của tôi như MV “Cánh chim Phượng hoàng” đều là những giai nhân, tài năng, tạo ra giá trị riêng truyền cảm hứng…Hay MV “Đàn ông không cần khóc” là diễn viên Quốc Tuấn với câu chuyện vô cùng cảm động về sự hy sinh của tình phụ tử; hay diễn viên Quang Tuấn được mệnh danh “ông hoàng phim kinh dị”, mải miết đóng toàn những vai thảm khốc, gai góc; rồi một người chuyển giới trở thành một Gymer thành công, vượt qua nhiều định kiến trong xã hội…

- PV: Trước nay người ta vẫn gọi Thanh Lam là “người đàn bà hát”, giờ có Tùng Dương làm “người đàn ông hát”. Thật ra sự “đàn bà” của Thanh Lam mà mọi người nhìn nhận có lẽ không chỉ trong âm nhạc mà còn ở sự nữ tính và cả chất nữ quyền mạnh mẽ toát ra từ con người ngoài đời thật. Ở phía đối trọng, tự anh, anh cảm thấy thế nào về sự “đàn ông” trong và ngoài âm nhạc của Tùng Dương?

- Ca sĩ Tùng Dương: Tôi nghĩ đó chính là sự quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, ở đó vẫn có sự mãnh liệt đầy đủ cung bậc cảm xúc, ở trong một người đàn ông thời đại vẫn có sự tinh tế. Đấy là mong muốn của tôi là vậy. Tôi sẽ hát với trải nghiệm của một người đàn ông nào đấy – mẫu người đàn ông hoàn hảo với các chị em phụ nữ. Tôi không nhận mình là người đàn ông hoàn hảo như thế nhưng tôi muốn tôn vinh tinh thần đó của người đàn ông: trượng nghĩa, không có sự gia trưởng, tinh tế với phụ nữ và sẵn sàng nhận thua thiệt về mình. Ít nhất có kim chỉ nam nào đấy kết nối họ làm những điều thiện lành và tốt đẹp cho cộng đồng. Không có gì hoàn hảo cả, chúng ta hướng đến những gì nội tại trong bản thân mà có thể đem lại niềm vui cho mọi người. Nhiều người đàn ông cao to lực lưỡng vẫn hơn thua chị em, cãi phụ nữ nhem nhẻm kia (cười). Nói vui vậy thôi, tôi thì tôi nghĩ không có gì là hoàn hảo cả. Chúng ta hướng đến những gì tích cực nhất, đem lại những giá trị lợi ích tốt đẹp trước hết là cho bản thân mình, rồi cho gia đình và cộng đồng nữa.

Đi một mình thì cô độc lắm, cô độc dễ dẫn đến ích kỷ và vị kỷ

- PV: Trước kia người ta vẫn nói Tùng Dương đi trên con đường độc đạo, có gì đó hơi cô đơn và cô độc trên con đường anh đi. Một vài năm trở lại đây bắt đầu thấy Tùng Dương đi tìm những người bạn đồng hành, có sự thỏa hiệp nào đó không khi anh quyết định không đi một mình nữa?

- Ca sĩ Tùng Dương: Đúng, đi một mình thì cô độc lắm, mà cô độc dễ dẫn đến ích kỷ, vị kỷ, mình “nhốt” mình lại trong “nhà giam” tinh thần chỉ có mình ở trong đó, rồi mình vỗ ngực mình là độc nhất, là số 1, không ai chạm được đến đền đài của mình. Như thế là bi kịch của người nghệ sĩ. Nên đi đường dài đương nhiên phải có những người bạn đồng hành, họ thậm chí còn cứu rỗi tâm hồn mình rất nhiều. Cái đấy là thoát ra được sự ích kỷ của chính mình, chết chìm trong hào quang của chính mình vốn là bi kịch của người nghệ sĩ. Có lẽ đến một thời điểm nào đó, mà tính người đàn ông trong mình đã nhận ra mọi thứ đấy.

Những dự án trước của tôi, tôi cho rằng nó vẫn vị kỷ với bản thân mình, chỉ làm mình thỏa mãn sự muốn trưng trổ, thể hiện với mọi người thôi. Để đạt được sự chuyển mình như bây giờ cũng là cả một quá trình. Có thể ai đó nói tôi thỏa hiệp cũng không sao, tôi cũng đồng ý. Bởi vì tôi vẫn cần sự đồng hành chia sẻ của mọi người, nếu không tôi lại tự “nhốt” mình, tự hát cho mình nghe, chẳng ai nghe tôi hát nữa. Tôi vẫn giữ sợi chỉ xuyên suốt con đường độc đạo mà mình đã và đang đi, chỉ có điều hiện tại thì con đường ấy mở rộng thênh thang hơn nếu chúng ta biết học hỏi, khai phá và liên minh với người khác. Cái này tôi nghĩ phải học tinh thần của các doanh nhân vì họ cũng không “đơn thương độc mã” mà vẫn kiếm tìm những cánh tay đắc lực, đối tác để hợp tác, người giỏi kích ứng nhau lên và tạo nên giá trị. Cái đó là cái suy nghĩ lớn lên ở trong tôi, giúp tôi vượt qua những hạn hẹp nhỏ bé của chính mình. Hiện tại, Tùng Dương đã lớn!

- PV: Việc càng ngày càng có nhiều “fans” trẻ, thậm chí các cháu nhỏ biết đến “chú” Tùng Dương. Điều đấy đem lại cho anh cảm xúc thế nào?

- Ca sĩ Tùng Dương: Tôi mừng vì giá trị lớn nhất là các cháu biết đến chú Tùng Dương, không phải qua bài hát về tình yêu mà là ca khúc về tình yêu quê hương đất nước. Các cháu nhỏ gene G mà biết tôi qua những bài hát như vậy, thêm tự hào và yêu quê hương đất nước, đấy là niềm hạnh phúc vô cùng tận. Ví dụ các bài hát về tình yêu nhạc trẻ mà “viral” thì cũng rất tốt rồi, nhưng sáng tác về quê hương đất nước mà trở nên thịnh hành thì còn vui sướng hạnh phúc hơn, nhất là trong thời điểm nhiều giá trị lẫn lộn song hành. Bản thân tôi là một người rất yêu nước nên cả 4 nghệ sĩ trẻ mà tôi mời hát cùng mình trong live-concert “Người đàn ông hát” tới đây cũng là đều là nghệ sĩ chân chính, những người bộc lộ tình yêu đất nước lớn lao.

Chẳng có cái đỉnh nào cả, còn rất nhiều đỉnh khác, vời vợi và chông gai

- PV: Tùng Dương vẫn tự nhận mình là “học sinh giỏi Toán trường Nhạc”, nhưng thực tế thì các bước đi trên con đường âm nhạc của anh từ trước đến nay khiến nhiều người phải trầm trồ vì dường như có sự tính toán rất khôn ngoan và kỹ lưỡng, có sự tư duy rất rõ ràng và logic. Có ai đứng sau tư vấn cho anh không?

- Ca sĩ Tùng Dương: Thật ra đó là sự chuyển mình mà tự bản thân tôi cũng quay ra tìm kiếm bấy lâu nay, cũng thấy mình nên như vậy để mình vẫn còn tươi mới với thời đại, nếu không sẽ bị tụt hậu, dậm chân tại chỗ, hoặc không thích ứng được với các lớp trẻ. Điều đó cũng đến với tôi một cách hết sức tự nhiên, chứ bảo tính toán con số thì Tùng Dương rất…dốt (cười). Ngày xưa đi học là tôi chỉ giỏi môn Văn thôi, lớp chọn Văn đàng hoàng, nhưng mà học Toán, Lý, Hóa…thì đứng đầu từ dưới lên. Học mấy môn đó từ tai nọ sang tai kia, học thế nào mà toàn âm nhạc vang lên trong đầu, trong đầu cứ nghĩ đến MTV Most Wanted, Britney Spears, Mariah Carey, Whitney Houston…May sau chuyển sang học trường Nhạc viện, tôi ngồi cùng Nguyễn Đức Cường, hai đứa ngồi chung một bàn, Cường học Toán rất giỏi, mỗi lần mà thi là tôi toàn…“quay” bài của Cường (cười). Khánh Linh thì mơ mộng ngồi viết thư, nước mắt rơi nhỏ cả vào thư, nhiều kỷ niệm buồn cười lắm.

- PV: Có khán giả để lại bình luận trên mạng xã hội bảo nghe Tùng Dương lúc nào cũng như trên “đỉnh cột phát sóng”, anh nghĩ sao và phản ứng thế nào về bình luận đó?

- Ca sĩ Tùng Dương: Tôi cho rằng đấy là lời khen rất đáng yêu, nhưng cũng là sự thách thức mình vì chẳng có cái đỉnh nào cả. Cuộc đời nhiều gian nan, đến lúc chúng ta leo lên một cái đỉnh nào đó và thấy mãn nguyện với cái đỉnh đó, tức là chúng ta dừng lại rồi. Còn nếu thấy trước mắt vẫn còn nhiều đỉnh cao khác phải vượt qua tiếp, đấy mới là điều quan trọng. Thế nên, tôi luôn nghĩ còn rất nhiều đỉnh khác, cao hơn nữa, vời vợi và chông gai hơn nữa, để đến khi về già vẫn lồng lộn đứng hát trên sân khấu chứ (cười).

- PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Tùng Dương và chúc những dự định âm nhạc của anh sẽ thành công!