Nước cờ sai của Mỹ hủy hoại danh tiếng siêu tăng M1 Abrams

ANTD.VN - M1 Abrams được coi là một trong những chiếc xe tăng mạnh nhất hành tinh do sở hữu giáp tốt, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao. Tuy nhiên, khi bán xe tăng cho đối tác, Mỹ đã lược bỏ giáp siêu cứng uranium, khiến chúng rất dễ bị phá hủy trên chiến trường, đặc biệt trong cuộc chiến tranh với khủng bố IS vừa qua. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng của xe tăng M1 Abrams.

M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực do hãng General Dynamics của Hoa Kỳ sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense. Nó được coi là một trong những chiếc xe tăng mạnh nhất hành tinh do sở hữu giáp tốt, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao.

M1 Abrams cùng với T-80 của Nga là hai chiếc xe tăng duy nhất trên thế giới được trang bị động cơ tuốc bin khí. Ưu điểm của loại động cơ này là tăng tốc cực nhanh, dễ dàng cơ động lẩn tránh hỏa lực đối phương trên chiến trường tuy có nhược điểm ngốn nhiên liệu và khó bảo trì.

Hệ thống điện tử thông tin liên lạc và điều khiển hỏa lực trên xe khá hiện đại, các xe tăng có thể dễ dàng liên kết chia sẻ mục tiêu với nhau, và khai hỏa chính xác vào đối phương, bất kể ngày đêm.

Hơn nữa, những chiếc xe tăng này được trang bị giáp uranium siêu cứng, loại giáp này giúp xe tăng có thể sống sót cao trên chiến trường. Phần giáp dày nhất nằm ở mặt trước tháp pháo, nếu hỏa lực chống tăng bắn trực diện, sẽ không thể tiêu diệt được loại xe tăng này.

Nhưng chiến lược của Mỹ khác Nga, Nga sẽ bán vũ khí theo yêu cầu khách hàng, miễn là khách hàng chịu trả tiền. Mỹ thì bán vũ khí kèm theo các điều khoản chính trị và các vũ khí họ bán cho đối tác bị rút bớt tính năng.

Quân đội Iraq đã đặt mua hàng trăm xe tăng M1 Abrams của Mỹ bởi ấn tượng nó trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Khi đó xe tăng M1 Abrams đã diệt hàng trăm xe tăng T-72 của nước này.

Nhưng loại xe tăng được chuyển giao cho Iraq không giống như phiên bản của Mỹ, tất cả các xe tăng này đều bị loại bỏ giáp uranium siêu cứng. Điều này làm cho những chiếc M1 Abrams cực dễ tổn thương trên chiến trường.

Thậm chí ngay cả loại tên lửa chống tăng HJ-8E do Trung Quốc sản xuất, được sử dụng bởi lực lượng Peshmerga của người Kurd cũng dễ dàng phá hủy loại xe tăng này.

Hình ảnh chiếc xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất bốc cháy ngùn ngụt khi bị vũ khí chống tăng bắn trúng.

Trong cuộc chiến giữa Iraq với khủng bố IS, số lượng M1 Abrams bị bắn cháy tăng lên rõ rệt. Quân đội Iraq lúc đầu từng có trong tay 146 chiếc tăng M1 Abrams, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại họ chỉ còn khoảng 40 chiếc.

M1 Abrams của Iraq bị bắn cháy ngay cả bằng súng chống tăng RPG-7, loại vũ khí ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ.

Hình ảnh xe tăng M1 Abrams "thảm thương" trên chiến trường Iraq.

Công bằng mà nói, xe tăng M1 Abrams không phải quá yếu, chúng sẽ đặc biệt phát huy tác dụng theo học thuyết của Mỹ. Thường xe tăng Mỹ sẽ không chiến đấu đơn lẻ, chúng sẽ đi theo nhóm để hỗ trợ nhau, trên cao là các máy bay cường kích yểm trợ.

Nhưng nếu chiến đấu một mình, M1 Abrams sẽ liền "hụt hơi" so với xe tăng T-90 của Nga. 

Bán cho đối tác, Mỹ lại quyết định gỡ vỏ giáp siêu cứng thay vì rút tính năng điện tử hay hỏa lực, vì vậy việc M1 Abrams dễ bị loại khỏi vòng chiến đấu trên chiến trường khiến danh tiếng của loại xe tăng này rớt thảm hại.

Ngay cả quân đội Iraq vốn lúc đầu tính trang bị trên 300 chiếc M1 Abrams, nhưng màn thể hiện quá tồi tệ vừa qua đã khiến họ đổi ý, tìm đến mua xe tăng T-90 của Nga.