Nữ sinh và nguy cơ bị bạo hành

ANTĐ - Ngày càng nhiều vụ bạo hành xâm hại học sinh nữ với đủ các dạng: dọa nạt “khủng bố” tinh thần, xâm hại về thân thể, bạo hành giữa học sinh với học sinh và với các băng nhóm ngoài xã hội, xúc phạm nhân phẩm… Hiện trạng này khiến cho dư luận lo ngại, phụ huynh học sinh phẫn nộ và tác động tiêu cực đến chính bản thân học sinh.

Hà Nội đang xây dựng thí điểm mô hình trường học an toàn-thân thiện với học sinh nữ

Dằn mặt nhau vì mâu thuẫn tình cảm

Lãnh đạo trường THPT Kim Anh - Sóc Sơn kể, tại trường mấy năm học trước xảy ra các vụ mâu thuẫn giữa 2 học sinh trong 2 nhóm bạn nữ. Cả 2 tốp học sinh nữ này đã hẹn nhau ra một điểm cách xa trường rồi nhảy vào đánh nhau tập thể, đấm đá như học sinh nam. Vụ việc đã được can ngăn kịp thời do vị trí đánh nhau gần một tiểu đoàn bộ đội. Cũng xảy ra tại trường này, vụ việc khiến giáo viên hết sức bất ngờ khi 2 học sinh nữ vì ghen tuông, yêu một bạn trai trong trường đã dùng kẹp tóc đâm vào người nhau. Vẫn vì chuyện tình cảm, một học sinh nữ đã có hành động “khủng bố” khi công khai mang vào trường một chai rượu và dao vào trường uống... 

Mâu thuẫn tình cảm không chỉ xảy ra với nữ sinh THPT. Dẫn chứng một trường hợp khá nghiêm trọng xuất phát từ việc ghen tuông xảy ra tại trường THCS Dương Quang, Gia Lâm cách đây 2 năm, một học sinh nữ lớp 9 đánh và ép học sinh nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh. Nguyên nhân chỉ do nữ sinh lớp 9 hiểu nhầm nữ sinh lớp 7 cướp người yêu của mình. Em này đã rủ thêm một người bạn thân khác đánh nữ sinh lớp 7 trong nhà vệ sinh rồi dọa nạt và ép uống thuốc ngủ. Sự việc có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu như không được nhà trường phát hiện và giải quyết.

Lãnh đạo Trường THPT Kim Anh cho biết: “Đối với các em nữ không chỉ là vấn đề không an toàn về thân thể mà vấn đề chính là yếu tố tinh thần, những hiện tượng xấu, những vấn đề không lành mạnh ảnh hưởng khiến các em có những suy nghĩ bồng bột, hiểu biết lệch lạc, hành động thiếu suy nghĩ... Đây là vấn đề chúng tôi thấy lo ngại, vì tâm tư suy nghĩ của các em chúng ta không biết hết được, không kiểm soát được và khó lượng trước được các sự việc”.

Đúc kết từ kinh nghiệm quản lý, cô Nguyễn Phương Liên, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bạo lực với học sinh nữ trong trường học là xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. Các mâu thuẫn xuất phát từ nguyên nhân này nhiều khi gây nên hậu quả khá nghiêm trọng. Đáng nói là còn nhiều cách “bạo hành”  khác như khi không nhận được lời đồng ý yêu từ đối phương, các học sinh nam thường mang bạn lên Facebook để nói xấu và làm mất danh dự của học sinh nữ, hoặc có thể dùng tin nhắn điện thoại đe dọa, “khủng bố” tinh thần các em nữ. Theo cô Nguyễn Phương Liên: “Nữ sinh nếu không có giải pháp phù hợp thì sẽ rơi từ trạng thái lúng túng, cam chịu đến thỏa hiệp với những dạng bạo hành này”.

Nguy cơ xâm hại lớn 

Hiện tỷ lệ học sinh nữ trên tổng số học sinh toàn thành phố chiếm 48,32% lứa tuổi 11-15 (155.000/322.000 HS THCS) và gần 53% lứa tuổi 16-18 (108.000/ 206.000 HS THPT). “Con số nêu trên cho thấy một nửa học sinh  trong độ tuổi cần được sự quan tâm đặc biệt của xã hội trong bối cảnh trẻ em gái vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ, bạo lực rất đa dạng, vẫn bị xâm hại thân thể, bạo hành giữa học sinh với học sinh, bắt nạt em gái…” – ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

Ảnh hưởng xấu của phim truyện người lớn trên mạng đang tác động mạnh đến an toàn trường học khi ngày càng có nhiều trường hợp giáo viên phát hiện học sinh nữ bị các bạn nam hoặc học sinh lớp lớn hơn dồn vào phòng vệ sinh trong giờ ra chơi hoặc cuối buổi học để giở trò sàm sỡ…Điều này được cô Nguyễn Thị Bạch Loan, trường THCS Kiến Hưng, Hà Đông chia sẻ. Nghiêm trọng hơn là khi học sinh tuổi ô mai nhưng lại sớm quen với chuyện người lớn. Khu vực nhà nghỉ xã Xuân Phương, Từ Liêm vừa qua xảy ra vụ việc một học sinh nữ thuê bạn, cầm dao, gậy gộc xộc vào nhà nghỉ H.L để bắt quả bạn trai đang ngủ với bạn gái mới. Người dân ở đây cho biết, nếu không nhờ sự can thiệp của người “xe ôm” thì nữ sinh bị đánh ghen chưa biết sẽ lĩnh hậu quả đến đâu khi bị nữ sinh kia cùng nhóm côn đồ túm tóc lôi xuống đường đánh đấm mà chưa kịp mặc quần áo…

Theo cô Vũ Thị Minh Hiển, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Oai thì trường này cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn Hà Nội đều phải đối mặt với vấn đề bạo lực xảy ra ở cả học sinh nam và nữ. Những mâu thuẫn chưa bùng nổ nhưng có nguy cơ trở thành bạo lực nếu không được phát hiện kịp thời. Để ngăn chặn tình trạng này, theo cô Vũ Thị Minh Hiển, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm luôn phải gần gũi, chia sẻ tâm tư, tình cảm, khúc mắc tuổi mới lớn. 

Nói về giải pháp, cô Lý Thị Lương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên cho biết mô hình tổ tư vấn tâm lý Tuổi hồng do nhà trường cùng phụ huynh đứng ra tổ chức đã giải quyết không ít những manh nha mâu thuẫn, bạo hành học đường, đặc biệt là những tâm tư, tình cảm của học sinh nữ lứa tuổi dậy thì đã có nơi để chia sẻ. “Hai năm hoạt động của tổ tư vấn tâm lý đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện tại, khó khăn là vấn đề kinh phí duy trì vẫn phải có sự hỗ trợ của phụ huynh. Chúng tôi rất mong đây sẽ là mô hình được thành phố triển khai đồng đều trong các trường học” – cô Lý Thị Lương nhấn mạnh.

Ủng hộ cao sáng kiến phối hợp với tổ chức Plan Việt Nam của Sở GD-ĐT Hà Nội trong việc xây dựng dự án “Thí điểm mô hình trường học thân thiện với trẻ em gái” với dự kiến mức đầu tư ban đầu từ Plan Việt Nam là 1 triệu USD, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội  nhấn mạnh cần để cho học sinh chủ động đề xuất, lên tiếng về tâm tư, nguyện vọng của mình thay vì áp đặt theo kinh nghiệm bản thân phụ huynh, hay giáo viên. “Trang bị, cập nhật kiến thức giới cho giáo viên là điều rất cần thiết để khi dự án kết thúc thì vẫn có thể tiếp tục nhân rộng hiệu quả chương trình” – TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Thực trạng  bạo lực trên cơ sở giới ở trường học, theo bà Pranita Achyut, chuyên gia chương trình về giới và giáo dục – Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ cho biết, đây là vấn đề toàn cầu. Theo đó, quấy rối tình dục đối với nữ sinh là phổ biến trên toàn thế giới trong khi mới chỉ có 50% quốc gia có chính sách cấm trừng phạt thân thể ở trường học. Hậu quả của bạo lực trên cơ sở giới ở trường học gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý và sinh lý của học sinh dẫn đến hành vi trốn học, bỏ học và thành tích học tập không tốt.