- Cuối năm, lượng rác thải trong nội thành tăng đột biến
- Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội thị sát bãi rác Xuân Sơn, yêu cầu hạn chế ảnh hưởng môi trường
- Giải pháp nào cho vấn đề xử lý môi trường, rác thải?
Bà Đỗ Thị Hoa, 49 tuổi là công nhân môi trường từ những năm 1998, hiện tại là Tổ trưởng Tổ môi trường số 9 chi nhánh Ba Đình của Công ty THHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội.
Tiếp xúc với bà Hoa trong giờ làm việc, bà Hoa chia sẻ: “Nghề chúng tôi là nghề phục vụ, làm việc quanh năm không có ngày nghỉ, bất kể thời tiết khắc nghiệt thế nào, vẫn phải thường xuyên tăng ca để đảm bảo vệ sinh cho khu vực tổ đảm trách. Vì hằng ngày phải tiếp xúc với rác bẩn, không khí ô nhiễm, nhiều lúc mắc bệnh vì môi trường làm việc độc hại nên thiệt thòi rất nhiều thứ”.
“Tôi làm nghề này 21 năm rồi, trước giờ vẫn quen với việc dọn vệ sinh thủ công. Từ khi cơ giới hóa, tôi và các chị em trong tổ cũng mất nhiều thời gian để làm quen. Hà Nội có rất nhiều ngõ nhỏ, việc đi vận động người dân đổ và thu gom rác trong các ngõ rất khó khăn, cơ giới hoàn toàn không thể vào được mà bắt buộc chúng tôi phải sử dụng phương pháp thủ công, đi từng nhà để thông báo” - bà Hoa kể.
Mỗi dịp lễ lớn trong năm cũng là khi công việc của chị và các đồng nghiệp thêm vất vả. “Chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi vì số lượng công việc tăng lên gấp đôi. Khu vực tôi làm có Công viên Thủ Lệ, những ngày lễ, người dân xả rác rất nhiều, vừa dọn rồi nhưng vài phút sau đâu lại vào đấy khiến cho công ty phải tăng cường công nhân, túc trực 24/24h. Như thế mới đảm bảo được những địa điểm đông người qua lại luôn xanh - sạch - đẹp” – bà Hoa chia sẻ.
Công nhân môi trường là nghề không chỉ vất vả với công việc nặng nhọc mà đôi khi còn đối diện với nguy hiểm. Bà Hoa tâm sự: “Chúng tôi gặp không ít khó khăn trở ngại, nhất là vấn đề an toàn giao thông. Phải xuống đường dọn rác vào thời điểm giao thông ùn tắc hay khi các phương tiện di chuyển nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay, thậm chí có thể bị tai nạn nếu không chú ý. Tổ của tôi đã có một chị bị tai nạn vào Mùng 1 Tết năm ngoái do va chạm với người đi xe, cũng may chỉ xây xước nhẹ…”.
Công nhân môi trường có nhiệm vụ giữ cảnh quan đô thị sạch đẹp, nhất là trong những sự kiện lớn của đất nước, thành phố. “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên diễn ra ở Hà Nội - Việt Nam là một sự kiện lớn. Chúng tôi được phân công đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị theo từng tuyến khác nhau. Tuyến chúng tôi phụ trách có đoàn cấp cao đi qua gồm Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh - Đào Tấn.
Suốt một tuần từ lúc chuẩn bị cho đến lúc diễn ra hội nghị, chúng tôi đã phải cố gắng hết sức để giữ cho môi trường sạch đẹp nhất. Có vất vả nhưng cứ nghĩ đó là vinh dự, tự hào của thành phố, của đất nước, nên tổ chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành công việc” – bà Hoa kể.
Những công nhân môi trường đô thị phải đồng hành cùng xe rác bất kể thời tiết, hay ngày nghỉ, Lễ Tết
Nói về công việc hàng ngày, chị Hoa cho biết: “Thói quen đổ rác của người dân là dồn hết rác vào một chỗ, những nơi không phải điểm đổ rác cũng đổ, không phân loại rác vô cơ, hữu cơ nên việc ứ đọng rác cũng là điều dễ hiểu. Nếu cứ thu gom rác như thế, việc thay đổi hệ thống xử lí rác sẽ rất khó khăn. Xe chở rác của thành phố cũng không có sự phân loại rác mà cùng chở cùng xe nên chúng tôi muốn phân loại rác cũng không được”.
Chị Hoa kiến nghị: “Phân loại rác thải trước khi thu gom và đổ rác đúng nơi quy định là điều nên làm. Hành động đơn giản như thế sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Tất nhiên, việc phân loại rác phải xuất phát từ ý thức và thói quen của mỗi người. Nếu việc này trở thành thói quen thì tình trạng ùn tắc rác sẽ được cải thiện và công nhân môi trường chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều”.
Chị Hoa cùng đồng nghiệp trong giờ nghỉ giải lao
Vừa qua, phong trào “thử thách dọn rác” do những người trẻ tham gia xuất hiện nhiều trên các mạng xã hội. Khi được hỏi về phong trào này, chị Hoa tỏ ra ngạc nhiên: “Đó là một phong trào thiết thực và ý nghĩa. Thay vì chạy theo những trào lưu vô bổ trên mạng xã hội, tôi nghĩ, đây là một hành động đẹp của giới trẻ hiện nay.
Thanh niên ý thức được tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội là một suy nghĩ tích cực. Tôi mong muốn phong trào này càng ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ để những nơi công cộng lấy lại được vẻ đẹp, cũng là góp phần nhỏ để bảo vệ môi trường sống”.