Nóng: Việt Nam ghi nhận biến chủng mới BA.5 của Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 27-5, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận biến chủng phụ của Omicron là BA.5, có khả năng sẽ lấn lướt các biến chủng cũ.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Chiều nay, 27-6, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh và tiến độ tiêm vaccine Covid-19.

Tại đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân thông tin, trên thế giới hiện nay, các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục được đánh giá. Các chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn; có biểu hiện nặng nhưng chưa được nghiên cứu bài bản nên chưa chính thức công bố.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thấp với chủng lưu hành vẫn là BA.2 biểu hiện nhẹ; tỷ lệ tiêm chủng dần tới mức cao hơn. Việt Nam có chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao với hình thức tiêm chủng đa dạng, tiêm chủng tại nhà…

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch vẫn phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vaccine phòng Covid-19.

Đáng lưu ý, ông Phan Trọng Lân thông tin, qua phân tích, giải trình tự gen, Việt Nam đã có biến chủng BA.5 xâm nhập. Theo ông, chuyện xâm nhập biến chủng mới là tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại… Điều cần cảnh báo là biến chủng mới có thể có nguy cơ lấn lướt chủng cũ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.

Thông tin thêm về vấn đề này, tại cuộc họp, đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, với sự gia tăng của BA.4 và BA.5, một số quốc gia trên thế giới đã có hệ lụy là tỷ lệ nhập viện, hồi sức cấp cứu gia tăng nhiều hơn.

PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin về công tác tiêm chủng tại buổi họp báo
PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin về công tác tiêm chủng tại buổi họp báo

Liên quan đến sự cần thiết của việc tiêm mũi vaccine nhắc lại (mũi 3, mũi 4), tại cuộc họp, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế thông tin, tại Việt Nam, hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

Mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do Covid-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu Covid-19.

"Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản"- TS Dương nói.

Thực tế hiện nay, nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo.

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm, tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong.