“Nóng” tranh luận việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân thuê

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong phiên thảo luận chiều 26-10 về Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều ĐBQH đã tranh luận khá sôi nổi về quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân thuê…

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư, bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận

Vì vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.

Ngoài ra, cần quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Nhất trí với phương án quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách xã hội và tại các khu công nghiệp, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có quy định và lộ trình cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

Tranh luận về một số ý kiến trên, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân thuê là chưa thỏa đáng vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động. Bởi nếu khi nhà ở này có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Mặt khác, khi đoàn viên công đoàn thiếu nhà ở thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm.

Do đó, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, tổ chức công đoàn chỉ nên là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động ở những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) tranh luận

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) tranh luận

Cùng tham gia tranh luận về việc Tổng Liên đoàn lao động tham gia phát triển nhà ở xã hội, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhận định, đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Hiện Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có, do vậy, cần có đánh giá tổng thể xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.

Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, sau đó tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã rõ.