Xung đột nối tiếp xung đột
Năm 2024 dần khép lại với những dấu hỏi lớn và mới nhất về tình hình bất ổn cũng như tương lai của đất nước Syria sau 14 năm nội chiến. Lực lượng đối lập với nòng cốt là nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) chỉ sau có 11 ngày bất ngờ phát động cuộc tấn công đã lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chấm dứt 24 năm cầm quyền của ông Bashar al-Assad, đồng thời đặt dấu chấm hết cho 54 năm nắm quyền của gia đình al-Assad, sau khi cha ông Bashar al-Assad là Hafez al-Assad lãnh đạo Đảng Baath giành quyền kiểm soát đất nước năm 1970 và trở thành Tổng thống Syria một năm sau đó.
|
Khu vực Trung Đông năm 2024 luôn “đỏ lửa” với những cuộc xung đột nối tiếp nhau |
Điều đáng nói là dù đã kiểm soát Thủ đô Damascus và các thành phố lớn, song lực lượng đối lập hiện đang kiểm soát tình hình đất nước Syria lại vẫn để Thủ tướng Ghazi al-Jalali được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục điều hành Nội các cũng như giải quyết các công việc của đất nước. Ông Hadi Al-Bahra, một lãnh đạo lực lượng hiện đang kiểm soát tình hình Syria cho biết, Syria cần giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để tạo dựng một môi trường an toàn, trung dung và yên tĩnh cho các cuộc bầu cử tự do.
Lực lượng nắm quyền hiện nay ở Syria dự định tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới trong vòng 6 tháng và sau đó tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Hiến pháp mới sẽ quyết định Syria theo thể chế nghị viện, thể chế Tổng thống hay kết hợp cả hai thể chế trên, từ đó bầu cử được tiến hành để người dân lựa chọn người lãnh đạo.
Chế độ Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ một cách chóng vánh nhưng chưa ai dám chắc điều này có giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 14 năm cũng như ổn định tình hình đất nước Syria. Câu hỏi này xem ra càng khó có câu trả lời hơn khi lực lượng đối lập nắm quyền ở Syria hiện nay gồm nhiều nhóm vũ trang khác nhau, chiếm giữ các vùng đất khác nhau ở quốc gia này.
Bất ổn tại Syria như thêm dầu vào ngọn lửa xung đột Trung Đông vốn “đỏ lửa” suốt năm 2024 này khi cuộc xung đột trực diện giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza thuộc Palestine leo thang thành cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanone và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột quy mô lớn là xung đột giữa Israel với Iran, quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ cho cả lực lượng Hamas ở Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Đối đầu giữa Israel và lực lượng Hamas và người Palestine, nhìn rộng ra là đối đầu giữa Israel và các quốc gia Arab ủng hộ, hậu thuẫn cho cho các lực lượng Hamas và Hezbollah nói riêng, người dân Palestine nói chung càng thêm quyết liệt khi nhìn vào những gì mà Israel đã gây ra. Cơ quan y tế Gaza ngày 10-12 vừa qua cho biết, chiến dịch của quân đội Israel đã khiến hơn 44.700 người chết, gần 106.200 người bị thương, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em. Tính ra, cứ 10 người Palestine ở Dải Gaza thì có 9 người mất nhà cửa, sống trong tình cảnh nguồn cung thực phẩm, y tế và các dịch vụ thiết yếu khác cực kỳ hạn chế.
Iran và Israel từng có quan hệ gần gũi, nhưng trở nên thù địch từ sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, khi Tehran quay sang ủng hộ các nước Arập. Trong thập niên 1980, Iran xây dựng mạng lưới “Trục kháng chiến” gồm nhiều nhóm vũ trang ở Syria, Iraq, Lebanon, Yemen, trong đó nổi bật là Hezbollah và Houthi. Cuộc chiến ngầm giữa Israel và Iran chuyển thành đối đầu trực tiếp khi Israel phóng tên lửa hạ sát các thành viên cấp cao của Iran, thậm chí tấn công ở Thủ đô Tehran và sau đó là đòn trả đũa của Iran.
Xung đột tại Trung Đông có hạ nhiệt phần nào sau khi Israel và Hezbollah đạt thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày (hiệu lực từ ngày 27-11), tuy nhiên thỏa thuận này có nguy cơ sụp đổ bất cứ lực nào do Israel và Hezbollah đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn và đã có động thái đáp trả. Trong khi đó, xung đột, đối đầu giữa Israel với Hamas, Iran chưa tìm thấy lối thoát hòa bình.
Cần giải pháp căn cơ
“Lò lửa” Trung Đông hiếm khi nào tắt hoàn toàn mà luôn cháy, khi thì âm ỉ khi lại bùng phát thành ngọn lửa lớn nung nóng không chỉ khu vực địa chính trị quan trọng, là “rốn dầu” của thế giới này. Dù đã có những nỗ lực cùng rất nhiều giải pháp được đưa ra, song chưa giải pháp nào giúp giải quyết gốc rễ những căn nguyên của mâu thuẫn, đối đầu và xung đột do các mâu thuẫn, xung khắc lợi ích ở khu vực. Trước hết là đối đầu giữa Israel và một số quốc gia Hồi giáo Arab Trung Đông cũng như mâu thuẫn chồng chéo, xung đột lợi ích giữa các quốc gia Arab và đằng sau đó là bóng dáng của chiến lược, lợi ích của các nước lớn.
Đối đầu giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo Arab Trung Đông đã kéo dài nhiều thập kỷ qua, thậm chí là căn nguyên dẫn tới các cuộc chiến tranh quy mô lớn cùng rất nhiều cuộc xung đột ở quy mô khác nhau. Giữa Israel và một số quốc gia Hồi giáo Arab Trung Đông đã bùng phát hai cuộc chiến tranh quy mô lớn vào các năm 1967 và 1973, cùng với đó là các cuộc chiến quy mô giữa nhà nước Do Thái này với Syria, Palestine hay tại Lebanon. Sự đối đầu đó không dễ hòa giải khi căn nguyên của nó xuất phát từ nguyên nhân tôn giáo, sắc tộc. Cộng thêm đó là mâu thuẫn, tranh chấp về lãnh thổ với cáo buộc của các quốc gia Arab về việc Israel chiếm đóng các vùng đất của người Hồi giáo Arab.
Ngoài ra, ngay giữa các quốc gia Hồi giáo Arab tại Trung Đông cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung khác lợi ích… là nguyên nhân sâu xa của không ít cuộc xung đột, nội chiến. Các cuộc cách mạng màu, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Trung Đông cũng làm nảy sinh thêm xung khắc, mâu thuẫn trong lòng các quốc gia Arab Trung Đông.
Đằng sau các mâu thuẫn, đối đầu, xung đột ở địa bàn Trung Đông chiến lược trọng yếu của thế giới là còn bóng dáng của các nước lớn cùng lợi ích chiến lược toàn cầu của họ. Các cuộc can thiệp quân sự, thao túng kinh tế và các cuộc đảo chính, nội chiến được hậu thuẫn từ bên ngoài đã tác động lớn tới chính trị, ổn định và an ninh của khu vực này. “Hạ nhiệt lò lửa” Trung Đông không chỉ cần các giải pháp tức thời mà quan trọng hơn là giải pháp đó phải hướng tới giải quyết được các nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột, đối đầu trong khu vực.