Nông dân Ba Vì nuốt nước mắt bán đàn bò sữa

ANTD.VN - Trong khi ngành nông nghiệp luôn khuyến khích nông dân phát triển đàn bò sữa, tăng lượng sữa tươi trong nước để giảm nhập khẩu thì các doanh nghiệp thu mua sữa của nông dân luôn tìm cách ép giá sữa tươi nguyên liệu. Nuôi bò không có lãi, thậm chí còn thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi đã phải nuốt nước mắt bán đi đàn bò tâm huyết cả chục năm trời.

Nông dân Ba Vì nuốt nước mắt bán đàn bò sữa ảnh 1

Người nông dân Ba Vì bức xúc vì giá thu mua sữa tươi liên tục giảm

Giá sữa giảm liên tục, nông dân chán nản

Xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, một trong những xã nuôi bò sữa nhiều nhất của huyện những ngày này đang “nóng” vì tình trạng nông dân bị ép giá sữa thu gom ở mức quá thấp. Nhiều hộ chăn nuôi vì không còn đường nào khác đã phải bán đi cả đàn bò sữa, đoạn tuyệt với nghề chăn nuôi bò sữa.

Chị Bùi Thị Phú, thôn Bặn, xã Vân Hòa kể, nhà chị nuôi 7 con bò sữa đã nhiều năm nay và có ký hợp đồng với Công ty CP sữa quốc tế (IDP), mỗi ngày cân khoảng 150kg sữa tươi nguyên liệu cho trạm thu mua. Thế nhưng, giá sữa khoảng hơn 1 năm nay luôn duy trì ở mức dưới giá sàn. “Giá sàn công ty đưa ra là 10.200 đồng/kg nhưng hơn 1 năm nay, giá sữa trạm thu mua của nhà tôi chỉ được 8.000-9.500 đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc thì được thông báo, do sữa nhà tôi bị vi sinh, mà tôi thì không biết vi sinh là gì”, chị Bùi Thị Phú bức xúc. 

Mỗi ngày 2 lần, các hộ chăn nuôi mang sữa đến các trạm thu mua để cân sữa, phía trạm sẽ lấy mẫu và 2-3 ngày sau thì trả lời rằng, sữa không đạt, bị nhiễm vi sinh… Mỗi lần như vậy, 15 ngày kế tiếp, sữa sẽ bị tính giá thấp. Trong khi các hộ chăn nuôi cho biết, bò vẫn được chăn nuôi, chăm sóc, vệ sinh bình thường. Do vậy, mỗi khi trạm thông báo sữa bò không đạt thì các hộ nông dân không biết khiếu nại ở đâu, đành chấp nhận giá sữa bị giảm một cách mập mờ.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Bặn, xã Vân Hòa, Ba Vì đã có thâm niên chăn nuôi bò sữa hơn 10 năm nay và có ký hợp đồng thu mua với Công ty IDP. Tuy vậy, hơn 1 năm trở lại đây, giá sữa bò nhà ông Bình chỉ được thu mua ở mức 8.000-9.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm nửa đầu tháng 9-2016, giá sữa tụt xuống còn 6.654 đồng/kg. “Khi trả tiền họ thông báo giá sữa nửa tháng 9 nhà tôi bị thấp là do có vi sinh. Tôi thắc mắc thì họ bảo, liên hệ trực tiếp với phía công ty. Mà nông dân chúng tôi làm sao biết đầu mối của công ty ở đâu, gặp gỡ ai mà hỏi”, ông Nguyễn Văn Bình bày tỏ. 

Quá bức xúc vì việc giá sữa liên tục giảm, ông Nguyễn Văn Bình đã bán toàn bộ đàn bò sữa gồm 4 con bò cao sản với giá 130 triệu đồng (trong khi giá đầu tư 1 con bò sữa là 60-70 triệu đồng). Ông Bình còn bán luôn cả máy vắt, máy thái cỏ…  với giá đồng nát, “đoạn tuyệt” với nghề nuôi bò sữa. “Hiệu quả chăn nuôi ngày càng kém, phía Công ty ngày càng o ép nông dân, cắt bỏ hoàn toàn hỗ trợ và luôn tìm cớ để trừ đầu, trừ đuôi nên càng làm càng lỗ. Do vậy, tôi hết tâm huyết rồi, bán cả đàn bò thôi”, ông Nguyễn Văn Bình chán nản.

Đủ đường o ép

Theo phản ánh của người dân, trong khi sữa chỉ bán được với giá “bèo”, nông dân còn phải mua cám bò của trạm thu gom với giá đắt hơn giá thị trường từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg. Cụ thể, 1 bao cám cho bò 20kg, giá bán ở các đại lý là 280.000 đồng/bao, thì các trạm thu gom sữa bán cho nông dân từ 315.000 đồng - 320.000 đồng/bao.

Khi được hỏi tại sao không mua cám ở ngoài cho rẻ, các hộ chăn nuôi cho biết, nếu không mua cám của các trạm thu gom sữa thì giá sữa sẽ còn giảm nữa, bởi các lý do như sữa không đạt chất lượng, bị vi sinh… Thế nên, ở Vân Hòa đã hình thành một luật “ngầm”, các hộ chăn nuôi bò sữa đều phải mua cám của các trạm thu gom để sữa không bị “bắt lỗi” vô lý. 

Theo các hộ chăn nuôi bò sữa ở địa bàn xã Vân Hòa, khoảng 3-4 năm trước, nuôi bò sữa còn có lãi khi giá sữa thu mua ở mức 13.000 -14.000 đồng/kg, hơn nữa, phía Công ty IDP còn hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư đàn bò không tính lãi, hỗ trợ hệ thống xử lý chất thải… nhưng khoảng 2 năm nay, Công ty cắt toàn bộ hỗ trợ. Cộng thêm việc giá sữa thu mua giảm mạnh, người chăn nuôi vất vả nhưng không hề có lãi, thậm chí còn bị lỗ.

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về thực trạng trên, ông Nguyễn Duy Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa thông tin, việc Công ty IDP thu mua sữa của bà con nông dân trên địa bàn xã với giá thấp đã diễn ra từ giữa năm 2014 và ngày càng giảm. Đến nay, giá thu mua ở mức rất thấp, trung bình 9.000 đồng/kg nên nhiều hộ chăn nuôi bị lỗ đã phải bán đàn bò sữa, tìm kế sinh nhai khác.

Ngay gia đình ông Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cũng đã phải bán đi đàn bò sữa vì giá thu mua xuống quá thấp, chăn nuôi không có lợi nhuận. “Xã cũng đã nhiều lần họp với UBND huyện Ba Vì, Công ty CP sữa IDP và kiến nghị đảm bảo giá thu mua sữa cho bà con có thể ổn định sản xuất nhưng phía Công ty nại lý do, giá thu mua sữa thấp vì cũng phải theo giá bình quân của thế giới!?”, ông Nguyễn Duy Ước cho hay. 

Lãnh đạo xã Vân Hòa cho rằng, nếu nói do ảnh hưởng của giá thế giới thì giá thu gom sữa tươi phải giảm trên thị trường cả nước, nhưng hiện giá thu gom sữa của Vinamilk tại một số địa bàn lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ… vẫn ở mức 11.000-14.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá thu gom của Công ty CP sữa IDP ở Ba Vì.

Vì thế, lý do phía Công ty đưa ra, theo lãnh đạo xã Vân Hòa là không thuyết phục. Còn về thông tin, nông dân phải mua cám của các trạm thu gom sữa với giá đắt hơn ngoài thị trường, ông Nguyễn Duy Ước cho biết, có nắm được phản ánh của người dân nhưng chưa có điều kiện để kiểm tra, làm rõ...