Bỏ thi riêng để tuyển sinh chung:

Nơi ủng hộ, nơi lo ngại

ANTD.VN - Việc ĐHQG Hà Nội ngày 13-12 công bố không tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2017 mà sử dụng chung kết quả thi THPT quốc gia khiến dư luận ngỡ ngàng. Vấn đề tuyển sinh đại học theo một nhóm chung cả nước hay tuyển sinh theo phương án riêng từng trường đang được thí sinh hết sức quan tâm.

Các thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay hồi hộp chờ phương án xét tuyển đại học

Có chung cách đánh giá

“Cách đây vài tháng, ĐHQG Hà Nội vẫn dự định tiến hành kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ cho công tác tuyển sinh bậc đại học năm 2017. Song, qua quá trình tham gia góp ý và xây dựng phương án cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT, ĐHQG Hà Nội thấy rằng, Bộ đang tích cực đổi mới và có nhiều điểm gần gũi với kỳ thi ĐGNL mà ĐHQG Hà Nội đã tổ chức trước đây. Trong bối cảnh như vậy, việc tập trung thêm lượng câu hỏi, nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia của Bộ là một việc cần thiết. Điều này cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội  và nhóm các trường đã đăng ký xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này, tránh cho thí sinh không phải thi hai kỳ thi có nhiều điểm giống nhau” - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội lý giải về việc dừng tổ chức thi ĐGNL.

Sau 2 năm triển khai, kỳ thi riêng của ĐHQG Hà Nội được đánh giá là khá thành công theo định hướng thi mới, tạo được sự tin cậy đối với phụ huynh và học sinh. Phương thức này giúp hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tránh học lệch/học tủ, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập.

Kỳ thi này cũng được một số trường đại học quan tâm và sử dụng chung kết quả để xét tuyển vào trường mình vào năm 2017. Trước băn khoăn về việc giải quyết như thế nào đối với các trường đã đăng ký dùng chung kết quả ĐGNL với ĐHQG Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQG Hà Nội sẽ có thông báo chính thức gửi các đơn vị này để có những điều chỉnh kịp thời. Quyết định không tổ chức kỳ thi này, ĐHQG Hà Nội cũng phải giải quyết vấn đề nhân lực, vật lực vốn đã đầu tư khá lớn cho kỳ thi ĐGNL 2 năm nay. 

Không chủ quan với việc xét tuyển theo nhóm 

Trong khi Bộ GD-ĐT đang đưa ra phương án cả nước tập trung sử dụng một nguồn dữ liệu để tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia với sự ủng hộ nói trên của ĐHQG Hà Nội thì vẫn nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng thành công của phương án này.

Chiều 13-12, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về phương án xét tuyển đại học 2017, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường này cùng một số thành viên trong nhóm GX đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về phương án xét tuyển đại học.

Đối với phương án cả nước xét tuyển chung một nhóm dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, PGS.TS Trần Văn Tớp đánh giá, sẽ rất có lợi cho thí sinh và cả các trường vì chỉ cần sử dụng một phần mềm phù hợp để sắp xếp đúng nguyện vọng của thí sinh cho dù thí sinh có đến 10 nguyện vọng. Các trường cũng tránh được nhiều đầu việc, đồng thời không còn phải đau đầu với tình trạng thí sinh “ảo”.

“Tuy nhiên, với xu hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh, việc có hay không tham gia vào một nhóm trên cả nước sẽ phụ thuộc và sự tự nguyện của mỗi trường. Thực tế, một số trường phía Nam đã có phương án tuyển sinh riêng. Vậy nếu các trường này không tham gia thì liệu họ có được sử dụng nguồn dữ liệu của Bộ không và nhiều trường không tham gia thì việc tránh thí sinh “ảo” theo mục tiêu ban đầu sẽ không thực hiện được” - PGS.TS Trần Văn Tớp lo ngại.

Ngoài ra, theo phân tích của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc tập trung thành một nhóm lớn xét tuyển chung trên cả nước đòi hỏi một sự ổn định từ đầu đến cuối về phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường. Trong khi đó, thực tế xét tuyển vẫn xảy ra các tình huống mà nhà trường phải điều chỉnh cho phù hợp như với những ngành điểm đầu vào quá cao thì phải tăng chỉ tiêu, hay ngược lại…

Vì nếu không điều chỉnh kịp, các trường sẽ mất cơ hội đón nhận những thí sinh có năng lực tốt. Đây là điều các trường khá lo ngại. Việc của Bộ GD-ĐT hiện nay là phải cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh khi quyết định xét tuyển chung hay vẫn để các trường tuyển sinh riêng.