Nói thế nào cho dân hiểu

ANTĐ - Từ đầu tháng ba giá xăng trung bình của các nước trên thế giới có tăng. Sau hơn nửa năm liên tiếp giảm theo giá xăng dầu thế giới, đây là lần giá xăng tăng trở lại. Nhiều người dân đã dần quen với việc giá xăng trong nước tăng theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Nhưng bên cạnh giá xăng thì giá điện cũng tăng, cùng với giá điện tăng và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng từ tháng 5 tới, người tiêu dùng không khỏi lo ngại nhiều mặt hàng có nguy cơ ồ ạt tăng giá theo. 

Kèm theo nỗi lo giá cả leo thang, dư luận vẫn chưa yên tâm với cách tính giá xăng, và giá thành điện hiện nay. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tăng giá sẽ tăng thu thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, giúp bù lỗ, cải thiện khả năng tích lũy để đầu tư tiếp... thì thật sự chưa đủ sức thuyết phục, rất khó chấp nhận khi giá thành điện hiện nay được EVN đưa vào cả các yếu tố về quản trị kém, thất thoát lớn, đầu tư ngoài ngành, chi phí bất hợp lý.

Về giá xăng dầu, tuy đã cơ bản bám sát theo thị trường thế giới, nên khi tăng lúc giảm, nhưng tăng thuế môi trường với xăng dầu quá cao - lên đến 3.000 đồng/lít xăng cũng chưa được người dân hiểu thấu cặn kẽ. Theo Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính khẳng định quyết định này không làm đội giá bán lẻ xăng dầu, nếu có tăng thì đó chỉ là do diễn biến giá trên thị trường thế giới mà thôi. Việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm đảm bảo bù đắp khoảng 84% mức giảm thu ngân sách Nhà nước khi giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế. Cũng theo đại diện Vụ Chính sách Thuế, việc tăng thuế môi trường cũng là cách tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách thay vì phụ thuộc vào những nguồn buộc phải giảm theo lộ trình. Với người dân, nói như vậy là khó hiểu vì giảm thuế này, tăng thuế kia là sao?

Ngay Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đã băn khoăn rằng, lý lẽ tăng biểu thuế bảo vệ môi trường chủ yếu để bù hụt thu, do giảm thuế xuất nhập khẩu, nên phải bù đắp, vì vậy chưa thuyết phục. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Hiện nay môi trường đang rất cần bảo vệ, để làm cho môi trường sạch hơn. Phải tập trung bảo vệ môi trường, cả ở Trung ương, địa phương, chứ cũng không thể thu hết về Trung ương đề bù cho giảm thuế nhập khẩu”.

Việc xăng đã kết thúc chuỗi giảm giá liên tục của giá xăng từ đầu tháng 7 năm ngoái đến nay để tăng giá tiếp theo điện sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên. Giá điện tăng, các doanh nghiệp tiêu thụ điện sẽ phải quyết định sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng. Một mặt bằng giá mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Thời gian qua, giá cả thấp chủ yếu do giá xăng dầu giảm, sức mua yếu, hàng tồn nhiều nên doanh nghiệp không dám tăng giá bán hàng hóa, vì lo sức mua lại giảm. Và thực tế đã giảm sút nhiều. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán thì lấy ai mua. Điều này có thể dẫn đến hậu quả, thu nhập người lao động giảm, người dân phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu hàng tháng. Khi người dân không có tiền để mua, tồn kho lại tăng, việc thúc đẩy cầu tiêu dùng sẽ khó khăn, doanh nghiệp phá sản, kéo theo suy thoái kinh tế.

Mong rằng điều đó sẽ không xảy ra.