Nơi ta ở...

(ANTĐ) - Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”… Nhưng với thành phố quê hương của mình, là Hà Nội, thì tôi đã chuyển nhà khắp nơi. Lạ là ở đâu tôi cũng thấy cái hay, cái đẹp. Tức là, với tôi, không phải “Khi ta đi” đất mới “hóa tâm hồn”, mà hình như ngay khi đang ở, đất đã níu giữ, gắn bó thiết tha với bao kỷ niệm vui buồn không sao quên được.

Nơi ta ở...

(ANTĐ) - Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”… Nhưng với thành phố quê hương của mình, là Hà Nội, thì tôi đã chuyển nhà khắp nơi. Lạ là ở đâu tôi cũng thấy cái hay, cái đẹp. Tức là, với tôi, không phải “Khi ta đi” đất mới “hóa tâm hồn”, mà hình như ngay khi đang ở, đất đã níu giữ, gắn bó thiết tha với bao kỷ niệm vui buồn không sao quên được.

Hồi còn chưa đến tuổi đi học, nhà cha mẹ tôi ở cuối phố Bà Triệu, gần chợ Đuổi (bây giờ là siêu thị Vincom), tôi vẫn còn nhớ trong sân có cây sấu. Mấy đứa bé thèm nhỏ dãi chờ các anh chị lớn cẩn thận rửa lá non, đặt mấy hạt muối vào giữa rồi khéo léo và tỉ mỉ gói lại như một miếng trầu, khi nào đầy một đĩa mới trang trọng đưa lên ngang mày mời nhau, từ chị cả, mãi mới đến lượt tôi.

Chị Câm không nói được, nhưng chị Thủy thì khoanh tay, nói với tôi cứ như tôi là một vị khách quan trọng của gia đình: “Em mời bác xơi trầu ạ”. Lúc đó, tôi độ lên 5, còn chị chừng 9 tuổi. Tôi lúng túng giơ hai bàn tay đỡ lấy một miếng lá sấu non được gói kín, giọng thực sự cảm động xen lẫn lòng biết ơn và vui thích: “Em xin bác ạ”. Mấy chị em, cả con đẻ và con nuôi của bố mẹ, khoảng 5, 6 đứa, tuổi từ 3, 4 đến 11, 12 ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà, giáng điệu y như các ông bà già ngồi ăn cỗ long trọng. Khi “trầu” đã  trên tay mỗi người một miếng, chúng tôi đồng thanh: “Em mời các bác xơi trầu ạ” và thong thả đưa miếng lá sấu non gói muối vào miệng, từ từ nhai rồi lấy tay quệt mép, y như dáng mẹ lúc ăn trầu cùng các bà bạn láng giềng. Chà, vị chua thanh thanh của lá sấu non hòa cùng chút đậm đà của hạt muối mới ngon làm sao. Tôi còn nhớ và xót xa tuổi thơ yêu quí, mến thương đã không còn bao giờ trở lại…

Thế rồi lớn hơn, bố mẹ đưa cả nhà về ngoại ô Yên Phụ, chỉ cách quê Tứ Liên  khoảng 2 cây số. Thế là Tết nào tôi cũng được theo bố về làng. Cái làng nhỏ xíu, mà mênh mông sao so với tuổi lên chín, lên mười. Một bên làng là sông Hồng với miên man dâu xanh và ngô, mía bạt ngàn, một bên là hồ Tây mỗi mùa một loài hoa, nào hoa súng, hoa bèo, hoa bóng nước… Nhưng tôi thích nhất mùa sen. Dạo đó sen nở gần kín mặt hồ, từ sau đình Yên Phụ đến tận chùa Trấn Quốc, khiến cho suốt cả mùa hè, phố Yên Phụ như ướp trong mùi thơm mơ hồ mà ngan ngát lạ kỳ. Ở Yên Phụ, tôi đã trải qua mối tình đầu vô cùng trong sáng và e dè.

Nhà anh ở Hàng Than, mà dạo đó làm gì ra xe với pháo, nên anh thường đến nhà tôi bằng tàu điện. Thế là tối thứ bảy nào tôi cũng xuống bến xe, chỗ đầu phố bây giờ là ngã năm ồn ào nhưng thuở đó vắng vẻ và mơ màng với những hàng cây rợp bóng. Tôi nấp sau gốc  cây to, chờ từng tiếng leng keng xe điện, hết chuyến này sang chuyến khác mới thấy anh. Tôi lại đợi anh xuống tàu, đi theo sau anh về nhà mình, chờ anh gọi cửa rồi mới vờ vĩnh như vừa chạy ở đâu về: “Ơ, anh đến sớm thế ạ?”…

Đó là Yên Phụ. Còn Đê La Thành, mà ông xã tôi (không phải là mối tình đầu!) thì công tác tận trên Tây Bắc. Ông đi vắng, các em còn bé, mỗi lần sửa nhà, tôi thường cùng em gái lớn nhất của anh lội xuống sông, có lẽ cũng là sông Tô Lịch, vớt bùn để trát lên vách nứa. Rồi ban đêm thì xếp hàng lấy nước ở chiếc máy công cộng dưới chân đê… vất vả thế, nhưng mà thật vui. Mẹ và các em anh thật sự tôn trọng và có lẽ cũng mến thương tôi đôi chút. Còn căn phòng áp mái trên gác tư của Báo Hà Nội mới mà cơ quan thương tình cho vợ chồng tôi ở nhờ, thì tôi đã làm bài thơ “Gác tư”: “Phòng tôi ở gác tư - Cầu thang bảy mươi bậc - Mở cửa sổ nhìn ra - Một vùng trời đầy ắp - Sông Hồng trôi trước mặt - Hồ Gươm nằm dưới chân - Đêm Giao thừa nhìn xuống - Như xem đèn kéo quân…”.

Căn hộ bé xíu, mà thực ra chỉ có nửa căn rộng 13 mét rưỡi mà hai mẹ con tôi được Nhà nước cho thuê sau khi ông xã mất, cũng đầy kỷ niệm. Cháu còn bé, đi học ở trường cấp 1 Thành Công, tôi đang là phóng viên rất bận, nhiều khi chủ nhật cũng không được nghỉ, vậy mà nhà trường thì rất hay điều động phụ huynh đến trường, hoặc là họp, hoặc là trồng cây, rồi có khi lao động dọn dẹp chuẩn bị liên hoan gì đó. May sao, cạnh nhà có chú mới đi Ba Lan về, chưa có vợ, vừa nhận công tác ở viện khoa học nhưng còn rỗi rãi. Chú thường xung phong đến trường thay cho mẹ cháu bận đi viết báo, làm tin. Cũng có hôm mang theo cuốc xẻng, có hôm cầm cái chổi dài, y như một ông bố trẻ!... Rồi nhà chưa có bể nước, chú và cháu bé cùng mẹ gom gạch vỡ hoặc gạch… lấy trộm của công trường để chú loay hoay xây cái bể xi măng… Chà, lại bao nhiêu là kỷ niệm mà tôi luôn ngơ ngẩn vì tất cả đều đã đi qua không bao giờ còn có thể quay trở lại…

Bây giờ là căn hộ trong khu chung cư mới, mà các em tôi đến chơi, sau mấy vụ cháy chung cư ở đường Nguyễn Tuân có hai mẹ con bị chết, rồi đường Trần Duy Hưng, rồi thang máy nhà cao tầng ở tận trong Thanh Hóa bỗng nhiên đứt dây cáp, rơi xuống hình như cũng làm chết người… đã khiến các em lo lắng cho bà chị, một mực khuyên nên chuyển xuống một căn nhà nhỏ ở gần quê Tứ Liên cho có chị có em, hoặc một căn nhà riêng trong ngõ nhỏ nào yên tĩnh…

Nhưng tôi cứ nhất định thích ở chung cư. Trên tầng cao nhìn về thành phố, đèn như sao sa, xe người như kiến, tha hồ mà thở dài thấy Hà Nội của mình giờ đây đang hội nhập, đang mở cửa một cách quá vội vàng, đến mức các nhà cao tầng chẳng theo một qui hoạch chính quy nào, cứ bất ngờ mọc lên lổn nhổn đây một cái, kia một cái, thậm chí giữa một xóm chen chúc các ngôi nhà lụp xụp bỗng dưng mù mịt khói bụi vì công trình xây một nhà cao… mấy chục tầng!

Thế mà tôi đang được ở một khu chung cư có quy hoạch hẳn hoi, có người còn gọi đùa là “Ha Oai của Hà Nội”, còn gì bằng! Từ khi tôi dọn đến đây (năm 2004) vẫn có tấm biển ghi dòng chữ: “Bể bơi thông minh”. Tôi và một vài bạn yêu thích môn bơi lội vẫn đùa; “Có bể bơi thông minh nhưng chưa có người nghĩ ra cách gì thông minh để chuyển đổi mục đích xây dựng sang cái khác cho hợp lý nên cứ chịu nằm im tới 6 năm rồi!”. Chà, Hà Nội mà tôi yêu quý đang  hòa nhập hình như chỉ… 5 năm một, tùy theo người lãnh đạo ở từng lĩnh vực! Biết làm sao? Hình như vị kiến trúc sư đề xuất và thực thi việc xây dựng khu nhà mà tôi đang ở, khu “Ha Oai của Thủ đô” nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi đâu mất rồi, chứ nếu ông mà hoàn thành tất cả rồi mới chuyển, thì tôi chắc bể bơi giờ đã đầy người vùng vẫy tránh cái nóng kinh hoàng của mùa hè mất điện năm 2010…

PHAN THỊ THANH NHÀN